Lễ phát động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCSHCM, Hội đồng Đội Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam phối hợp tổ chức.
Phát biểu tại Lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh bối cảnh đặc biệt năm nay, khi hàng chục triệu trẻ nhỏ vừa phải trải qua giai đoạn rất khó khăn của đại dịch Covid-19. "Chúng ta không chỉ có tháng hành động vì trẻ em mà phải luôn luôn hành động vì trẻ em. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn dành sự quan tâm đặc biệt, tình thương yêu sâu sắc đối với các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng vì các cháu là hạnh phúc của gia đình và tương lai của đất nước. Bác căn dặn: "Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh 3 trụ cột chính ảnh hưởng đến đời sống của trẻ em, đó là gia đình - nhà trường - xã hội.
Đối với gia đình, lãnh đạo Chính phủ kêu gọi, mỗi gia đình hãy là "ngôi nhà xanh" hạnh phúc cho các cháu với trách nhiệm của cha mẹ nuôi nấng, dạy dỗ. Thực tế nhiều cháu đã bất hạnh trong chính ngôi nhà mình, do chính người thân gây ra. Gia đình quan tâm đến bữa ăn, tâm lý của trẻ sau dịch Covid 19, tránh gây áp lực cho các em.
Đối với nhà trường, Thủ tướng mong muốn, đó là nơi để "mỗi ngày đến trường là một niềm vui". Ở đó các cháu coi thầy cô là cha mẹ thứ 2 của mình, chia sẻ và thực hiện khát vọng cuộc sống. Ở đó các cháu không bị áp lực học hành, thi cử, có môi trường lành mạnh, không bị thầy cô và bạn bè làm tổn thương, được an ủi khi có những chuyện buồn.
"Thậm chí đã có lần tôi nói cần cải thiện lại hệ thống nhà vệ sinh của trường học để các cháu được hưởng môi trường sạch sẽ. Hay nhà trường cần chú ý đến tâm lý, vấn an và quan tâm đặc biệt đến tâm lý của trẻ sau dịch Covid-19 vì các cháu đã học online quá lâu, tiếp xúc bạn bè bị hạn chế" - Thủ tướng nói.
Đối với xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh cụm từ "trách nhiệm và yêu thương trẻ". Đó là trách nhiệm của quốc gia, cơ quan, bộ, ngành, tổ chức và mỗi cá nhân đối với trẻ em. Đối với quốc gia, cần có Chiến lược phát triển trẻ em Việt Nam, trong đó có giải pháp nâng cao thể trạng của trẻ em; giáo dục những hệ giá trị của con người Việt Nam như lòng yêu nước, ham học hỏi, trách nhiệm, kỷ cương, nhân ái… Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Luật Trẻ em và Nghị quyết 121/2020/QH14 của Quốc hội và các nội dung, nhiệm vụ về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
Mỗi bộ, ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm để đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường an toàn, phát triển thể chất và tinh thần.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu để xây dựng chương trình học phù hợp, tăng cường dạy kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cho trẻ… Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương chú ý đến trường học, sân chơi, bể bơi cho trẻ em…
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung... đã trao bảo trợ cho 20 trẻ em mồ côi do dịch Covid-19; trao quà cho 40 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trao tặng thiết bị học tập trực tuyến cho 20 thiếu nhi.
Trước đó, trong khuôn khổ chương trình phát động Tháng hành động vì trẻ em và Khai mạc hè năm 2022, chiều ngày 30/5/2022 tại trụ sở cơ quan Trung ương Đoàn, Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Thường trực Hội đồng Đội Trung ương, Lãnh đạo Cục Trẻ em đã tổ chức gặp mặt 20 em thiếu nhi đại diện cho 160 em được nhận tiền bảo trợ trong đợt 4 của chương trình "Nối vòng tay thương" tại các địa phương: Hà Nội, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Bình Dương, Bến Tre, Kiên Giang và TPHCM.
Tháng hành động vì trẻ em hằng năm cũng là dịp để các cấp chính quyền địa phương, gia đình, cộng đồng tiếp nhận và quản lý, giám sát trẻ em về hoạt động hè tại xã, phường; tổ chức cho trẻ em một mùa hè an toàn, giảm đuối nước, giảm thiểu các vụ trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bóc lột.
Đến ngày 31/5/2022 đã có 52/63 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch, công văn hướng dẫn triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2022, một số cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch triển khai Tháng hành động vì trẻ em như: Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam...
Thông điệp truyền thông trong Tháng hành động vì trẻ em và 3 tháng hè năm 2022:
1. Trẻ em phải được an toàn trong ngôi nhà của mình;
2. Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng;
3. Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em;
4. Kiên quyết phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình;
5. Hãy lên tiếng để ngăn chặn mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em;
6. Gọi 111 để thông báo, tố giác mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em;
7. Số 111 - tiếp nhận thông tin mọi lúc, bảo vệ trẻ em mọi nơi.
8. Toàn Đoàn đẩy mạnh Cuộc vận động "Vì đàn em thân yêu"
9. Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em.
10. Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn