Thủ tướng: Phấn đấu đến năm 2025 có 75% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới

20:42 | 19/10/2019;
Ngày 19/10 tại tỉnh Nam Định, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Tham dự hội nghị có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2021; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; các đồng chí Bộ trưởng, lãnh đạo của các Ủy ban của Quốc hội; Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các nhà khoa học; các điển hình tiên tiến trong xây dựng NTM...

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết hiện số dân sống ở nông thôn rất lớn, phải làm tốt chương trình xây dựng NTM vì người hưởng lợi rất đông, người khó khăn, người nghèo, gia đình chính sách cũng chủ yếu ở nông thôn, miền núi. Vì thế, Hội nghị Trung ương 7 khóa X đã ban hành Nghị quyết mang tính lịch sử, Nghị quyết 26 về tam nông.

Đây là lần đầu tiên chúng ta đưa 3 nội dung (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) vào trong một nghị quyết nhằm thống nhất cao về nhận thức, tập trung sức chỉ đạo, huy động tổng thể nguồn lực cho phát triển 3 nội dung then chốt này với 3 mục tiêu khái quát, bao trùm. Đó là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, cải thiện nhanh chóng đời sống nông dân và xây dựng NTM giàu đẹp, bản sắc.

Thực hiện nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 triển khai trên toàn bộ vùng nông thôn Việt Nam, gồm 9.000 xã, 664 huyện của 63 tỉnh, thành phố.

 

Lần đầu tiên xây dựng NTM được lượng hóa bằng 19 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu. Đây vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là thước đo, vừa là cơ sở để giám sát kết quả thực hiện. Chỉ tiêu khái quát nhất là đến năm 2020, 50% số xã đạt chuẩn NTM.

Chương trình đòi hỏi nguồn lực khổng lồ cho việc hoàn thiện thiết chế hạ tầng, thúc đẩy sản xuất, bảo vệ môi trường, nhưng chương trình được ban hành vào thời điểm khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế khu vực và thế giới. “Tiền bạc 5 năm đầu khó khăn lắm, huy động từ ngân sách Nhà nước ít lắm nhưng chúng ta không nản chí, vẫn quyết tâm. Số xã được công nhận ít. Chính vì khó khăn lúc đó, một số nơi, một số người không tin tưởng”, Thủ tướng chia sẻ.

Trong bối cảnh đó, cả hệ thống chính trị vẫn quyết tâm thực hiện chương trình. Đó là kinh nghiệm rất quý trong quá trình tổ chức thực hiện những nghị quyết quan trọng của Đảng.

Nhìn lại 9 năm qua, theo Thủ tướng, có thể thấy đây là chương trình rất trúng, rất đúng, đi vào lòng người, khai thác được sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị kết hợp sức mạnh của từng người dân, tạo nên thành tích to lớn, toàn diện, lịch sử.

Trước hết là sự chuyển biến, thay đổi nhận thức sâu sắc của cán bộ đảng viên, toàn xã hội, của người dân về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong 9 năm, chúng ta đã huy động được nguồn lực lớn, đến 2,4 triệu tỷ đồng, trung bình mỗi năm huy động tương đương 10 tỷ USD cho phát triển các thiết chế hạ tầng sản xuất, đời sống, văn hóa, xã hội. Chính vì thế, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn Việt Nam thay đổi đáng kể, xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn, nhiều nơi thay đổi đến ngỡ ngàng. Sức dân là vô cùng to lớn trong thành công này. “Chúng ta làm hàng vạn km đường giao thông nông thôn mà không mất một đồng tiền đền bù giải phóng nào, người dân sẵn sàng hiến đất, thậm chí hiến cả nhà, cả ngày công, tiền bạc”, Thủ tướng nói.

Chúng ta đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, củng cố chắc chắn thế mạnh các ngành hàng trụ cột: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản với 3 trục sản phẩm, nhóm sản phẩm quốc gia với trên 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm. Nông nghiệp Việt Nam vào tốp đầu châu Á về kim ngạch xuất khẩu. Cải thiện một cách tích cực đời sống của người dân khu vực nông thôn.

Năm 2009, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn là 9,7 triệu đồng/người, cuối năm 2018 đã đạt 35,9 triệu đồng/người, tăng 3,7 lần. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19% năm 2009 xuống còn trên 4% vào cuối năm nay.

“Chúng ta đã vượt kế hoạch đề ra và sớm hơn 1 năm rưỡi so với Nghị quyết 26”, Thủ tướng kết luận. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thực sự đã tạo ra một bước đột phá lịch sử, làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam. Thủ tướng cho biết một số đoàn công tác nước ngoài đến tỉnh Ninh Bình để nghiên cứu về NTM thì đều khen ngợi “không ngờ nông nghiệp Việt Nam lại như vậy”.

Thủ tướng cũng nêu một số điểm tồn tại để rút kinh nghiệm. Đó là sự chỉ đạo chưa đồng bộ, có lúc có nơi cấp ủy, chính quyền chưa sát sao, chưa quyết liệt, làm cho bức tranh phát triển không đồng đều, trong cùng những điều kiện giống nhau nhưng kết quả lại rất khác nhau.

Các chỉ tiêu phát triển sản xuất, chăm lo môi trường sống cho người dân, củng cố chính quyền ở cơ sở chưa có được kết quả đồng bộ với kết quả phát triển hạ tầng. Ví dụ một số cấp ủy, chính quyền chưa lo cho người dân, chưa sát dân, chưa sát cơ sở, còn ách tắc, còn xa dân. Sự oan ức của người dân ở một số nơi chưa được giải quyết đến nơi đến chốn.

Nói về bất cập môi trường sống ở nông thôn, Thủ tướng cho rằng còn nhiều rác, nhất là rác thải nhựa và nguồn nước bị ô nhiễm. “Chúng ta phải nhìn nhận những thách thức, nguy cơ đó để quyết tâm hơn, có biện pháp cụ thể hơn, nhất là trước nguy cơ biến đổi khí hậu”. Vì vậy, phải tận dụng tối đa các cơ hội phát triển, hạn chế đến mức thấp nhất các nhân tố bất lợi, biến nguy cơ thành cơ hội.

Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là thế mạnh, còn rất nhiều dư địa, là lợi thế trong tiến trình phát triển và hội nhập. Phải mạnh dạn, quyết tâm, dám đặt mục tiêu cao hơn. Các địa phương phải đi tiên phong để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, đặc thù, xây dựng một vùng nông thôn xanh, sạch, đẹp và bản sắc, đáng sống. Xây dựng NTM không chỉ ở đồng bằng mà cả miền núi, làng bản, xã đảo. Thủ tướng cho biết Chính phủ đã trình Quốc hội để ban hành một chương trình về dân tộc miền núi, ghép 18 chương trình nhỏ lẻ lại thành một chương trình quốc gia lớn hơn về dân tộc miền núi.

 

Các đại biểu dự Hội nghị

 

“Trong 5 năm tới, các địa phương đã hoàn thành 19 chỉ tiêu giai đoạn 2010 - 2020 cần phải có mục tiêu cao hơn cả về sản xuất, cả về đời sống, môi trường, đặc biệt là hoàn thiện hạ tầng”, Thủ tướng lưu ý. Đặc biệt là phải tập trung lo văn hóa, chống tệ nạn xã hội, xây dựng văn hóa nông thôn. Còn nhóm gần 50% số xã chưa đạt 19 tiêu chí thì phải dồn sức để hoàn thành tích cực hơn.

Thủ tướng nhấn mạnh, dự kiến phấn đấu đến 2025 có 75% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có ít nhất 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 50% số huyện, thị xã đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó có 10% được công nhận huyện, thị xã nông thôn kiểu mẫu; có ít nhất 9 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đặc biệt chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

Chỉ ra một số giải pháp lớn, Thủ tướng nêu rõ phải tiếp tục hoàn thiện, đảm bảo thống nhất các cấp để có được đội ngũ cán bộ chuyên tập trung cho sự tham mưu, chỉ đạo. Hoàn thiện bộ tiêu chí theo hướng tạo khung khổ định hướng để các địa phương phát huy tính chủ động sáng tạo cao nhất, để đạt kết quả tốt nhất. “Các địa phương không được chủ quan, không được thỏa mãn với kết quả ban đầu này, phải luôn nhất quán quan điểm xây dựng NTM chỉ có điểm đầu, chưa và không có điểm kết thúc”.

Tổng huy động nguồn lực đầu tư bằng cơ chế, hình thức hợp tác công tư, xã hội hóa, riêng ngân sách tập trung cần được tăng cường bằng 2 nhóm nguồn chính. Đó là đầu tư trung hạn 2021-2025 và chương trình mục tiêu quốc gia 2021- 2025, đặc biệt đầu tư xã hội và vai trò hợp tác xã… trong nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và nông thôn. Không có hợp tác xã kiểu mới, những tập đoàn lớn, không có những trang trại quy mô thì khó có thể chuyển một nền nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa.

“Tóm lại có 4 vấn đề cốt lõi xây dựng NTM, một là không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, miền núi. Thứ hai, xây dựng miền quê đáng sống, xanh, sạch, đẹp. Thứ 3, cần phải tiếp tục bảo tồn, phát triển song hành giữa văn hóa,  nét đẹp văn hóa của người dân trong quá trình phát triển. Thứ 4, tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể dưới sự lãnh đạo của Đảng không ngừng vững mạnh để phục vụ nhân dân”, Thủ tướng nói. Một chương trình hành động cụ thể sau Hội nghị này phải được chuẩn bị để đưa ra thông qua tại cấp ủy, chính quyền từng cấp, nhất là cấp tỉnh, huyện, nhất là ở những địa phương còn có nhiều huyện, xã chưa đạt danh hiệu NTM.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương, các ngành hưởng ứng phong trào thi đua được phát động ngày 18/10, đó là “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn