Tại phiên chất vấn chiều 18/11, đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào, đoàn Sóc Trăng, đặt câu hỏi với Thủ tướng về chọn khâu đột phá nào trong nông nghiệp, nông dân hay nông thôn; đồng thời vấn đề giải cứu nông sản cho nông dân diễn ra hàng năm, có giải pháp gì để khắc phục sự chên lệch lớn giữa giá bán và giá mua nông sản hiện nay?
Trả lời đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc thực hiện Nghị quyết 26 của Trung ương về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt. Nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, như xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo… được tổ chức thực hiện mạnh mẽ, kịp thời. Tuy nhiên, Thủ tướng nhìn nhận: “Dù có nhiều tiến bộ trong triển khai Nghị quyết 26, nông nghiệp, nông dân và nông thôn vẫn còn bất cập xảy ra”, hơn 70% dân số sống ở nông thôn, còn chênh lệch giàu nghèo...
Thủ tướng khẳng định: Chính phủ tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ tái cơ cấu nông nghiệp, nhất là ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Đồng thời đẩy mạnh đào tạo nhân lực ở nông thôn. Thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia cũng như các chương trình mục tiêu khác, xây dựng văn hóa nông thôn, tình làng nghĩa xóm, đảm bảo môi trường sống ở nông thôn.
Khẳng định điều quan trọng nhất trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng nhấn mạnh: “chìa khóa” của tái cơ cấu nông nghiệp nằm ở nông dân, từ nhận thức, tư duy đến hành động, hạ tầng. Cần có những giải pháp để cho nông dân phải là chủ thể. “Sắp tới, Chính phủ phối hợp với Hội Nông dân tổ chức đối thoại với nông dân để tìm ra lối đi, cách làm mới ở nông thôn”, Thủ tướng khẳng định.
Xem video Thủ tướng trả lời chất vấn về nông nghiệp, nông dân và nông thôn"
Về “giải cứu” hàng hóa nông sản, thực tế khó tránh khỏi là dư thừa hàng hóa trong cung cầu hàng hóa, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ NN&PTNN đã chỉ đạo các địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, trước mắt là hoàn thiện, nâng cao chất lượng quy hoạch sản phẩm của từng vùng.
Chính phủ tiếp tục có các chính sách tổ chức sản xuất, khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư, giảm trung gian, bám sát thị trường. Đặc biệt, cần tổ chức khâu sản xuất phải gắn với tiêu thụ, phân phối sản phẩm, gắn với thị trường. Đồng thời tổ chức xúc tiến thương mại để thúc đẩy thị trường. Ngành nông nghiệp, ngành công thương phối hợp để tìm đầu ra cho nông dân. Đặc biệt, nông dân bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thì tiếp tục xây dựng thương hiệu quốc gia trong nông sản ở nông thôn.
Đi liền với đó là bảo đảm an toàn thực phẩm - đây là vấn đề xã hội rất quan tâm. “Nếu làm tốt vấn đề này, kết hợp tốt giữa người dân với doanh nghiệp, có định hướng có thông tin, được đầu tư… thì việc giải cứu sản phẩm nông nghiệp sẽ hạn chế bớt”, Thủ tướng nói.