Thúc đẩy niềm tin cho công chúng
Theo kế hoạch ban đầu, Thủ tướng Prayut và các thành viên nội các Thái Lan dự định tiêm phòng vào 12/3. Tuy nhiên, Thái Lan sau đó đã tạm đình chỉ sử dụng vaccine của hãng AstraZeneca giống như một số quốc gia châu Âu do lo ngại về những biến chứng đông máu sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19. Nhưng rồi quá trình triển khai tiêm vaccine AstraZeneca lại được tiếp tục ở Thái Lan sau khi nhiều quốc gia cho biết không có vấn đề về đông máu sau khi tiêm.
Trước các phóng viên tại tòa nhà Chính phủ, ông Prayut tuyên bố: "Hôm nay tôi sẽ thúc đẩy niềm tin cho công chúng". Thủ tướng Prayut, người sẽ tròn 67 tuổi vào ngày 21/3 tới, cho biết ông cảm thấy ổn sau khi tiêm. Thủ tướng Prayut và nội các của ông đã được tiêm bằng vaccine AstraZeneca nhập khẩu nằm trong lô 117.300 liều nhận được hồi đầu tháng 3 để sử dụng khẩn cấp.
Theo kế hoạch, các nhân viên y tế tuyến đầu và các nhóm ưu tiên khác trong đó có các quan chức chính phủ, sẽ sử dụng vaccine nhập khẩu. Mặc dù vậy, xét về tổng thể, chiến lược tiêm chủng của quốc gia này chủ yếu dựa vào việc sản xuất vaccine AstraZeneca trong nước.
Tại Thái Lan, vaccine AstraZeneca sẽ được sản xuất bởi một công ty thuộc sở hữu của Hoàng gia, với dự kiến 61 triệu liều dành cho dân số đất nước. Tuy nhiên, vaccine AstraZeneca do Thái Lan sản xuất dự kiến chỉ có thể được sử dụng vào tháng 6 tới. Đây cũng là thời điểm chính phủ nước này đặt kế hoạch tiêm chủng đại trà.
Trước đó, Thái Lan đã nhập 200.000 liều CoronaVac của Sinovac, Trung Quốc. Một lô 800.000 liều CoronaVac nữa sẽ được chuyển đến nước này vào cuối tháng 3 cùng 1 triệu liều trong tháng 4.
Tranh cãi về chuyện ưu tiên vaccine Covid-19 cho các tỉnh du lịch
Ngoài những lo ngại về biến chứng đông máu sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19, Thái Lan cũng đang tranh cãi về chuyện ưu tiên vaccine cho các tỉnh du lịch. Giới chức Thái Lan ban đầu nói rằng, những liều vaccine đầu tiên chỉ được dành cho các nhân viên y tế tuyến đầu và các nhóm dân cư dễ bị tổn thương ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Du lịch Pipat Ratchakitprakarn phản bác điều này và đề nghị sử dụng 100.000 liều vaccine trong đợt đầu tiên, dành cho nhân viên ngành du lịch, khách sạn ở các tỉnh du lịch nổi tiếng, bao gồm Chiang Mai và Phuket. Ông Ratchakitprakarn cùng với rất nhiều lãnh đạo trong ngành du lịch kêu gọi chính phủ Thái Lan đồng ý đề xuất "Ưu tiên Phuket tháng 10", để phân bổ một số liều vaccine đến các tỉnh phụ thuộc vào du lịch, bao gồm Phuket.
Ông Bhummikitti Ruktaengam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phuket (PTA), phát biểu: "Nền kinh tế Phuket phụ thuộc 80-90% vào du khách nước ngoài, nhưng chúng tôi chấp nhận rằng chúng tôi phải giữ an toàn cho người dân, mặc dù chúng tôi rất chật vật trong năm qua. Giờ đây, ngày càng có nhiều người tiêm chủng và cách duy nhất để khởi động lại nền kinh tế là cho phép những du khách này nhập cảnh mà không cần cách ly, sau khi chúng tôi đảm bảo người dân địa phương được an toàn". Theo ông Bhummikitti, khu vực tư nhân có đủ nguồn lực để mua vaccine cho 70% dân số địa phương Phuket và tiêm vaccine trước ngày 1/10, nhanh hơn thời gian đề xuất của chính phủ.
Các nhóm nhân quyền và những tổ chức khác ở Thái Lan ngay lập tức đã chỉ trích ý tưởng này. Ông Matcha Phorn-in. Nhà hoạt động nhân quyền ở Chiang Mai, đã đệ trình kiến nghị lên quốc hội về tác động không đồng đều của đại dịch đối với các dân tộc thiểu số không nhận được viện trợ của chính phủ.
Ông Matcha tuyên bố: "Thay vì ưu tiên những nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất, chiến dịch tiêm chủng đang bỏ lại phía sau những cộng đồng bị thiệt thòi như lao động nhập cư và người không quốc tịch. Còn việc ưu tiên cho người dân ở các tỉnh du lịch rõ ràng là không công bằng".
Thái Lan không phải là quốc gia duy nhất đang thúc đẩy hồi sinh ngành du lịch để phục hồi kinh tế. Nhân viên ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn và tài xế taxi ở Bali, Indonesia đã được tiêm vaccine sớm hơn các nhóm dân số khác.
Theo tổ chức từ thiện toàn cầu Save the Children, ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau khi tiêm chủng cho nhân viên y tế tuyến đầu và nhóm người dễ bị tổn thương, các quốc gia phải ưu tiên đội ngũ giáo viên vì nguy cơ bóc lột tình dục và tảo hôn ngày càng gia tăng.
Ngoài ra, trong các chiến dịch tiêm chủng trên thế giới, người di cư, dân tộc thiểu số và lao động không giấy tờ là những người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang có những diễn biến hết sức phức tạp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn