Dự họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các thành viên Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4; Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Trưởng Ban Chỉ đạo tiền phương, dự họp tại đầu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Dự họp tại điểm cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum có Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố.
Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh mặc dù bão số 4 có cường độ mạnh, đổ bộ vào đất liền vào ban đêm, nhờ sự chỉ đạo, vào cuộc, nỗ lực của các cấp, ngành và người dân nên việc phòng, chống bão đạt hiệu quả.
Thủ tướng triệu tập cuộc họp này nhằm đánh giá tình hình; dự báo diễn biến tiếp theo của bão lũ và các biện pháp phòng, chống, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước, người dân, doanh nghiệp; nhong chóng ổn định đời sống, vật chất, tinh thần của nhân dân; khôi phục, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; góp khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn.
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo tiền phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo chung về tình hình, diễn biến của bão số 4; công tác phòng, chống bão; tổng hợp thiệt hại ban đầu; dự báo diễn biến tiếp theo của bão lũ và các biện pháp phòng, chống, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
Đêm 27 và sáng ngày 28/9, bão số 4 đã ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương khu vực Trung Bộ, gây gió cấp 10, giật cấp 14 tại đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm; đất liền có gió cấp 6-8, giật cấp 10, lớn nhất tại Tam Kỳ (Quảng Nam) có mạnh gió cấp 9, giật cấp 13.
Mặc dù bão số 4 là cơn bão mạnh, đi nhanh, thời gian đổ bổ vào đất liền vào ban đêm xong cả hệ thống chính trị, các lực lượng và người dân đã vào cuộc đồng bộ, chính vì vậy đã giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Bước đầu ghi nhận chưa có thiệt hại về người, có 4 người bị thương; sập 3 nhà; hư hỏng, tốc mái 157 nhà; chìm 3 ghe nhỏ; 9.427 trạm biến áp bị sự cố mất điện và 15 xã bị mất điện, hiện đã khắc phục 535 trạm biến áp; gãy đổ khoảng trên 500 cây xanh tại địa bàn các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai...
Lãnh đạo các địa phương báo cáo về tình hình thiệt hại do bão số 4 gây ra, công tác khắc phục thiệt hại và bài học kinh nghiệm trong ứng phó với cơn bão số 4.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các địa phương tiến hành rà soát, đánh giá, tổng hợp đầy đủ thiệt hại do bão gây ra, báo cáo thường trực Ban Chỉ đạo và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sớm khắc phục hậu quả của bão. Đặc biệt, ngay sau cuộc họp, một số công trình như điện, trường học, nhà dân bị tốc mái cần khẩn trương được khôi phục.
Lưu ý tránh tâm lý chủ quan sau bão, Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát các khu vực nguy hiểm như đập tràn, khu vực có nguy cơ sạt lở cao để bố trí lực lượng ứng trực, không để người dân qua lại khu vực này.
Sáng nay (28/9), sau khi đi sâu vào khu vực Thừa Thiên Huế-Quảng Ngãi bão số 4 (bão NORU) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Hồi 10 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Khu vực Vịnh Bắc Bộ, Quảng Trị đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; sóng biển cao 2-4m, biển động mạnh.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Kon Tum có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.
Cảnh báo mưa lớn:
Chiều 28/9, ở khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 70mm.
Từ ngày 28/9 đến đêm 29/9, ở khu vực Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-250mm, có nơi trên 300mm; khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hòa Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-150mm, có nơi trên 180mm.
Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trượt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng thấp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn