Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết: "Sau khi nghị quyết được thông qua, chúng tôi đã chuẩn bị để tham mưu sớm nhất cho UBND tỉnh trong việc hướng dẫn các quy định cụ thể để địa phương trong quá trình triển khai thuận lợi hơn".
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ gồm người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) làm việc trong lĩnh vực, công việc thuộc nhóm: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, thu mua phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa bằng xe ba gác, xe thô sơ; lái xe ôm truyền thống (không tính grab, shipper), xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú, du lịch.
Ngoài ra còn có các trường hợp bị ảnh hưởng theo quy định để phòng chống dịch từ 1/5/2021 - 31/12/2021, gồm: người lao động không có giao kết hợp đồng lao động thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp ở các vùng bị phong tỏa, giãn cách xã hội theo quy định của cơ quan có thẩm quyền để phòng chống dịch; tự làm hoặc làm việc tại các nhà hàng, quán ăn, điểm bán hàng đặc sản, lưu niệm dọc tuyến QL1A theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng chống dịch.
Đối tượng đặc thù khác bao gồm: Các đối tượng được nuôi dưỡng trong các cơ sở trợ cấp xã hội ngoài công lập; hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội.
Mức hỗ trợ đối với người lao động 1,5 triệu đồng/người/lần; riêng đối tượng tự làm hoặc làm việc tại các nhà hàng, quán ăn, điểm bán hàng đặc sản, lưu niệm dọc tuyến QL1A theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng chống dịch: 2 triệu đồng/người/lần. Đối với hộ: 1,5 triệu đồng/hộ/lần.
Tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 67,5 tỷ đồng. Thời gian thực hiện: từ 1/5/2021 đến 31/12/2021.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn