Trong môi trường công sở, chúng ta không thể từ chối hoàn toàn các buổi tiệc của đồng nghiệp và cấp trên. Nếu biết quan sát, bạn sẽ phát hiện mỗi người có những biểu hiện khác trên trên bàn tiệc.
Người ta có câu: “Uống rượu bình nhân phẩm”. Người có 4 biểu hiện sau đây thường không mấy tài giỏi trên phương diện công việc nhất:
Trên bàn tiệc, đa số mọi người đều tự biết điều chỉnh và kiềm chế, không dễ dàng để bản thân say đến mất nhận thức. Thậm chí, một số người cao tay còn biết “giả say” để tránh “kiếp nạn”. Lúc nào cần say thì phải say đến “bất tỉnh nhân sự”, giả vờ trốn một góc để “tỉnh rượu”. Mà lúc cần cũng thật tỉnh táo, không để rượu bia vào làm hỏng việc lớn.
Nhưng luôn có một số người rất kỳ lạ, tửu lượng không cao nhưng lại thích “đọ sức”. Đã uống là phải say, mà đã say là phải “chém gió”, nói xằng nói bậy. Phải có người trông chừng mới khiến họ ngồi yên không gây chuyện. Hoặc là sau khi uống say thì nói xấu công ty, nói xấu lãnh đạo, ngay cả đồng nghiệp ngồi bên cạnh cũng không tha.
Biểu hiện này càng nhiều, họ càng thể hiện bản thân không có năng lực kiểm soát chính mình, làm việc không biết tiến lùi, không biết trên dưới, cả thèm chóng chán. Trong môi trường công sở, họ càng thiếu chín chắn, dễ manh động, thiếu kỷ luật và tự giác, thậm chí còn hơi có vẻ ta đây. Họ thường xuyên phàn nàn, nói xấu sau lưng và không được người khác thật lòng yêu quý. Thử hỏi, người như vậy sao có thể thành công?
Bữa tiệc sau giờ làm đôi khi là một phần của công việc, cũng cần có quy tắc cơ bản. Nhưng có một số người làm gì cũng chỉ biết đến bản thân, không chịu suy nghĩ cho người khác.
Thức ăn được mang lên, họ lúc nào cũng chỉ chăm chăm gắp lấy gắp để, kéo chén đĩa về phía mình, thậm chí còn không để ý người ngồi bên cạnh. Lúc gọi món cũng không biết kính trên nhường dưới hay phép tắc lịch sự, muốn gì là gọi đó, cũng không hề quan tâm đối phương có kiêng ăn gì không.
Lúc được người khác mời ăn, hãy lịch sự chọn món ăn vừa phải, không đòi hỏi cũng không chọn quá đắt. Đừng thấy người khác mời mình một bữa thì lấy cái cớ “tôi thích” ra để chọn món đắt đến nỗi bình thường bản thân cũng không dám ăn.
Người ích kỷ trên bàn ăn thì lúc làm việc cũng là kẻ ích kỷ. Gặp khó khăn trong công việc hoặc có điểm nào không vừa ý, họ phàn nàn, cằn nhẳn cả ngày không thôi. Việc nào cũng là việc, nhưng bản thân chỉ chọn việc nhẹ nhàng nhất, những phần khó nhằn thì đùn đẩy cho người khác. Người như vậy thì có tài cán gì?
Trên bàn tiệc còn có một loại người mà khi lên rượu bia thì bản thân chẳng uống mấy, chỉ thích mời người khác uống, mời đến khi nào đối phương say khướt thì thôi.
Nhưng đến lượt của bản thân thì nói sức khỏe yếu, tửu lượng kém, không uống được nhiều. Thấy người khác say rượu làm ra chuyện bẽ mặt thì vừa hả hê vừa khoái chí đến mức phản cảm.
Người có đặc điểm này thuộc dạng “khẩu phật tâm xà”. Đối diện với bạn thì rất lịch sự, khách sáo, hỏi gì vâng nấy, nhìn sơ thì ai cũng nghĩ họ là người tốt bụng, có gia giáo. Nhưng trong lòng họ lại ác ý mong đồng nghiệp phạm sai lầm để bản thân được lợi. Họ không dùng thực lực để cạnh tranh chân chính, họ thích đi đường ngang ngõ tắt, thích lén đẩy người khác xuống nước để làm nổi bật khả năng tầm thường của mình.
Người như vậy không khác gì những con cua trong rọ tre, nó không trèo ra được sẽ kéo bạn xuống rọ chung. Những người lãnh đạo khôn ngoan sẽ không thích cấp dưới như vậy, sự nghiệp của anh ta có thể thăng tiến được sao?
Còn có một kiểu người như thế này, thích lợi dụng trong việc ăn uống. Chỉ cần nghe có tiệc, không cần biết bản thân có phù hợp hay không, cũng không cần biết người ta có mời mình đi hay không, “mặt dày” đi ăn mới là quan trọng nhất!
Trên bàn có món gì là gắp lấy gắp để, ăn không hết còn đòi gói mang về. Không tiện công khai thì tự lấy túi bỏ hết đồ ăn vào.
Người như vậy chỉ thích hưởng thụ miễn phí, không bao giờ bỏ tiền túi mời lại. Họ chỉ lo đến cái lợi trước mắt, dễ khiến mọi người xa lánh và ảnh hưởng đến các mối quan hệ sau này.
Trong công việc, khi làm việc nhóm, họ nhất định sẽ nghĩ cách đẩy việc cho bạn để bản thân nhàn nhã. Đến cuối cùng còn tìm cách giành hết mọi công lao về mình. Người thiển cận như vậy, sao có thể đi đường dài?
Người thông minh chốn công sở nhất định sẽ xem bàn tiệc là chiến trường thứ hai. Họ hiểu được cái gì nên nói nên làm và cái gì không nên. Tuân thủ lễ nghĩa, biết suy nghĩ cho người khác, tiến lùi đúng mức, khiến ai cũng thấy thoải mái. Một bữa tiệc đơn giản đôi khi cũng có thu hoạch lớn, tạo tiền đề cho sự thăng tiến sau này.
(Nguồn: Zhihu)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn