Thúc đẩy bình đẳng giới trong hệ thống bảo hiểm xã hội và đảm bảo an sinh xã hội ở Việt Nam

10:37 | 16/07/2021;
Một trong những biện pháp chính sách được khuyến nghị là thúc đẩy tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, giảm rút bảo hiểm xã hội một lần cũng như đảm bảo bình đẳng giới trong tiếp cận và hưởng các chế độ an sinh xã hội.

Ngày 16/7, tại Hà Nội, Hội LHPN Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã phối hợp tổ chức hội thảo "Nhận diện vấn đề giới trong một số chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam". Các đại biểu đã thảo luận về vấn đề bình đẳng giới trong bảo hiểm xã hội (BHXH) và đảm bảo an sinh xã hội tại Việt Nam.

Tại hội thảo, các báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường tính đáp ứng giới của hệ thống BHXH ở Việt Nam để giảm thiểu những bất bình đẳng giới mà phụ nữ phải trải qua trong suốt cuộc đời của họ, cả tại nơi làm việc và gia đình. Các báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị quan trọng về cách thúc đẩy bình đẳng giới trong khuôn khổ việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương nhấn mạnh, hội thảo hướng tới mục tiêu xây dựng và thực hiện bình đẳng giới trong các chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam. "Trong hệ thống an sinh xã hội, hệ thống BHXH giữ vai trò trụ cột, quan trọng nhất. Phát triển BHXH sẽ là tiền đề và điều kiện để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", bà Trần Thị Hương nói.

Thúc đẩy bình đẳng giới trong hệ thống bảo hiểm xã hội và đảm bảo an sinh xã hội ở Việt Nam  - Ảnh 1.

Bà Valentina Barcucci - Quyền Giám đốc ILO tại Việt Nam - phát biểu

Bà Valentina Barcucci - Quyền Giám đốc ILO tại Việt Nam - chia sẻ, mục tiêu bình đẳng giới và an sinh xã hội có quan hệ chặt chẽ với nhau. Những nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các chính sách an sinh xã hội cần được thúc đẩy mạnh mẽ, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của xã hội. Cần thực hiện chính sách an sinh xã hội từ nhạy cảm giới đến đáp ứng giới.

Nhìn ở góc độ giới, một số quy định trong pháp luật về BHXH đã tính đến các đặc thù về giới. Cụ thể như giảm thời gian đóng BHXH đối với lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn để được hưởng lương hưu. Tăng thời gian nghỉ chế độ thai sản từ 4 tháng lên 6 tháng và quy định chế độ nghỉ thai sản đối với nam giới khi vợ sinh con; chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ. Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia…

Thúc đẩy bình đẳng giới trong hệ thống bảo hiểm xã hội và đảm bảo an sinh xã hội ở Việt Nam  - Ảnh 2.

Quang cảnh hội thảo

Tuy nhiên, kết quả thực hiện các chính sách BHXH cho thấy, diện bao phủ BHXH thực tế còn thấp. Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 31/12/2020, mới chỉ có 31,12% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH bắt buộc (giảm 1,12% so với cùng kỳ 2019) và 2,31% lực lượng lao động tham gia BHXH tự nguyện. Còn đến 66,5% lực lượng lao động trong độ tuổi hiện nay vẫn chưa tham gia BHXH, chủ yếu nông dân và lao động trong khu vực phi chính thức, có thu nhập thấp. Số người hưởng BHXH một lần năm sau cao hơn năm trước và chưa có dấu hiệu dừng lại. 

Mặt khác, diện bao phủ của chế độ thai sản thấp, thực tế cho thấy trong năm 2019, chỉ có 30% phụ nữ trong lực lượng lao động được hưởng chế độ thai sản, được thực hiện đối với phụ nữ tham gia BHXH bắt buộc; 70% phụ nữ còn lại đứng ngoài chính sách này gồm các đối tượng lao động nữ làm nông nghiệp, làm nghề tự do… Thiếu chính sách bảo vệ thai sản không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập và thời gian làm việc của phụ nữ mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của bà mẹ, trẻ em và sự phát triển bền vững của nguồn nhân lực đất nước.

Thực hiện chức năng đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trong thời gian qua, Hội LHPNVN đã đề xuất nhiều chính sách, chương trình, đề án đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, góp phần thực hiện an sinh xã hội, thể chế hóa quy định pháp luật về bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ và tổ chức Hội. Nhiều chính sách đã được các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, ghi nhận trong văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lao động nữ, chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số. Bên cạnh đó là chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn