Chị Đinh Thị Vang, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Thạnh, cho biết, hiện nay, tổng số phụ nữ 18 tuổi trên địa bàn huyện là 10.748 người, trong đó phụ nữ dân tộc thiểu số là 3.157 người, chiếm 29,37%. Có 2.176/5.366 hội viên dân tộc thiểu số địa bàn dân cư. Phụ nữ dân tộc thiểu số ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông, sản xuất trên nương rẩy, đồi núi cao, diện tích trồng lúa nước ít, thậm chí không có diện tích trồng lúa như làng Đăk Tra (xã Vĩnh Kim). Đặc biệt, làng O2 (xã Vĩnh Kim) chưa có điện, đường. Cuộc sống của người dân ở đây chủ yếu là tự cung tự cấp.
Nhìn chung, đời sống của phụ nữ dân tộc thiểu số ở huyện Vĩnh Thạnh còn nhiều khó khăn. Việc áp dụng các kiến thức về khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm, sản xuất ở mức nhỏ lẻ (chủ yếu là ở hộ gia đình). Điều kiện, phương tiện cách trở, việc tiếp cận thông tin còn chậm. Hộ nghèo ở huyện chiếm tỷ lệ cao, trên 30%.
Chính vì vậy, phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Vĩnh Thạnh rất khó khăn trong việc cập nhật thông tin. Chị Đinh Thị Vang cho biết, hầu hết phụ nữ lớn tuổi chỉ chú trọng tăng gia sản xuất trên nương rẩy, kiếm tiền để lo trang trải cuộc sống gia đình nên ít quan tâm tìm hiểu các vấn đề thực hiện chuyển đôi số. Một số phụ nữ thuộc hộ nghèo không có điện thoại. Còn đa phần các chị sử dụng điện thoại chỉ có chức năng nghe, gọi. Ở một số nơi vùng sâu, vùng xa, sóng điện thoại và mạng Wifi chập chờn nên việc tham gia chuyển đổi của phụ nữ dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn.
Để phụ nữ dân tộc thiểu số có ý thức cùng với phụ nữ toàn huyện tích cực tham gia các hoạt động chuyển đổi số, theo chị Đinh Thị Vang, Hội LHPN huyện Vĩnh Thạnh đã tổ chức nhiều hoạt động để thúc đẩy, hỗ trợ các chị em tham gia chuyển đổi số đạt hiệu quả. Cụ thể, năm 2023, Hội LHPN huyện Vĩnh Thạnh tổ chức 29 buổi truyền thông sân khấu hoá thay đổi nếp nghĩ cách làm với các nội dung chuyển đổi số, chăm sóc giáo dục con cái tại 29 thôn thực hiện dự án, thu hút 2.030 người dân tộc thiểu số tham gia. Năm 2024, tổ chức Truyền thông về phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em; Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; Thực hành tiết kiệm trong chi tiêu gia đình và các kỹ năng sắp xếp cuộc sống gia đình tại 28 thôn, làng tham gia Dự án 8, thu hút trên 2.250 hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số và nhân dân tham dự.
Ngoài ra, Hội LHPN từ huyện đến cơ sở tập trung tố chức các hoạt động theo chủ đề năm 2024; đồng thời tăng cường phối hợp tổ chức tuyên truyền nâng cao kiến thức liên quan đến chuyển đổi số, nhất là phối hợp với Công an, Đoàn Thanh niên hướng dẫn cài đặt mã số định danh mức độ 2, tuyên truyền an toàn trên không gian mạng…
Để việc chuyển đổi số mang lại lợi ích và hiệu quả cho phụ nữ dân tộc thiểu số, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Thạnh cho biết, trong thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ hỗ trợ các tổ nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số trên cơ sở bám sát định hướng nội dung của Hội LHPN tỉnh Bình Định theo từng năm. Đồng thời tiếp tục duy trì nâng cao hiệu quả Mô hình "Tổ phụ nữ dệt thổ cẩm", "Tổ liên kết sản xuất" hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số có ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh… gắn với tập huấn về kỹ năng sử dụng công nghệ và các trang mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm mà chị em làm ra; góp phần tăng thu nhập giúp chị em vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn