Thúc đẩy nam giới nghỉ thai sản: "Cơ hội cuối cùng" cho bài toán dân số Nhật Bản?

21:09 | 03/04/2023;
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cam kết sẽ đưa tỷ lệ nam giới thực hiện chế độ nghỉ thai sản lên 85% vào năm 2030 để giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh sụt giảm kỷ lục. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều lao động nam tỏ ra e ngại trong việc sử dụng chế độ nghỉ thai sản này.

Một đứa trẻ đang cưỡi trên lưng bố mỉm cười khi cả hai cùng dạo bước qua công viên phủ đầy lá vàng rơi. Đây là là hình ảnh thường thấy của một "ikemen" Nhật Bản. Thuật ngữ "ikumen" là từ mới bắt nguồn từ các từ tiếng Nhật "ikeru" (hoặc "iketeru") và "menzu", trong đó "ikeru" (hoặc "iketeru") có nghĩa là "bảnh trai" (hoặc "thú vị") còn "menzu" là từ "men" (đàn ông) trong tiếng Anh được Nhật hóa.

Các nhà chức trách Nhật Bản đã quảng bá rộng rãi thuật ngữ này trong suốt thập niên vừa qua nhằm đối phó với số giờ làm việc kéo dài của đất nước. Đây là hiện tượng mà đã không chỉ tước đi thời gian cho gia đình của những ông bố và cả sự nghiệp của những người phụ nữ khi phải lui về làm công việc nội trợ. Đây được xem là một trong những nguyên nhân góp phần đẩy tỉ lệ sinh xuống mức gần như thấp nhất thế giới.

"Cơ hội cuối cùng" đảo ngược xu hướng giảm sinh ở Nhật Bản

Vào 2022, số lượng trẻ em được sinh ra tại Nhật Bản giảm xuống dưới con số 800.000 lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu được ghi nhận vào năm 1899. Đây là cột mốc "cảnh báo đỏ" trong xu hướng giảm sinh mà chính phủ Nhật cho rằng ngày càng đáng lo ngại.

Thúc đẩy nam giới nghỉ thai sản: "Cơ hội cuối cùng" cho bài toán dân số Nhật Bản? - Ảnh 1.

Thủ tướng Fumio Kishida nói rằng sáu tới bảy năm tới được xem là “cơ hội cuối cùng” để đảo ngược hình trạng tỷ lệ sinh sụt giảm ở Nhật Bản.

Trong một nỗ lực nắm bắt lấy "cơ hội cuối cùng" để đảo chiều tình hình, Thủ tướng Fumio Kishida vào giữa tháng Ba năm nay đã công bố một loạt các chính sách, bao gồm tăng cường hỗ trợ cho trẻ em và cam kết nâng tỉ lệ lao động nam thực hiện chế độ nghỉ làm cha (chế độ nghỉ thai sản chon am giới) từ 14% lên 50% vào năm 2025, và 85% vào năm 2030. Trong một phát biểu gần đây, Thủ tướng Nhật thậm chí còn cảnh báo rằng "sáu tới bảy năm tới đây sẽ là cơ hội cuối cùng để đảo ngược xu hướng giảm tỷ lệ sinh của quốc gia".

Tuy nhiên, không ít ý kiến bày tỏ nghi ngờ về tính hiệu quả của kế hoạch do Thủ tướng Fumio Kishida đưa ra. Makoto Iwashi, thành viên của POSSE - một tổ chức công đoàn của lao động trẻ, chia sẻ rằng: Trong khi kế hoạch của chính phủ có dụng ý tốt thì thực tế, nhiều đàn ông Nhật Bản lại quá sợ hãi để thực hiện chế độ nghỉ thai sản này do nguy cơ phải chịu sự trừng phạt từ người sử dụng lao động.

Nam giới Nhật Bản được cho phép 4 tuần nghỉ làm cha, với mức chi trả lên đến 80% lương, theo một đạo luật thông qua bởi Quốc hội vào 2021. Thế nhưng, những người đàn ông vẫn "lo sợ" rằng sử dụng những ngày nghỉ sẽ có tác động tiêu cực đến khả năng thăng chức hay rằng họ sẽ bị luân chuyển sang một vị trí khác với ít công việc hơn. Mặc dù là trái luật nếu chứng minh được rằng đó là phân biệt đối xử với những nhân viên nghỉ chế độ thai sản.

Theo Makoto Iwahashi, những người lao động theo diện hợp đồng có thời hạn đặc biệt dễ bị ảnh hưởng nếu sử dụng chế độ nghỉ thai sản này. "một chút thay đổi trong chế độ nghỉ thai sản sẽ không thay đổi đáng kể tỷ lệ sinh đang giảm sút", Makoto Iwahashi nêu quan điểm.

Hisakazu Kato, một giáo sư kinh tế tại Đại học Meiji ở Thủ đô Tokyo, cho rằng, trong khi các công ty lớn đã trở nên thoải mái hơn với việc nghỉ thai sản thì các doanh nghiệp nhỏ vẫn có nhiều sự đề phòng. "Những công ty nhỏ sợ rằng họ sẽ gặp phải sự thiếu hụt lao động vì chính sách nghỉ chăm con. Điều này đã gây áp lực lên những ông bố trẻ muốn nghỉ chăm con trong tương lai", ông chia sẻ.

Để giải quyết trở ngại này, trong một cuộc họp báo mới đây, Thủ tướng Fumio Kishida đã ghi nhận các lo ngại và cam kết sẽ có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kế hoạch chi tiết được công bố vào tháng Sáu năm nay trong bản kế hoạch chính sách hàng năm của chính phủ.

Thúc đẩy nam giới nghỉ thai sản: "Cơ hội cuối cùng" cho bài toán dân số Nhật Bản? - Ảnh 2.

Nhiều chuyên gia cho rằng tình trạng dân số đáng báo động của Nhật Bản phần lớn đến từ các yếu tố văn hóa và xã hội. Ảnh: Getty Images

Những rào cản vô hình để đảo ngược xu hướng giảm sinh

Stuart Gietel-Basten, một giáo sư chính sách công tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (Trung Quốc – khu vực cũng đang suy giảm tỷ lệ sinh nghiêm trọng), chỉ ra rằng: Tỷ lệ sinh thấp thường là dấu hiệu của những yếu tố văn hóa cố hữu mà khó có thể được thay đổi bằng chính sách. Những yếu tố như vậy có thể bao gồm từ văn hóa làm việc cho đến thái độ về vai trò giới.

"Tăng cường chế độ nghỉ thai sản là một chính sách tốt, không có nghi ngờ gì. Chắc chắn nó sẽ đem đến cho nhiều người đàn ông (và phụ nữ) những tác động tích cực. Thế nhưng, tác động ở tầm vĩ mô vẫn sẽ hạn chế trừ khi những chuẩn mực và thái độ xã hội hiện nay thay đổi", giáo sư Stuart Gietel-Basten chia sẻ.

Trong những năm qua, các chuyên gia cũng chỉ ra tâm lý bi quan phổ biến trong giới trẻ. Những tâm lý này nảy sinh ở người do áp lực công việc và một nền kinh tế trì trệ nên họ ít tin tưởng vào tương lai.

Trở lại câu chuyện ở Nhật Bản, anh Riki Khorana, 26 tuổi, nói rằng, anh có dự định sẽ làm đám cưới với bạn gái của anh vào tháng Sáu tới. Theo anh, chi phí sinh hoạt đắt đỏ là một trong những mối lo lớn nhất khi lập gia đình. Là một kỹ sư tại một trong những tập đoàn lớn nhất Nhật Bản ở trung tâm Thủ đô Tokyo, anh tự đánh giá bản thân là một người có thu nhập khá cao. Tuy vậy, anh hiện vẫn sống cùng với bố mẹ tại Yokohama, thành phố lớn thứ hai của Nhật Bản, phía nam Tokyo.

Sau khi làm đám cưới, anh sẽ dọn ra ở riêng nhưng vẫn sẽ phải ở Yokohama để tránh chi phí thuê nhà cao ở Tokyo. Theo một khảo sát về chi phí sinh hoạt của công ty tư vấn Hoa Kỳ Mercer, Tokyo là thành phố đắt đỏ thứ 9 trên thế giới.

Khorana nói rằng, anh dự định có hai đứa trẻ nhưng nếu có các chính sách mạnh mẽ hơn của chính phủ thì anh sẽ cân nhắc có nhiều hơn. "Tôi cảm giác mình không thể chi trả cho nhiều hơn hai đứa trẻ", anh nói them rằng: "Những người yếu thế về tài chính hơn nghĩ rằng họ không đủ khả năng để chi trả nhiều hơn cho một đứa trẻ".

Tỷ lệ sinh là số trẻ trung bình được sinh ra so với số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tỷ lệ này ở Nhật Bản đã giảm xuống 1,3 – thấp hơn nhiều so với con số 2,1 là tỷ lệ sinh cần thiết để duy trì dân số ổn định.

Thúc đẩy nam giới nghỉ thai sản: "Cơ hội cuối cùng" cho bài toán dân số Nhật Bản? - Ảnh 3.

Bất chấp các chính sách phúc lợi và chế độ nghỉ thai sản “hào phóng” của Chính phủ Nhật Bản, nhiều người đàn ông vẫn lo ngại rằng có con sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp. Trong ảnh là các lao động đi bộ về ga tàu Shinjuku tại Tokyo vào tháng 3/2023. Ảnh: Getty Images

Cuối tháng 3 năm nay, Thủ tướng Fumio Kishida cho biết ông đã lên kế hoạch cải cách thị trường nhằm tăng lương và cung cấp hỗ trợ kinh tế cho lao động trẻ. Ông cũng cam kết sẽ hỗ trợ những lao động tự do và đề cập đến các khoản trợ cấp bổ sung dành cho trẻ em, giáo dục và nhà ở.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các chính sách mới là không đủ để giải quyết vấn đề suy giảm dân số của đất nước. Tuy nhiên, theo giáo sư Hisakazu Kato, ông cũng nhìn thấy một tia hy vọng trong việc khuyến khích nghỉ thai sản cho các ông bố: "Tôi nghĩ đây là một kế hoạch tốt vì nó không chỉ cải thiện chính sách về gia đình mà còn cả bình đẳng giới", GS. Hisakazu Kato chia sẻ.       .


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn