Trong chuyến khám phá đầu tiên tại sông băng Golubin, Sabrina đã học được nhiều điều về thủy văn và biến đổi khí hậu. Cô cũng trải qua những điều kiện thực địa khắc nghiệt, từ việc ngủ qua đêm trong lều đến làm tan tuyết để lấy nước.
Đó không chỉ là hành trình khám phá khoa học mà còn là cơ hội giúp Sabrina nhận thức sâu sắc hơn về những khó khăn mà phụ nữ phải đối mặt trong lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM).
"Tôi đã sốc khi nghe về những thách thức mà các nhà khoa học xuất sắc gặp phải chỉ vì họ là phụ nữ. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng thế giới khoa học vẫn phải đấu tranh để mang lại cơ hội bình đẳng cho phụ nữ", Sabrina nói.
Được truyền cảm hứng từ chương trình, năm 2022, Sabrina chuyển từ vai trò người tham gia sang vai trò thành viên nhóm tổ chức. Và năm nay, cô đã hướng dẫn những phụ nữ trẻ khác vượt qua những thử thách mà cô từng đối mặt nhiều năm trước.
"Là một người đến từ Tajikistan, tôi hiểu rõ những khó khăn mà các cô gái trẻ ở Trung Á gặp phải. Trở thành người hướng dẫn là cơ hội để tôi kết nối với nhiều cô gái giống mình và hỗ trợ họ theo đuổi ước mơ.
Tôi nhận thấy chương trình có giá trị lớn hơn đối với cộng đồng khoa học Trung Á và toàn cầu. Đa dạng giới trong khoa học có thể cải thiện chất lượng nghiên cứu và mở ra những phương pháp tiếp cận sáng tạo", Sabrina, người đang theo học chương trình thạc sĩ về Viễn thám, Thông tin Địa lý và Hình ảnh hóa tại Đại học Potsdam (Đức), cho biết.
Chương trình "Adventure of Science" do Đại học Fribourg (Thụy Sĩ) tổ chức, được hỗ trợ bởi Cơ quan Phát triển và Hợp tác Thụy Sĩ (SDC), Văn phòng Khu vực UNESCO tại Almaty và hợp tác với Viện Khoa học Địa chất Ứng dụng Trung Á (CAIAG).
Chương trình đã thu hút nhiều phụ nữ từ các quốc gia như Cộng hòa Kyrgyzstan, Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan và Turkmenistan.
"Chúng tôi khởi động "Adventure of Science" nhằm giải quyết những rào cản mà phụ nữ gặp phải trong nghiên cứu về băng hà. Trong nhiều năm, phụ nữ thường bị ngăn cản tham gia công tác thực địa khoa học.
Chương trình của chúng tôi hướng đến việc thay đổi vấn đề đó và hiện tại, chúng tôi nhận thấy ngày càng nhiều phụ nữ Trung Á không chỉ tham gia chương trình mà còn đảm nhận vai trò lãnh đạo với tư cách là người hướng dẫn", Martina Barandun, đồng sáng lập chương trình, chia sẻ.
Năm nay, trong chuyến đi 10 ngày đến Công viên quốc gia Ala-Archa (Kyrgyzstan), người tham gia đã khám phá tác động của biến đổi khí hậu đến tầng băng quyển, môi trường và tài nguyên nước.
"Điều này khác với việc học từ sách vở. Ở đây, chúng tôi quan sát, trải nghiệm, khám phá, hiểu và nắm bắt. Thật đặc biệt khi có thể tìm hiểu và chia sẻ về khoa học như thế này", Laura Niggli, người hướng dẫn đến từ Đại học Zurich (Thụy Sĩ), giải thích.
Chương trình tiếp tục tập trung vào việc khuyến khích phụ nữ Trung Á đảm nhận các vai trò lãnh đạo, chuẩn bị cho họ tham gia các chuyến khám phá trong tương lai.
Các hội thảo, được hỗ trợ bởi dự án Cryosphere của GEF-UNDP-UNESCO, cũng giúp những người hướng dẫn phát triển kỹ năng hướng dẫn, đi thực địa và quản lý dự án, từ đó trang bị cho họ khả năng dẫn dắt các chuyến đi.
Chương trình "Adventure of Science: Women and Glaciers in Central Asia" được khởi động vào năm 2019, với mục tiêu thu hẹp khoảng cách giới trong STEM thông qua khuyến khích phụ nữ trẻ Trung Á tham gia tìm hiểu về băng hà. Được phụ trách bởi đội ngũ hướng dẫn viên và chuyên gia leo núi toàn nữ, chương trình giúp người tham gia có cơ hội trải nghiệm thực tế trong nghiên cứu khoa học, leo núi, truyền thông khoa học và phát triển kỹ năng lãnh đạo.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn