Tại buổi tiếp, Chủ tich Hà Thị Nga chia sẻ về tình hình phụ nữ Việt Nam và bình đẳng giới. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ này là 30,26%, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đều cao hơn nhiệm kỳ trước (cấp tỉnh: 29%; cấp huyện: 29,08%; cấp xã: 28,98%). Phụ nữ Việt Nam còn tích cực tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Mới đây, tháng 3/2021, Bệnh viện dã chiến 2.3 đã xuất quân đi làm nhiệm vụ tại Nam Sudan, trong đó có 14 nữ quân nhân.
Chủ tịch Hà Thị Nga còn đề cập đến các hoạt động lớn của Hội năm 2021 với chủ đề "Tập trung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền". Hội chuẩn bị Đại hội Phụ nữ các cấp tiến tới Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ 13, dự kiến vào tháng 3/2022. Hội tiếp tục thực hiện các chương trình, đề án lớn như hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ; hỗ trợ phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số; xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo… Hội cũng đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030, theo đó đưa ra các giải pháp hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế về văn hóa xã hội, gia đình, khoa học công nghệ; kinh tế; an ninh, quốc phòng và đối ngoại.
Theo Chủ tịch Hà Thị Nga, quan hệ giữa phụ nữ Việt Nam và phụ nữ Nam Phi vẫn còn thu hẹp. Hội đã gặp gỡ và trao đổi 2 lần với Liên đoàn Phụ nữ Đảng Đại hội Dân tộc Phi - ANC (năm 2008 và 2019) nhân dịp đoàn thăm và làm việc ở Nam Phi. Tuy nhiên, hai Hội cũng chưa có hoạt động hợp tác chung. Do đó, phía Hội mong được chia sẻ kinh nghiệm với Nam Phi để phụ nữ hai nước phát huy hơn nữa vai trò trong quan hệ quốc tế. Mặt khác, cần chia sẻ thông tin và kết nối hợp tác trong lĩnh vực phụ nữ và bình đẳng giới giữa hai nước, đặc biệt là thúc đẩy để tăng cường trao đổi hợp tác giữa Hội với Liên đoàn ANC.
Tổ chức Phụ nữ toàn châu Phi (PAWO) cũng có trụ sở tại Nam Phi. Vì vậy, Hội mong có cơ hội phát triển quan hệ không chỉ với phụ nữ Nam Phi mà với cả phụ nữ châu Phi nói chung.
Đại sứ Mpetjane Kgaogelo Lekgoro đánh giá cao các hoạt động của Hội LHPN Việt Nam thời gian qua. Ông cho biết, phụ nữ Nam Phi tham gia rất tích cực trong lãnh đạo quản lý và trong chính trị. Nam Phi có tỷ lệ nữ lãnh đạo cao: đến tháng 1/2020, Nam Phi xếp thứ 15 trong các nước có tỷ lệ nữ trong Quốc hội cao (48,3%), cấp bộ trưởng 14/29 là phụ nữ).
Phía Nam Phi mong muốn thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa Đại sứ quán và Hội LHPN Việt Nam, kết nối Hội với đối tác phụ nữ Nam Phi để cùng chia sẻ kinh nghiệm về phụ nữ tham chính, cách quản lý hệ thống Hội từ trung ương đến địa phương.
Về hoạt động ngày Phụ nữ Nam Phi (9/8), Hội đề xuất Đại sứ quán tổ chức triển lãm ảnh, chiếu phim về phụ nữ Nam Phi ở Bảo tàng Phụ nữ. Bên cạnh đó, có thể tổ chức tọa đàm trực tiếp hoặc trực tuyến tùy tình hình dịch COVID-19 giữa Đại sứ quán và Hội về phụ nữ hai nước.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn