Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng Việt sau đại dịch Covid-19

18:57 | 13/12/2023;
Thương mại điện tử đang trở thành xu thế tất yếu và không thể đảo ngược, đặc biệt là giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch. Các sàn thương mại điện tử trở thành một kênh phân phối quan trọng trong việc kết nối giữa người dùng Việt với các nhãn hàng Việt Nam.

Chị Bùi Thị Tuyết (thôn Nội Lang Nam, xã Nam Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) là thế hệ thứ 4 theo nghề làm nước mắm của gia đình. Cha truyền con nối đã hơn 100 năm, dù lành nghề đến mấy, chị Tuyết vẫn chỉn chu trong từng công đoạn, tuân thủ nghiêm ngặt về nguyên liệu, thời gian. "Đặc trưng nhất trong sản phẩm nước mắm của tôi là nguyên liệu được làm từ tép và muối biển" nên cho vị ngọt tự nhiên, hoàn toàn không cần phải sử dụng đến các loại hương liệu, phụ gia nào khác. Từng công đoạn đều được chị Tuyết làm bằng sự tận tâm, tỉ mỉ, đảm bảo chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm để chinh phục khách hàng. Chính vì vậy, dù hiện nay, nghề làm nước mắm truyền thống đang phải chịu sức ép cạnh tranh từ nước mắm công nghiệp song gia đình chị đã xây dựng được thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu nước mắm Đoán Tuyết và trở thành một trong những thương hiệu nước mắm "made in Vietnam" được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận. Chị Tuyết cho biết, sàn thương mại điện tử đang trở thành một trong những kênh bán hàng lợi thế.

Cũng giống như chị Bùi Thị Tuyết, hiện nay, nhiều nữ doanh nhân, phụ nữ khởi nghiệp, các hộ kinh doanh, nữ giám đốc hợp tác xã… đã biết tận dụng lợi thế của sàn thương mại điện tử để đưa các mặt hàng nông sản, đặc sản tiếp cận gần hơn với khách hàng. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 trở thành "cú hích" đẩy nhanh tốc độ phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, đây là hình thức kích cầu tiêu dùng hàng Việt Nam hiệu quả. Các sàn thương mại điện tử cũng triển khai nhiều hoạt động để quảng bá, tiêu thụ các mặt hàng nông sản, đặc sản, tinh hoa hàng Việt Nam.

Ông Phan Mạnh Hà, Giám đốc Đối ngoại, Công ty TNHH Shopee Việt Nam chia sẻ về các hoạt động thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng Việt giai đoạn "hậu" Covid-19.

- Xin ông cho biết các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là Shopee đã thúc đẩy cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam như thế nào?

Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng Việt sau đại dịch Covid-19- Ảnh 1.

Ông Phan Mạnh Hà

Ông Phan Mạnh Hà: Trước đây khi nói đến câu chuyện người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tôi thấy qua báo, đài thường chỉ nói đến hệ thống siêu thị, các kênh phân phối bán lẻ trực tiếp. Sàn thương mại điện tử chưa có cơ hội tham gia những diễn đàn như thế này.

Thương mại điện tử đang trở thành xu thế tất yếu và không thể đảo ngược, đặc biệt là sau giai đoạn Covid-19. Các sàn thương mại điện tử bây giờ là một kênh phân phối quan trọng trong việc kết nối giữa người dùng Việt với các nhãn hàng Việt Nam. Sàn thương mại điện tử là một phương thức quan trọng thúc đẩy người Việt dùng hàng Việt.

Trong năm 2023, Shopee cũng đã có một số chương trình được hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam. Chúng tôi có chương trình rất lớn, từ tháng 5 đến tháng 12 nhằm tôn vinh nông sản Việt, nhằm mục tiêu giới thiệu đặc sản, nông sản Việt.

Hiện tại chúng tôi đã giới thiệu 16 đặc sản trên 10 tỉnh thành đến người tiêu dùng Việt Nam. Chúng tôi thấy các bạn trẻ khá quan tâm đến hàng nông sản Việt, đặc biệt là sản phẩm OCOP. Trước đây các bạn không để ý nhưng khi chúng tôi mời một số người nổi tiếng (KOLs) livestream ở trên nền tảng Shopee thì doanh số của nông sản Việt tăng lên.

Có một chương trình khác khá thú vị, cách đây khoảng 2-3 tuần, chúng tôi phối hợp, hưởng ứng lời kêu gọi của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tham gia chương trình tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia. Chúng tôi có chạy 10 gian hàng Việt trong vòng 60 giờ và giới thiệu được 45.000 sản phẩm trên các gian hàng đó. Chúng tôi cảm thấy rất tự hào khi góp phần thúc đẩy hàng Việt trong nước.

Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng Việt sau đại dịch Covid-19- Ảnh 2.

Sản phẩm hàng Việt có nguồn gốc xuất xứ, nhãn hiệu rõ ràng được đón nhận tại thị trường trong nước cũng như quốc tế

- Trong năm 2024, Shopee sẽ tiếp tục triển khai các chương trình đã thành công thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng Việt có thể với quy mô lớn hơn?

Ông Phan Mạnh Hà: Chúng tôi mong muốn có một chương trình thúc đẩy việc ứng dụng của sàn thương mại điện tử đối với các nhà sản xuất ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. làm sao cho ứng dụng của công nghệ số bao trùm lên toàn bộ xã hội chứ không phải chỉ một bộ phận.

Trong thời gian tới, chúng tôi có thể triển khai các chương trình này bằng cách phối hợp với một số Sở Công thương các tỉnh ở phía Bắc, trong đó có Hải Dương, Nam Định; ở miền Trung có Nghệ An, Huế; ở miền Nam có Trà Vinh, Vĩnh Long. Chúng tôi hướng dẫn những nhà sản xuất nông sản đưa hàng lên Shopee. Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai chương trình tại nhiều tỉnh thành hơn và hy vọng năm 2024 sẽ có những kết quả tốt hơn, thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Xin cảm ơn ông!


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn