Dự án nhằm thúc đẩy sự phát triển và cung cấp các dịch vụ tài chính và phi tài chính đáp ứng nhu cầu của phụ nữ theo mô hình Tháp thông qua việc tăng cường năng lực của Hội LHPN Việt Nam và các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính, hướng tới việc tăng cường tài chính toàn diện đáp ứng nhu cầu giới ở Việt Nam.
Hai bên đã khẳng định rằng "tài chính toàn diện đáp ứng nhu cầu giới" không chỉ đơn thuần là tăng số lượng phụ nữ có tài khoản ngân hàng, mà còn đặc biệt quan trọng trong việc tăng cường hệ sinh thái tài chính toàn diện. Hệ sinh thái tài chính toàn diện không chỉ bao gồm trình độ quản lý và năng lực của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính (FSP), những đơn vị cần cung cấp các sản phẩm có chất lượng đáp ứng nhu cầu của phụ nữ (cấp vi mô), mà còn bao gồm khung chính sách, luật pháp và giám sát (cấp vĩ mô) và cơ sở hạ tầng tài chính (cấp trung) tạo ra môi trường thuận lợi cho các FSP.
Thông qua việc triển khai Dự án nhằm thúc đẩy các dịch vụ tài chính và phi tài chính đáp ứng nhu cầu giới, thị trường tiềm năng hướng tới khách hàng mới là các phụ nữ thuộc lớp đáy Kim Tự Tháp (Base Of Pyramids-BOP) hiện chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa được phục vụ đầy đủ, sẽ được phát triển và mở rộng; qua đó tăng cường phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam.
Các dịch vụ tài chính như thanh toán/chuyển tiền, tiết kiệm, cho vay, bảo hiểm và cho thuê (bao gồm cả tài chính kỹ thuật số), cùng với các dịch vụ phi tài chính như đào tạo tài chính đáp ứng nhu cầu đa dạng trong từng giai đoạn cuộc sống của người phụ nữ.
Tại buổi ký kết, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, Hội có bề dày chăm lo cho phụ nữ, đặc biệt là trong lĩnh vực cho vay vốn, hỗ trợ các hoạt động sản xuất. Hội là một tổ chức tiên phong về các hoạt động tài chính vi mô hướng đến giúp đỡ phụ nữ nghèo, yếu thế. Bên cạnh đó, Hội còn tập trung nhiều hỗ trợ cho phụ nữ khởi nghiệp, phụ nữ làm việc trong các hợp tác xã, trong các chuỗi giá trị liên kết. Với cách tiếp cận đa dạng như vậy, dự án thúc đẩy tài chính toàn diện đáp ứng nhu cầu giới là hướng đi mới và vô cùng cần thiết trong bối cảnh dân số Việt Nam khoảng 94 triệu người, trong đó 50,7% là phụ nữ.
Theo Chủ tịch Hội LHPNVN, tỷ lệ người dân tiếp cận tín dụng mới đạt 30,8%, thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân của thế giới là 62%. Do đó, dự án sẽ giúp giải quyết các vấn đề căn bản của người dân, người phụ nữ để phát triển kinh tế.
Còn ông Tetsuo Konaka - Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam - chia sẻ, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là nhiệm vụ chủ chốt của JICA với mục tiêu phát triển bao trùm. Ở Việt Nam, JICA đã thực hiện các dự án chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, phòng chống buôn bán người…
Hiện nay, trong nỗ lực trao quyền kinh tế cho phụ nữ, JICA đã cùng Hội LHPNVN hợp tác tăng cường tài chính toàn diện đáp ứng nhu cầu giới nhằm mang lại nhiều lợi ích chung cho toàn xã hội. Đây là dự án mà hai bên đặc biệt quan tâm và việc ký kết có ý nghĩa nhân kỷ niệm 45 năm ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản.