Thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam

15:36 | 16/08/2018;
Ngày 16/8, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã tổ chức hội thảo khởi động dự án “Thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam”.
bao-ve-quyen-tre-em.jpg
Quang cảnh Hội thảo

Được UNICEF tài trợ theo hình thức vốn ODA không hoàn lại, dự án “” được triển khai trong thời gian 5 năm (2018-2021) với tổng ngân sách hơn 17 triệu USD, tương đương hơn 388 tỷ đồng tại cấp trung ương và các tỉnh, thành phố: Kon Tum, Gia Lai, Điện Biên, Lào Cai, Đồng Tháp, Đà Nẵng. 

 
Dự án nhằm xây dựng và thực thi các chính sách pháp luật, chương trình nhằm đảm bảo thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam và tăng cường công tác điều phối, theo dõi, giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật, chương trình; đổi mới các biện pháp an sinh xã hội góp phần giải quyết vấn đề nghèo đa chiều và dễ bị tổn thương ở trẻ em Việt Nam; xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống bảo vệ trẻ em bao gồm hệ thống và các dịch vụ công tác xã hội cho trẻ em.
tre-em.jpg
Thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em

Bên cạnh đó, dự án sẽ phát triển và cung cấp các dịch vụ bảo vệ trẻ em và các dịch vụ tư pháp thân thiện với trẻ em; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức nhằm thay đổi các tập quán văn hóa xã hội là rào cản cho sự phát triển của trẻ em. 


Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam vẫn đứng trước những thách thức cần tập trung giải quyết. Trong đó, khuôn khổ pháp luật quốc gia trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế về quyền trẻ em còn những khoảng trống như: việc quy định độ tuổi của trẻ em; thiếu các tiêu chuẩn, quy định và quy trình liên ngành cho một hệ thống chăm sóc toàn diện, từ khâu ngăn ngừa, phát hiện sớm, báo cáo, can thiệp, chuyển tuyến cho đến các dịch vụ phục hồi chức năng, dịch vụ chuyên biệt và theo dõi, hỗ trợ lâu dài cho trẻ em…
nguyen-thi-ha.jpg
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Hội thảo

Bên cạnh đó, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, hiện Việt Nam vẫn có hàng triệu trẻ em thiếu hụt hoặc chưa được tiếp cận các dịch vụ về giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, hay hòa nhập xã hội.


Bà Nguyễn Thị Hà cho rằng, việc thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em cũng chính là góp phần giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững; góp phần thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 từ khía cạnh công bằng xã hội; góp phần thực hiện Luật trẻ em. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn