Sau khi hồ sơ thi cấp GPLX hạng A1 của chúng tôi đã hoàn thành, ngày 2/10, Trung tâm Đào tạo lái xe Hà Nội gọi điện thông báo ngày 5/10 sẽ có lớp sát hạch cấp GPLX hạng A1 được tổ chức tại trường Đại học Thành Đô (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Trung tâm cho biết, nếu học viên bố trí được thời gian tham gia kỳ thi thì xác nhận để gửi danh sách. Chúng tôi đã xác nhận sẽ tham gia kỳ thi. Sau đó, trung tâm gửi tin nhắn hướng dẫn 15h ngày 3/10 vào Zoom để tham gia lớp học và hướng dẫn lý thuyết. Trung tâm cũng cung cấp tài khoản và mật khẩu cho học viên vào phòng học.
Khoảng 15h ngày 3/10, sau khi vào Zoom, nhập mật khẩu chúng tôi vào phòng học. Chừng 15 phút sau, phòng học đã có 68 học viên vào lớp. Tại buổi học, giáo viên hướng dẫn nói qua một số khái niệm về giao thông, các loại biển báo, cũng như phần thi sa hình mà học viên sẽ thi. Sau đó, giáo viên chỉ một số mẹo để thi lý thuyết. "Chỉ cần nắm bắt được các mẹo thi này thì 90% đã có thể đậu", giáo viên hướng dẫn nói.
Nói rõ hơn về các mẹo thi lý thuyết, giáo viên lấy một số ví dụ: Nếu trong đề thi phần khái niệm có 1 trong 2 từ "Sơ- Vạch" thì chọn ý 1 là đúng (ví dụ vạch kẻ đường); nếu đề bài có 1 trong 3 từ "Làn- Xe- Giới" thì chọn ý 2 là đúng; trong đề bài có từ "Dải" thì chọn ý 3 là đúng; gặp phải câu hỏi có các ý trả lời là "Bị nghiêm cấm" hoặc bắt đầu bằng từ "Không được" thì luôn chọn là Đúng; đáp án có từ "Tăng" hoặc "Bên trái" thì chọn đáp án sai… Sau đó, giáo viên yêu cầu mọi người chụp lại màn hình có các từ "mẹo" mà mình vừa hướng dẫn để về học và ghi nhớ. Đồng thời, giáo viên dành thời gian giải đáp thêm các thông tin mà học viên thắc mắc.
Sau buổi học, chúng tôi nhắn lại cho Đình (nhân viên tư vấn của Trung tâm Đào tạo lái xe Hà Nội) về thời điểm nào sẽ nhận được đề trước khi thi như đã quảng cáo trước đó. Tuy nhiên, từ chiều ngày 3 đến sáng ngày 5/10, chúng tôi không nhận được hồi âm từ nhân viên tên Đình.
Chiều ngày 5/10, chúng tôi đến trường ĐH Thành Đô để làm thủ tục dự thi sát hạch cấp GPLX hạng A1. Sau khi nộp phí 20.000 đồng, chúng tôi được phát số báo danh, thẻ dự thi. 14h, lần lượt các thí sinh được gọi vào phòng thi lý thuyết. Tại đây, học viên sẽ lần lượt được sát hạch viên gọi lên chụp ảnh, hoàn thiện hồ sơ và nộp 40.000 đồng. Trong lúc chờ đến lượt, sát hạch viên hướng dẫn học viên các bước vào thi trên máy tính.
Trước khi vào phòng máy tính để thi lý thuyết, thí sinh được yêu cầu bỏ đồ đạc, tư trang gồm điện thoại, ví tiền, chìa khóa xe vào tủ đồ rồi khóa lại. Tại cửa phòng máy, cán bộ coi thi sử dụng thiết bị tiếp tục rà soát các thiết bị có thể truyền, phát tín hiệu ra ngoài. Khi cán bộ sát hạch thấy không có tín hiệu khả nghi mới cho thí sinh vào phòng thi.
Trong phòng thi lý thuyết, có khoảng 30 máy tính. Giữa các máy đều có vách ngăn. Sau khi nhập số báo danh, trên màn hình máy tính hiện ra các thông tin, hình ảnh của thí sinh. Khi kiểm tra thấy đúng thông tin, thí sinh bấm "Enter" để bắt đầu vào thi. Lúc này, trên máy tính hiện ra 25 câu hỏi/600 câu của phần lý thuyết. Nếu thí sinh trả lời đúng từ 21 câu trở lên thì đỗ phần thi lý thuyết.
Trải nghiệm thực tế tại phòng thi, chúng tôi thấy rằng, không thể có việc bao lý thuyết thi sát hạch GPLX như lời của nhân viên tư vấn.
Tuy không thể "bao" lý thuyết, nhưng nhân viên tư vấn vẫn quảng cáo và thu tiền của học viên. Theo tìm hiểu của phóng viên, có nhiều học viên đã nộp tiền để được "bao đậu" lý thuyết tại Trung tâm Đào tạo lái xe Hà Nội. Tại buổi học ngày 4/10, có 68 học viên tham gia. Nhiều học viên khi hỏi về vấn đề bao lý thuyết như đã quảng cáo và nộp tiền thì giáo viên hướng dẫn cho biết, trung tâm không "bao". "Nếu mà bao lý thuyết như các anh chị nói, thì đứa trẻ lên ba cũng đi thi được", giáo viên hướng dẫn nói.
Lúc này, nhiều người bức xúc, cho biết họ đã nộp tiền "bao" cho nhân viên tư vấn. "Chúng tôi nhiều việc, không có thời gian học mới nộp tiền "bao" với mong muốn bớt phần lý thuyết. Trung tâm thu tiền rồi lại bảo không bao, thế là lừa chúng tôi?". Một học viên khác lên tiếng: Cả hai vợ chồng chúng tôi đâu có thời gian học lý thuyết nên mới nộp tiền "bao", thế mà giờ lại bảo không.
Thực tế, trước buổi thi chúng tôi liên lạc lại với nhân viên tư vấn tên Đình qua số điện thoại đã cho trước đó thì không thấy bắt máy. Chúng tôi liên lạc với nhân viên tên Phương, người thường liên lạc với học viên thì được khẳng định không "bao lý thuyết". Phương nói: "Nếu nhân viên tư vấn là "bao" thì học viên liên lạc với nhân viên đã tư vấn hoặc cung cấp thông tin để trung tâm xử lý". Tuy nhiên, khi chúng tôi cung cấp thông tin gồm tên, số điện thoại nhân viên, tin nhắn của nhân viên tên Đình đã tư vấn với khách hàng, Phương nhận thông tin rồi không trả lời.
Ngày 20/10, phóng viên PNVN liên lạc với Phương để nắm lại thông tin. Phương cho biết, các trung tâm đào tạo GPLX thường có nhiều cộng tác viên và Phương cũng chỉ là một cộng tác viên "ăn" phần trăm hồ sơ (mỗi hồ sơ được trả từ 10.000 đồng- 20.000 đồng). Do đó, có thể các cộng tác viên đã quảng cáo không đúng, tự thu tiền của học viên và hứa "bao". Còn các trung tâm như Trung tâm Đào tạo Lái xe Hà Nội thì không "bao" lý thuyết. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi việc thu tiền có hóa đơn của Trung tâm Đào tạo lái xe Hà Nội hoặc tại lớp học qua Zoom có nhiều học viên cho biết đã đóng tiền "bao" lý thuyết thì Phương bảo không biết. Phương sẽ kiểm tra lại các thông tin trên và trả lời sau.
* Trong số báo tới, chúng tôi sẽ đề cập đến ý kiến của cơ quan chức năng xung quanh vấn đề này
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn