“Mờ mắt” vì lợi nhuận khủng
Trong nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, số lượng và chủng loại thực phẩm có thương hiệu và chứng nhận an toàn ngày một nhiều hơn. Nhưng ở các chợ lẻ, chợ truyền thống, thực phẩm “trôi nổi” vẫn chiếm ưu thế. Với đặc điểm giá rẻ, giao dịch mua bán thuận tiện, lại gần với địa bàn sinh sống của đông đảo tầng lớp bình dân, nên những loại thực phẩm “trôi nổi” ấy vẫn được tiêu thụ mạnh.
Bà T., một tiểu thương bán rau ở chợ Đo Đạc, phường Bình An, quận 2, TPHCM, cho biết, mặc dù trong sạp rau của bà có một vài loại được nhập từ trang trại rau sạch, được đóng gói và có bao bì với thông tin sản phẩm hẳn hoi, nhưng “chủ lực” vẫn là các loại rau, củ, quả “3 không”: Không thương hiệu, không thông tin sản phẩm, không ai dám đảm bảo về chất lượng. “Mỗi trái cà chua có thương hiệu giá gần chục ngàn đồng, đắt gấp 2-3 lần so với cà chua “thường”, nên chẳng mấy ai dám mua. Giá rau muống, rau cải cũng vậy, nhiều khi rau sạch để mấy ngày bán không được, phải bỏ đi, trong khi rau “thường” thì hầu như ngày nào bán hết ngày đó”, bà cho biết.
Tuy nhiên, một “đồng nghiệp” của bà T. lại cho biết một “góc khuất”: Vì rau sạch đã đóng gói nên chỉ có thể bảo quản trong tủ lạnh được 1-2 ngày, còn rau “thường” nếu ế bán không hết thì bà T. ngâm vào một loại dung dịch lỏng, vài ngày sau vẫn còn tươi nguyên, trông rất “ngon mắt”.
Cũng tại chợ này, trong khi quầy thịt của Vissan ở đầu chợ khách thưa thớt vì thịt “nguội”, để từ sáng đến trưa đã không còn “ngon mắt”, thì các sạp thịt tươi trong chợ luôn đông khách. “Thịt này là từ heo vừa mới mổ hồi đêm, giá lại “mềm” nên ai cũng thích”, người đàn ông đứng bán hàng cho biết. Thế nhưng, cũng tương tự như rau, không mấy ai biết được rằng trong đống thịt bày bán trên sạp, có những miếng “tồn” từ ngày hôm trước, đã được “xử lý” bằng một thứ dung dịch để giữ cho miếng thịt luôn tươi, mềm, sắc màu “hồng hào” như thịt mới.
“Buôn bán thời buổi bây giờ phải biết sử dụng “công nghệ”. Người ta bán biết bao nhiêu loại thuốc “thần kỳ” để giữ cho rau, thịt tươi lâu, lúc nào cũng như mới, tại sao ta lại không xài!? Nếu cứ như “hồi xưa”, hễ cứ cũ, ôi thối một chút đã phải bán đổ bán tháo, thậm chí là vứt đi, thì chỉ có lỗ chỏng gọng!”, chị Hà, một người bán thịt heo dạo ở khu Thảo Điền, quận 2, nói thẳng.
Lực lượng chức năng bị “trói”?
Tại một hội nghị chuyên đề về an toàn thực phẩm mới đây, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM cho rằng, những sản phẩm thịt động vật ôi thối tồn dư là vấn đề chính quyền phải quan tâm đặc biệt trong quản lý an toàn thực phẩm.
Bởi nếu không quản lý tốt, số thịt ôi thối này dễ dàng trở thành nguyên liệu “đầu vào” của các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm để trở thành giò, chả, xúc xích, thịt nguội... Và sau đó, các sản phẩm này sẽ dễ dàng ra thị trường, lên bàn ăn của người tiêu dùng. Hồi giáp Tết vừa qua, đoàn kiểm tra công tác liên ngành đã phát hiện 27 tấn sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, ôi thiu, không đảm bảo VSATTP chuẩn bị được đưa vào chế biến tại cơ sở sản xuất giò chả Ngọc Châu (ấp Nam Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn).
Mặc dù trong vòng 1 năm qua, Ban Quản lý ATTP TPHCM đã kiểm tra gần 1.000 cơ sở, phát hiện vi phạm 174 cơ sở, ban hành 119 quyết định xử phạt với số tiền phạt trên 1,7 tỷ đồng, đang tiếp tục xử lý 55 trường hợp vi phạm với số tiền phạt dự kiến hơn 800 triệu đồng… nhưng chừng đó dường như vẫn còn là quá ít so với tình hình thực tế đang rất “ngổn ngang”.
Một trong những nguyên nhân khiến cho việc quản lý chất lượng thực phẩm gặp nhiều khó khăn, đó là do các quy định pháp luật còn chồng chéo, việc xử phạt các cơ sở vi phạm vừa khó vừa nhẹ nên chưa đủ sức răn đe.
Bên cạnh đó, còn có một thực tế khác là việc cấp phép kinh doanh, buôn bán các hóa chất cấm, độc hại còn dễ dàng, chưa được kiểm soát chặt. Ngày cả vấn đề kinh doanh phụ gia hóa chất tại chợ Kim Biên (quận 5) cũng không được làm một cách triệt để. Tại chợ Kim Biên chỉ có 16 hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm được cấp phép, nhưng có nhiều hộ khác được phép bán hóa chất công nghiệp vẫn ngang nhiên kinh doanh loại sản phẩm đòi hỏi quản lý “nghiêm ngặt” này. “Bất cứ ai cũng có thể mua các loại hóa chất, phụ gia độc hại từ đó, và việc sử dụng sau đó như thế nào thì càng không ai có thể kiểm soát được”, bà Lan nhấn mạnh.
TPHCM có 250 cán bộ thanh tra thực phẩm, có thể là khá đông đảo so với nhiều tỉnh thành khác. Nhưng nếu so với Bangkok (Thái Lan) có đến 5.000 người thì còn quá ít ỏi. Lực lượng thanh tra ở Thái Lan có thể phạt tại chỗ, trong khi Việt Nam muốn phạt phải có quy trình phức tạp, đến khi phạt rồi vẫn thấy chưa thỏa đáng vì pháp luật quy định chưa sát thực tế. Nhiều quy định còn sơ hở, chồng chéo khiến người thực thi lo ngại kiện tụng mà có tâm lý cầu an. Đối với thực phẩm tươi sống vi phạm, trường hợp chủ hàng bỏ trốn thì nhà nước phải chịu chi phí xét nghiệm, tiêu hủy rất lớn.
Nhiều khó khăn, thách thức “bao vây” lực lượng kiểm soát an toàn thực phẩm, tạo cơ hội cho thực phẩm “bẩn” tiếp tục thách thức cả cơ quan chức năng và người tiêu dùng.