Lo con bị soi, phụ huynh nhún nhịn
Không phải ngẫu nhiên mà Báo Phụ nữ Việt Nam đặt ra câu chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ở trường công và trường tư, sau hàng loạt vụ thực phẩm bẩn xảy ra vừa qua. Tại Hà Nội, trong khi khá nhiều trường tư thục phối hợp khá tốt với ban phụ huynh trong vấn đề kiểm soát thực phẩm và vệ sinh bếp ăn thì với trường công, vấn đề này còn bỏ ngỏ.
Hàng loạt vụ thực phẩm bẩn tấn công trường học diễn ra khiến cha mẹ HS sục sôi lo lắng khi sức khỏe con mình bị đe họa. Trong khi phụ huynh trường tư sẵn sàng vào cuộc giám sát VSATTP thì không ít cha mẹ có con học trường công vẫn chưa làm được điều này.
Chị Thu Hà- phụ huynh có con học tiểu học công lập ở quận Thanh Xuân, Hà Nội - khi đề cập đến vấn đề giám sát, đã vội “giãy nảy”: “Ôi, đúng là lâu nay tôi chưa hề nghĩ là mình sẽ đến bếp ăn của trường để kiểm duyệt thức ăn nhập từ đâu, nấu thế nào, có đảm bảo không. Trường con tôi không có tiền lệ ấy và cũng không ai nghĩ đó là việc cần thiết!”.
Theo chị Hà, không hẳn là chị và nhiều cha mẹ khác hoàn toàn tin ở sự vệ sinh, sạch sẽ của trường mà không đả động đến, mà nhiều lúc có tâm lý e ngại. Họ ngại nói ra những vấn đề nhạy cảm, sẽ khiến con mình lọt vào “tầm ngắm” của các cô.
Điều này được anh Nguyễn Mạnh Cường, phụ huynh có con học trường tư thục ở quận Hà Đông (Hà Nội) thừa nhận, phụ huynh trường tư tham gia giám sát còn khó, huống hồ là ở trường công.
“Nhìn nhận ở góc nhìn phân cấp khả năng tài chính của hai môi trường, rõ ràng phụ huynh trường công lập ít có điều kiện sát sao với việc ăn, học của con hơn. Họ gần như phó thác hết cho nhà trường” - anh Cường nói.
Theo anh Cường, tiền ăn đóng cho con học trường công cũng ít hơn ở trường tư nên cha mẹ khó có thể đòi hỏi nhiều từ nhà trường về chất lượng bữa ăn của con. Bản thân anh Cường có hai con học trường tư, tiền ăn mỗi ngày của mỗi bé là 55.000 đồng. Mức tiền này còn có thể gọi là tạm yên tâm về chất lượng bữa ăn của con. Trong khi đó, với tiền ăn của học sinh trường công lập chỉ trên dưới 20.000 đồng, phụ huynh dễ dàng nghĩ, với số tiền như vậy, bữa ăn chất lượng đến đâu cũng không khó hình dung.
“Số tiền ấy cũng ngang ngửa một bữa cơm văn phòng ở quán thôi, làm sao đòi hỏi hơn! Có người tặc lưỡi cho qua, có người thì nghĩ thôi thì “khuất mắt trông coi”. Trừ khi xảy ra những vụ việc như ngộ độc, hay cơm có giòi… thì PH mới phải làm cho ra nhẽ, còn phần lớn cha mẹ, tôi nghĩ vẫn thiên về tâm lý chấp nhận nhún nhịn, không muốn làm to chuyện”- anh Mạnh Cường nói.
Tuy vậy, trước tình trạng quá bất cập hiện nay về thực phẩm bẩn trường học, anh Nguyễ Mạnh Cường cho rằng, phụ huynh vẫn cần mạnh dạn tham gia, nói lên tiếng nói của mình. “Nếu phụ huynh có đủ nhiệt tình, họ vẫn có thể sẵn sàng đứng lên yêu cầu được tham gia vào khâu giám sát và đây là nhu cầu chính đáng nên nhà trường cần đáp ứng”- anh nói.
Xử lý mạnh tay hơn với hiệu trưởng
Nhiều năm tham gia vào việc giám sát VSATTP trường học, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng Quốc Hội Lê Như Tiến rất bức xúc khi tình trạng thực phẩm bẩn tấn công trường học vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Bản thân ông từng trực tiếp chứng kiến nhiều chuyện đau lòng đằng sau vấn đề nhức nhối này.
“Học sinh mầm non, tiểu học - lứa tuổi non nớt, sức đề kháng kém, cần phải bảo vệ chăm sóc và giáo dục hơn ai hết. Vẫn để xảy ra tình trạng thực phẩm bẩn vào trường học, không phải chỉ là lỗi mà còn là tội, bởi nó gián tiếp làm hủy hoại một thế hệ!”- ông nói.
Nhiều năm đương nhiệm, ông Lê Như Tiến biết có nhiều lãnh đạo trường, chỉ vì tiền và lợi ích đã thay vì đấu thầu công khai, họ sẵn sàng chỉ định thầu đơn vị nấu bếp kém chất lượng, mất an toàn thực phẩm. “Tôi biết có những vị hàng tháng nhận được những số tiền cao gấp đôi, gấp ba lương hiệu trưởng từ đơn vị được chỉ định thầu tệ hại này!”- ông Tiến cho hay.
Dù là trường tư thục hay công lập, ông Lê Như Tiến cho rằng, nhất thiết phải có sự giám sát của một hội đồng giám sát về an toàn thực phẩm trường học, trong đó phải có sự tham gia của phụ huynh - những người trực tiếp lo cho sức khỏe của con họ.
“Kể cả công đoàn nhà trường cũng khó tin tưởng được vì họ vẫn dưới “trướng” của Hiệu trưởng. Sự tham gia của phụ huynh là cần thiết. Điều này cần được quy định hóa từ phòng và Sở GD&ĐT. Hội đồng giám sát phải thực hiện hàng ngày, tôi nghĩ với lượng phụ huynh lớn, mỗi ngày cha mẹ có thể thay phiên nhau giám sát, điều này hoàn toàn có thể thực hiện được”- ông Lê Như Tiến cho hay.
Một điều nữa cũng được ông Tiến nhấn mạnh là cần có quy định cụ thể về việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu nhà trường khi để xảy ra sự cố mất an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh.
Theo ông, cần có nhiều hình thức mạnh hơn như đình chỉ, thậm chí cách chức người đứng đầu nhà trường nếu để xảy ra sự cố. “Người đứng đầu cũng nên nghĩ đến văn hóa từ chức, nếu không thì người quản lý phải tạm thời đình chỉ, đình chỉ hoặc cách chức tùy tính chất nghiêm trọng của vụ việc, đảm bảo tính răn đe”- ông Lê Như Tiến đề xuất.
“Trong báo cáo giám sát trình Quốc hội, cá nhân tôi nhiều lần đề xuất về việc cần quy định rõ việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục liên quan đến các vụ thực phẩm bẩn trong trường học. Trong suốt hai nhiệm kỳ QH khóa XII, XIII, tôi đều đề xuất và cảnh báo nhưng diễn biến rất phức tạp, trong đó do khâu thanh kiểm tra bất cập. Khi phát hiện ra rồi thì xử lý không nghiêm, chỉ nhắc nhở phê bình chứ không nêu cao trách nhiệm người đứng đầu. Chúng tôi chưa ghi nhận trường hơp nào kỷ luật vì lý do VSATTP trong trường học không đảm bảo”. Ông Lê Như Tiến, Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội. |