Ví dụ: Công ty San Hà ở TP. HCM lần đầu tiên đưa ra thị trường loại gà được nuôi bằng... thảo mộc, chất lượng thịt săn chắc, thơm ngọt, bổ dưỡng, được bán với giá khoảng 120.000 đồng/kg, hiện đã được đưa vào kinh doanh tại các hệ thống siêu thị và cửa hàng. Như vậy, nếu so với giá gà ta thì loại gà “bổ dưỡng” này rẻ hơn từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg.
Tương tự, Công ty Omega Minh Ân ở Đồng Nai cũng đưa ra thị trường loại “trứng gà omega”. Theo đó, con giống được chọn lọc và nuôi theo phương pháp đặc biệt, đảm bảo hàm lượng omega trong quả trứng đạt yêu cầu, có giá dao động từ 30.000 đến 35.000 đồng/hộp 10 quả.
Như vậy, song hành với trào lưu thực phẩm sạch, một số doanh nghiệp lại “tấn công” sang một “lãnh địa” mới - thực phẩm bổ dưỡng - và tất nhiên là cũng... sạch.
Điểm khác biệt nổi bật nhất là, trong khi thực phẩm sạch hiện có giá cao hơn hẳn so với thực phẩm “thường”, có khi đắt gấp 2-4 lần, thì giá thực phẩm “bổ dưỡng” lại không quá đắt, phù hợp với túi tiền của đa số người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp thực phẩm bổ dưỡng phải chứng minh chất lượng bằng thực tế để người tiêu dùng thật sự tin tưởng. Ảnh minh họa: Internet
Vấn đề còn lại là, các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm bổ dưỡng phải chứng minh chất lượng và giá trị sản phẩm bằng thực tế để người tiêu dùng thật sự tin tưởng.
Nếu làm được điều này, khả năng “chiến thắng” của họ gần như là chắc chắn. Còn nếu không, những sản phẩm này khó lòng trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng.
Trong quá khứ, đã có không ít loại sản phẩm được quảng cáo với những tính năng vô cùng “đặc biệt”, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn tung ra thị trường, đã không nhận được sự “hưởng ứng” của người tiêu dùng, đành phải âm thầm rút lui khỏi thị trường. Hy vọng lần này điều đáng buồn đó sẽ không lặp lại.