Thực phẩm chay nhập khẩu giá cao gấp 4-5 lần liệu có an toàn hơn?

20:30 | 23/09/2020;
Sau vụ ngộ độc Pate Minh Chay, nhiều người tiêu dùng trong nước đang chuyển sang sử dụng các thực phẩm chay nhập ngoại vì cho rằng những sản phẩm này sẽ an toàn hơn. Trong khi đó, nhiều nguồn hàng nhập khẩu sản phẩm này lại chưa được kiểm chứng.

Giá cao gấp 4-5 lần hàng trong nước

Hiện nay, trên thị trường có khá nhiều thực phẩm chay nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia... với mức giá cao gấp 3-4 lần so với hàng trong nước sản xuất. Người tiêu dùng dễ dàng tìm được các sản phẩm này tại các cửa hàng thực phẩm ngoại, siêu thị, chợ truyền thống, đặc biệt là trên các chợ mạng.

Thực phẩm chay nhập ngoại có nhiều món chay giả mặn mới lạ như cá hồi, bao tử vịt, tai heo, lưỡi vịt, gan vịt, ruột vịt... giá dao động từ 57.000 đến 250.000 đồng/sản phẩm. Ngoài ra, hàng nhập khẩu còn có các loại gia vị phục vụ chế biến món chay như bơ hạnh nhân, sốt tỏi ớt, tương cà, bơ đậu phộng, dấm táo, dầu oliu, chà bông, các loại hạt... Hiện giá các loại gia vị chay organic ngoại nhập khá cao, gấp 4-5 lần so với gia vị chay khác.

Khó xác định độ an toàn

Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều sản phẩm nhập ngoại này lại không có nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, không hạn sử dụng.

Trên Shopee.vn, sản phẩm men dinh dưỡng thuần chay có xuất xứ Đài Loan nhưng trong phần giới thiệu lại ghi "men dinh dưỡng Pháp", giá 370.000 đồng/hộp. Sản phẩm cũng không có thông tin tiếng Việt theo quy định. Tảo xoắn quảng cáo có xuất xứ Chile, giá 250.000 đồng/gói nhưng sản phẩm được đóng trong túi ni-lông, không có nhãn mác. Trang chaysach.com chào bán bột Mayonnaise thuần chay "không chứa sữa, không có trứng và không chứa gluten", xuất xứ Úc, hộp 250g giá 290.000 đồng nhưng thông tin nhãn không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Thực phẩm gà chay được quảng cáo nhập khẩu từ Mỹ nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt

Thực phẩm gà chay được quảng cáo nhập khẩu từ Mỹ nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt

Trong khi đó, theo quy định, thực phẩm chay nhập khẩu phải có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt. Nhãn này phải thể hiện đầy đủ, rõ ràng thông tin như tên hàng hóa, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, thành phần, định lượng (kể cả chất phụ gia), giá trị dinh dưỡng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng...

Chị Phương Hà, chuyên gia tiêu dùng, Công ty Truyền thông Idea Link, cho biết, thực phẩm chay thường dựa trên nền tảng văn hóa ẩm thực của mỗi nước. Các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... không có thói quen ăn chay như người Việt Nam nên thực phẩm chay của họ không thể xuất hiện các loại giống thực phẩm Việt Nam. Nếu có là do người bán tự phong. Ngoài ra, thực phẩm chay mà không nhãn mác, không hạn sử dụng thì rất có thể là thực phẩm trôi nổi được quảng cáo với "mác xịn" để đánh lừa người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, dù là sản phẩm nhập ngoại hay sản xuất trong nước, người tiêu dùng cần lưu ý, khi kiểm tra hộp thực phẩm có hiện tượng phồng nắp hoặc hộp phồng căng, bị biến dạng thì không nên sử dụng. Vì khi đó có thể có hiện tượng nhiễm vi khuẩn và sinh ra khí tăng áp lực của hộp, gây ra méo hoặc căng hộp. Đó là một trong những dấu hiệu để phát hiện sản phẩm đó có vấn đề.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn