Những thực phẩm là "khắc tinh" của cục máu đông gây đau tim và đột quỵ

16:55 | 29/03/2024;
Để phòng chống nguy cơ đau tim, tắc mạch hay đột quỵ do cục máu đông gây ra, việc lựa chọn thực phẩm chống lại cục máu đông cho chế độ ăn hàng ngày đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

Cục máu đông là một khối hình thành khi các thành phần của máu như tiểu cầu và protein đông máu tập trung lại với nhau để ngăn chảy máu khi có thương tổn trên mạch máu. Tuy nhiên, khi cục máu đông hình thành không cần thiết hoặc không tan đi, chúng có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như làm tắc nghẽn mạch máu, gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ đến các cơ quan và có thể dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim, hoặc các biến chứng khác.

Với một số người bị các bệnh lý nhất định như dị tật tim bẩm sinh thì thuốc chống đông máu là giải pháp để giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ. Có một số thực phẩm tự nhiên có thể có tác dụng tương tự. Điều quan trọng là bạn cần phải nói chuyện với bác sĩ để đảm bảo không ảnh hưởng tới thuốc theo đơn mà bạn đang sử dụng, chẳng hạn như thuốc chống đông máu và nhớ rằng không thể chỉ dựa vào việc thay đổi chế độ ăn uống để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.

Dưới đây là danh sách một số thực phẩm có tác dụng ngăn ngừa sự hình thành của cục máu đông, theo Medical News Today:

1. Nghệ

Nghệ chứa curcumin, một hoạt chất có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa mạnh. Curcumin có thể giúp ngăn ngừa sự hình thành của cục máu đông bằng cách ức chế các tế bào tiểu cầu kết dính với nhau và giảm việc hình thành mảng bám trong mạch máu.

Curcumin cũng giúp cải thiện lưu thông máu và có thể hỗ trợ giảm mức độ của các yếu tố gây viêm trong cơ thể, từ đó giảm nguy cơ phát triển các bệnh lý liên quan đến tắc nghẽn mạch máu như đột quỵ.

Thực phẩm là "khắc tinh" của cục máu đông gây đau tim và đột quỵ- Ảnh 1.

Nghệ chứa curcumin, một hoạt chất có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa mạnh (Ảnh: Internet)

2. Gừng

Gừng được biết đến với các đặc tính chống viêm và kháng khuẩn, có thể hỗ trợ trong việc ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Hoạt chất gingerol trong gừng có thể giảm thromboxane, một loại hormone gây ra sự kết tập tiểu cầu, từ đó giảm khả năng hình thành cục máu đông trong mạch máu. Gừng còn có thể giúp loại bỏ các chất cặn và độc tố trong máu của chúng ta, rất có lợi trong việc duy trì sự ổn định của các mạch máu.

Ngoài ra, gừng cũng chứa salicylates, chất tương tự mang lại đặc tính giúp làm loãng máu của aspirin.

Bạn có thể sử dụng gừng ở dạng tươi hoặc dạng khô trong các món ăn, trà gừng hoặc thêm vào nước trái cây hay các loại sinh tố. Nếu muốn dùng gừng dưới dạng viên nang, hãy nói chuyện với bác sĩ.

Thực phẩm là "khắc tinh" của cục máu đông gây đau tim và đột quỵ- Ảnh 2.

Gừng được biết đến với các đặc tính chống viêm và kháng khuẩn (Ảnh: Internet)

3. Dầu ô liu

Một nghiên cứu trên những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 30 cho thấy tiêu thụ dầu ô liu ít nhất một lần mỗi tuần giúp giảm hoạt động kết dính của tiêu cầu và hiệu quả hơn khi dầu ô liu được dùng với tần suất hơn 4 lần trong một tuần.

Nguyên nhân được giải thích là nhờ đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ của polyphenol trong dầu ô liu giúp giảm viêm và cải thiện sức khỏe tim mạch, ngăn ngừa sự kết tập tiểu cầu từ đó giảm nguy cơ hình thành cục máu đông và giảm nguy cơ xảy ra đột quỵ và nhồi máu tim.

Bên cạnh đó, việc sử dụng dầu ô liu nguyên chất (chứa axit béo không bão hòa đa (PUFA)) thay thế cho các loại chất béo bão hòa cũng giúp cải thiện lượng cholesterol trong máu, đây là yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh lý tim mạch.

Thực phẩm là "khắc tinh" của cục máu đông gây đau tim và đột quỵ- Ảnh 3.

Polyphenol trong dầu ô liu giúp giảm viêm và cải thiện sức khỏe tim mạch (Ảnh: Internet)

4. Tỏi

Theo Medical News Today, một nghiên cứu năm 2020 đã phát hiện ra rằng bổ sung tỏi vào chế độ ăn của người bị tăng huyết áp giúp giảm huyết áp và chống huyết khối nhẹ. Vì vậy mà tỏi cũng không được khuyến khích ăn trước khi phẫu thuật do có thể ảnh hưởng tới chức năng của tiểu cầu và hoạt động đông máu.

Một nghiên cứu khác cũng cho thấy ăn một tép tỏi (khoảng 3 g) mỗi ngày trong 16 tuần giúp giảm 80% lượng tromboxane.

Thực phẩm là "khắc tinh" của cục máu đông gây đau tim và đột quỵ- Ảnh 4.

Tỏi và hành tây đều giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông (Ảnh: Internet)

5. Quế

Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên động vật đã chỉ ra rằng quế có thành phần coumarin có tác dụng đối với việc ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Warfarin - một loại thuốc chống đông máu cũng có nguồn gốc từ coumarin. Tuy nhiên chúng ta vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu trên người hơn để hiểu về liều lượng cần thiết cũng như chống chỉ định.

Đừng quên nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng quế như một thực phẩm bổ sung và với mục đích chống lại sự hình thành của cục máu đông bởi liều lớn quế trong thời gian dài có thể gây ra tổn thương gan.

Thực phẩm là "khắc tinh" của cục máu đông gây đau tim và đột quỵ- Ảnh 5.

Cẩn trọng bởi liều lớn quế trong thời gian dài có thể gây ra tổn thương gan (Ảnh: Internet)

6. Bạch quả

Bạch quả, hay còn được biết đến với tên khoa học là Ginkgo biloba, chứa các hợp chất flavonoid terpenoid có đặc tính chống oxy hóa mạnh, có thể hỗ trợ cải thiện lưu thông máu và bảo vệ mạch máu cũng như các vấn đề về trí nhớ.

Cụ thể, ginkgo biloba có thể giúp ngăn chặn sự kết tụ của tiểu cầu và do đó, giảm khả năng hình thành cục máu đông trong mạch máu. Điều này làm giảm nguy cơ phát triển các tình trạng nghiêm trọng như đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

Thực phẩm là "khắc tinh" của cục máu đông gây đau tim và đột quỵ- Ảnh 6.

Bạch quả, hay còn được biết đến với tên khoa học là Ginkgo biloba (Ảnh: Internet)

Ngoài các thực phẩm kể trên thì các gia vị và thực phẩm tiềm năng khác có thể kể đến như ớt cayenne, dầu hoa anh thảo, lô hội, bromelain trong dứa, cỏ thơm, đương quy, chiết xuất hạt nho, vitamin E từ các loại ngũ cốc, quả mọng, rau lá xanh, cá béo... giàu chất chống oxy hóa, chất chống viêm, vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe tim mạch, giảm cholesterol và tăng cường chức năng mạch máu tổng thể.

7. Câu hỏi thường gặp

- Uống rượu vang có giúp ngăn ngừa cục máu đông hay không?

Theo WebMD, uống rượu vang, nhất là rượu vang đỏ có chứa một polyphenol như resvereratol khi được uống với lượng vừa đủ có tác dụng giảm nguy cơ đông máu và giảm kết tập tiểu cầu nhưng điều quan trọng là các bác sĩ không khuyên bạn uống rượu để phòng tránh bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu.

Huyết khối tĩnh mạch sâu là hiện tượng hình thành cục máu đông bên trong lòng tĩnh mạch, huyết khối tĩnh mạch có thể xảy ra ở bất kỳ tĩnh mạch nào trong cơ thể, nhưng thường gặp nhất là huyết khối tĩnh mạch chi dưới.

- Cà phê có giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông không?

Uống ít nhất một cốc cà phê không đường mỗi ngày có thể giúp mạch máu giãn nở, ngăn ngừa hình thành cục máu đông và do đó ngăn ngừa đột quỵ. Tuy nhiên uống quá nhiều cà phê, hay nói cách khác tiêu thụ quá nhiều caffeine từ cà phê có thể dẫn tới các tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm tăng nhịp tim, đau đầu, chóng mặt,...

- Tránh ăn gì để ngăn ngừa hình thành cục máu đông?

Không có khuyến cáo cụ thể về các thực phẩm cần tránh để ngăn ngừa hình thành cục máu đông nhưng theo Health, cần hạn chế ăn chất béo bão hòa và thực phẩm chứa nhiều natri (muối), thịt chế biến sẵn và thịt đỏ để bảo vệ sức khỏe mạch máu và tim.

Một chế độ ăn thân thiện để ngăn ngừa cục máu đông là chế độ ăn uống cân bằng với các thực phẩm bổ dưỡng bao gồm nhiều trái cây tươi, rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc có thể giúp cải thiện mức cholesterol và giảm viêm để hỗ trợ sức khỏe tim mạch.

Ngoài việc bổ sung các thực phẩm kể trên thì để ngăn ngừa cục máu đông hình thành và giảm nguy cơ đột quỵ hay đau tim thì bạn cần lên kế hoạch quản lý cân nặng khỏe mạnh, ổn định và tránh béo phì; tăng cường các hoạt động thể chất và tập thể dục đều đặn để cải thiện lưu thông máu cũng như hạn chế sử dụng rượu bia, bỏ thuốc lá và kiểm tra sức khỏe định kì nếu có các yếu tố nguy cơ liên quan.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn