Thời tiết ở Trường Sa một năm có 2 mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Những ngày sóng to, gió lớn, lượng hơi nước mặn bay sâu vào đảo, phủ khắp lá và thân cây, làm chậm phát triển, thậm chí làm chết cây. Đất đai khô cằn, không có mặt bằng rộng để trồng rau, nước ngọt khan hiếm... Vì vậy việc tăng gia sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Để trồng được những luống rau xanh tốt, giàn bầu, bí sai trĩu quả đòi hỏi rất nhiều công sức của cán bộ, chiến sĩ từ khâu làm đất, ươm giống, gieo trồng đến chăm sóc.
Đến Trường Sa, chúng tôi thực sự ấn tượng với hệ thống vườn, giàn và khu vực chăn nuôi được quy hoạch, mở rộng theo hướng tập trung, hiệu quả, gắn với nhiệm vụ xây dựng doanh trại chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp. Các vườn rau được chia thành từng ô, trồng từng loại rau khác nhau và có đủ hệ thống che chắn gió, tạo thành khuôn viên xanh, đẹp mắt. Giữa trùng khơi, trong điều kiện thời tiết hết sức khắc nghiệt, nhưng vườn rau trên đảo vẫn xanh mướt, đủ các loại: rau muống, rau lang, rau cải, mồng tơi… Trung tá Ngô Văn Hưng, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, cho biết: Ngay từ đầu năm, cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng nền nếp chính quy, Đảng ủy, chỉ huy đảo đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tăng gia, chăn nuôi, góp phần nâng cao chất lượng đời sống bộ đội. Toàn đảo hiện có 1.750m² vườn tăng gia, 350m² chuồng nuôi lợn, 180m² chuồng nuôi gia cầm. Trong năm 2021, đơn vị vượt chỉ tiêu tăng gia: Rau xanh đạt 9.235kg; thịt xô lọc các loại đạt 1.925kg; thu lãi từ tăng gia sản xuất đạt 1.518.000 đồng/người/năm.
Do đất trồng rau trên đảo phải vận chuyển từ đất liền ra nên sau mỗi lần thu hoạch, đất được cải tạo bằng cách phơi, xới, bón phân… để tiếp tục trồng lứa rau mới. Việc chăm sóc rau trên các đảo được cán bộ, chiến sĩ tiến hành rất công phu, tỉ mỉ. Khi có mưa gió to, gió lớn, cán bộ, chiến sĩ phải che đậy cẩn thận, không để nước muối từ biển theo nước mưa và gió gây cháy lá và chết cây. Ban đêm có lưới che cho vườn rau nhằm tránh hơi sương mặn.
Việc tưới rau cũng được thực hiện rất khoa học, buổi sáng tưới sương để trôi nước muối bám trên rau, buổi chiều tưới đậm hơn cho rau bảo đảm đủ nước phát triển. Nước tưới phải tận dụng những nguồn nước đã qua sử dụng như: nước rửa rau, vo gạo hàng ngày. Để rau sinh trưởng và phát triển tốt, ngoài việc sử dụng phân vi sinh được chuyển từ đất liền ra, cán bộ, chiến sĩ còn tận dụng lá cây ủ thành phân để cải tạo đất và bón cho rau.
Hàng ngày, sau giờ làm việc và huấn luyện, các cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên huyện đảo Trường Sa lại cùng nhau ra vườn để tăng gia rau xanh. Mỗi người một việc, người thì tưới rau, người bón phân, người vun luống, nhổ cỏ… không khí lao động rất hăng say, phấn khởi. Trung sĩ Nguyễn Tấn Lực, chiến sĩ đảo Sơn Ca chia sẻ: "Trước khi nhập ngũ, ở nhà em cũng đã phụ giúp gia đình trồng rau và chăn nuôi, nhưng khi ra đây em mới thấy trồng rau xanh khó khăn như vậy, song với sự hướng dẫn của các chú, các anh là những người có nhiều kinh nghiệm tăng gia trên đảo đã giúp em hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhìn những luống rau lớn lên mỗi ngày, chúng em lại thấy ở đó hình ảnh quê nhà thân thương và gần gũi, từ đó em càng thêm yêu và gắn bó với đảo".
Đảo chìm Đá Thị, nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, chịu nhiều ảnh hưởng của điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thiếu nước tưới, cũng như diện tích hạn chế, nhưng cán bộ, chiến sĩ đã tìm ra phương pháp tăng gia phù hợp để bảo đảm rau xanh trong bữa ăn của bộ đội. Khu vực tăng gia có diện tích chỉ khoảng 50m² nhưng được tổ chức, sắp xếp rất quy củ; có hệ thống vách ngăn che chắn được làm bằng vật liệu composite chịu được sóng, gió; trên trần được phủ lớp lưới ngăn hơi mặn và gió tạt. Các loại rau xanh được trồng vào từng khay riêng biệt, có thể di chuyển theo từng mùa để tránh sóng, gió. Để tận dụng tối đa diện tích tăng gia, đơn vị còn sáng kiến ra hệ thống giàn treo thẳng đứng trồng các loại giống cây thân leo như: mồng tời, bầu, mướp, dưa chuột.
Để hoàn thành đủ chỉ tiêu đề ra, đảo đã chủ động xây dựng kế hoạch tăng gia sản xuất theo từng thời gian cụ thể, vận động cán bộ, chiến sĩ chú trọng cải tạo đất, đưa các giống rau, quả phù hợp với điều kiện khí hậu trên đảo vào trồng, thực hiện luân canh, gối vụ nhiều loại rau, củ khác nhau phù hợp với thời tiết từng mùa trong năm. Dẫn chúng tôi đi tham quan khu vườn, Trung úy Nguyễn Xuân Phong, Phó Chỉ huy trưởng đảo Đá Thị phấn khởi chia sẻ: Tăng gia trên đảo nổi đã khó, ở đảo chìm lại càng khó hơn. Đảo chìm xung quanh là sóng biển và không có cây xanh che chắn, vì vậy có được vườn rau xanh tốt như hiện nay, anh em trên đảo phải bỏ ra rất nhiều công sức, từ khi gieo trồng đến lúc thu hoạch, rau xanh trên đảo luôn bảo đảm mùa nào thức nấy.
Những năm qua, việc trồng rau không chỉ bảo đảm đủ nhu cầu sử dụng cho bữa ăn hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ trên đảo, mà còn cung cấp cho ngư dân và các đoàn công tác khi đến thăm đảo.
Với khối óc và bàn tay khéo léo chăm sóc, vun trồng của cán bộ, chiến sĩ, giờ đây khắp các đảo đã ngập tràn các loại cây, củ, quả, rau xanh, góp phần cải thiện đời sống của bộ đội. Công tác tăng gia ở đảo không đơn thuần là nhiệm vụ mà việc làm đó còn gửi gắm cả tình yêu, làm sinh động đời sống tinh thần, qua đó góp phần rèn giũa tác phong tỉ mỉ, khoa học cho mỗi cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.
Dù thời tiết khắc nghiệt, điều kiện canh tác, tăng gia thiếu thốn nhưng những người lính Trường Sa vẫn phủ lên các đảo chìm, đảo nổi màu xanh của những vườn rau và cây trái. Bằng trí tuệ và công sức lao động, cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân nói chung, các đơn vị đóng quân trên quần đảo Trường Sa nói riêng đã quy hoạch, xây dựng một hệ thống tăng gia sản xuất rau xanh, chăn nuôi rất hiệu quả, bảo đảm "thực túc, binh cường".
Đó là kết quả của sự chăm chỉ, dày công chăm sóc, chắt chiu từng nắm đất, giọt nước và những cách làm hay, sáng tạo của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ. Kết quả đó không chỉ phục vụ nhu cầu đời sống hàng ngày, mà còn là biểu tượng của ý chí, lòng dũng cảm, nỗ lực vượt khó của những chiến sĩ Trường Sa nơi tiền tiêu - chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn