Hầu hết các loại thuốc được sử dụng trong điều trị viêm kết mạc hiện nay đều được bào chế dưới dạng các thuốc sử dụng tại chỗ, trong đó thường gặp nhất là các thuốc nhỏ mắt. Tuy nhiên có một thực tế rằng, hầu hết chúng ta mặc dù rất thường xuyên sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt này nhưng lại rất ít hiểu biết về chúng và cách sử dụng chúng làm sao cho đúng.
Thuốc nhỏ mắt là các chất lỏng vô khuẩn, chứa các hoạt chất khác nhau được sử dụng để nhỏ trực tiếp vào mắt với mục đích điều trị các bệnh ở mắt. Trong các chế phẩm thuốc sử dụng tại mắt, thuốc nhỏ mắt là dạng được sử dụng phổ biến nhất hiện nay.
Trong viêm kết mạc, các hoạt chất thường thấy trong các loại thuốc nhỏ mắt bao gồm kháng sinh, corticoid, thuốc kháng viêm, thuốc kháng histamin,...
Ứng dụng phổ biến trong điều trị viêm kết mạc, các thuốc nhỏ mắt đã thể hiện nhiều ưu điểm và cũng có những nhược điểm nhất định, bao gồm:
- Ưu điểm: Ưu điểm của các thuốc nhỏ mắt trong điều trị viêm kết mạc chính là thuốc được đóng gói thuận tiện và sử dụng rất dễ dàng nên người bệnh dễ dùng thuốc, do thuốc chỉ sử dụng tại chỗ (nhỏ mắt) do đó thuốc ít thấm vào tuần hoàn và ít gây tác dụng toàn thân, tránh được nhiều tác dụng phụ của thuốc lên các cơ quan khác,...
- Nhược điểm: Mặc dù thuốc nhỏ mắt có các ưu điểm hết sức rõ ràng trong điều trị viêm kết mạc, tuy nhiên nó cũng có nhược điểm là dễ bị pha loãng bởi nước mắt nên nồng độ thuốc giảm nhanh theo thời gian. Vì vậy người bệnh phải tra thuốc thường xuyên, nhiều lần trong ngày.
- Các dung dịch rửa mắt: Các dung dịch rửa mắt thường được sử dụng trong điều trị viêm kết mạc là dung dịch nước muối sinh lý và một số các chế phẩm nước mắt nhân tạo. Những dung dịch rửa mắt này mặc dù không trực tiếp có tác dụng điều trị viêm kết mạc nhưng lại hỗ trợ rất nhiều cho quá trình điều trị bệnh. Chúng có tác dụng rửa trôi bớt các tác nhân gây bệnh tại mắt, chống khô mắt và giảm bớt các biểu hiện của bệnh.
>> Hướng dẫn rửa mắt khi bị đau mắt đỏ đúng cách phòng ngừa biến chứng
- Thuốc nhỏ mắt kháng sinh: Thuốc nhỏ mắt kháng sinh là loại thuốc thường được kê đơn cho các trường hợp viêm kết mạc do vi khuẩn hay để dự phòng bội nhiễm cho các trường hợp viêm kết mạc do virus. Các hoạt chất trong thuốc nhỏ mắt kháng sinh thường là các kháng sinh phổ rộng như choramphenicol, neomycin, tobramycin, offloxacin, polymycin B…
Sử dụng các chế phẩm nhỏ mắt kháng sinh trong điều trị viêm kết mạc cần phải dùng đủ liều trong từ 5-7 ngày để tránh tình trạng kháng thuốc xảy ra, nhưng cũng không nên sử dụng kéo dài quá một tuần.
- Thuốc nhỏ mắt kháng viêm: Thuốc nhỏ mắt kháng viêm là các thuốc không có tác dụng điều trị căn nguyên gây viêm kết mạc nhưng lại có tác dụng ức chế phản ứng viêm, từ đó giảm nhẹ các triệu chứng đau mắt đỏ khiến bệnh nhân dễ chịu hơn.
Những hoạt chất thường được dùng để kháng viêm trong điều trị viêm kết mạc bao gồm các thuốc thuộc nhóm corticoid (dexamethason, fluoromethason, prednisolon…) hoặc một số thuốc nhóm kháng viêm không Steroid (dicofenac). Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng viêm kéo dài lại có thể là nguyên nhân dẫn đến một số tác dụng phụ nguy hiểm, đặc biệt là đối với các thuốc chứa corticoid. Những tác dụng phụ khi dùng kéo dài corticoid điều trị đau mắt đỏ bao gồm bệnh tiến triển nặng hơn, loét giác mạc, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp,...
- Thuốc nhỏ mắt kháng dị ứng: Đối với các trường hợp bệnh nhân bị viêm kết mạc do nguyên nhân dị ứng thì bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt kháng dị ứng. Những loại thuốc này có tác dụng ức chế sự gắn vào thụ thể H1 của histamin, từ đó ngăn chặn phản ứng dị ứng, làm giảm nhanh các triệu chứng của bệnh. Các thuốc nhỏ mắt kháng dị ứng hay được dùng bao gồm chlorpheniramin, antazoline, diphenhydramin,...
Hiệu quả của các loại thuốc nhỏ mắt sử dụng trong điều trị viêm kết mạc phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật sử dụng thuốc có đúng cách hay không. Vì vậy nắm được các bước trong việc sử dụng thuốc nhỏ mắt là điều vô cùng quan trọng mà người bệnh cần nhớ.
Các bước sử dụng thuốc nhỏ mắt điều trị viêm kết mạc đúng cách:
- Người bệnh tiến hành chuẩn bị một số dụng cụ hỗ trợ việc tra thuốc như khăn sạch, gạc y tế, bông y tế để lau chùi. Đồng thời cần phải rửa tay thật sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi tra thuốc.
- Khi nhỏ thuốc, người bệnh nghiêng đầu về phía sau sao cho mặt hơi ngửa lên, dùng tay thuận nhỏ thuốc còn tay không thuận kéo nhẹ mi dưới. Nhỏ từ 1-2 giọt thuốc vào mắt. Khi nhỏ thuốc cần cố gắng giữ đầu nhỏ của lọ thuốc cách mắt 1-2cm, không chạm đầu lọ thuốc vào mắt.
- Sau khi nhỏ nên nhắm mắt vừa phải trong khoảng 10 giây rồi chớp nhẹ mắt để thuốc dàn đều ra bề mặt mắt. Ngoài ra, người bệnh có thể dùng tay chặn lại phần gốc mắt để tránh thuốc chảy xuống mũi thông qua ống lệ mũi ở gốc mắt.
Để sử dụng thuốc nhỏ mắt điều trị viêm kết mạc an toàn hơn, bệnh nhân cần lưu ý một số điểm sau đây:
- Khi mở nắp lọ thuốc thì nên ghi lại ngày mở nắp lên nhãn của chai thuốc và chỉ nên sử dụng thuốc trong vòng một tháng kể từ khi mở nắp, kể cả khi lọ thuốc có còn hạn sử dụng. Không sử dụng chung lọ thuốc nhỏ mắt với người khác.
- Khi mở nắp lọ thuốc, nên đặt nắp lọ thuốc hướng lên trên, đặt trên mặt phẳng sạch và tránh các chất bẩn rơi vào trong nắp lọ thuốc.
- Sau khi tra thuốc nhỏ mắt điều trị viêm kết mạc cần đậy lọ thuốc lại ngay, không để đầu lọ thuốc tiếp xúc với bất kỳ thứ gì, không cố gắng lau chùi đầu lọ thuốc.
- Không sử dụng đồng thời cùng lúc nhiều loại thuốc nhỏ mắt cùng một lúc. Nếu cần phải sử dụng nhiều loại thuốc nhỏ mắt thì cần sử dụng thuốc theo thứ tự trước sau, thuốc sử dụng sau cần cách thuốc sử dụng trước ít nhất 10 phút.
- Dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, đảm bảo theo nguyên tắc đúng thuốc, đúng liều và đúng thời gian để đảm bảo phát huy hiệu quả điều trị của thuốc ở mức cao nhất.
Trên đây là một số giới thiệu cơ bản về các loại thuốc nhỏ mắt thường được sử dụng trong điều trị viêm kết mạc hiện nay và một số lưu ý khi sử dụng. Để đảm bảo sử dụng thuốc đúng cách và đạt hiệu quả cao, người bệnh cần tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ sau khi đã thực hiện đầy đủ các thăm khám cần thiết.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn