Thương lắm nhánh lục bình dập dềnh trên sông nước

12:00 | 26/09/2018;
Lục bình trong ký ức của tôi là người bạn thân thiết. Lục bình có mặt trong bữa ăn của những gia đình nghèo, mỗi lần má kêu đi tước ngó lục bình thì tôi biết bữa cơm chiều tôi được ăn những món ngon lành mà tôi thích. Nếu có mấy con cá đồng, má sẽ nấu canh chua, không thì má sẽ luộc, chấm mắm kho.
Lục bình bông tím.
Điên điển bông vàng.
Điên điển mọc ở đất làng.
Lục bình trôi nổi như chàng hát rong...
(Ca dao)
 
Trong một lần đi công tác ở Huế, tôi bắt gặp hình ảnh giề lục bình đang loay hoay, trôi giữa dòng sông Hương hiền hòa. Chợt thảng thốt, thấy mình như nhánh lục bình kia, là đứa con lưu lạc, loay hoay giữa dòng chảy cuộc đời, ngóng về quê hương mà xa tít mù khơi.
 
Hồi nhỏ, nhà tôi quay mặt ra sông Hậu, hầu như lúc nào tôi cũng thấy những giề lục bình ken chặt vào nhau phủ khắp một khúc sông quê. Nhiều lúc, người ta chạy xuồng máy ngang, bị đám lục bình quấn quýt một cách khó chịu. Có khi, người ta tìm cách tiêu diệt loài thủy sinh phiền phức này, vì chúng cản trở giao thông đường thủy. Vậy mà diệt hoài không hết. Mỗi khi con nước lớn, người ta lại thấy đám lục bình từ đâu lại bềnh bồng trở về với khúc sông trước nhà.
 
Thường thì mỗi chiều chiều, má tôi sẽ bơi xuồng ra sông, kéo những giề lục bình vào bờ, nhiệm vụ của tôi và chị Bình là mang những giề lục bình ấy đắp gốc bưởi sau nhà. Má nói, lục bình đắp gốc cây có thể làm mát, giữ ẩm cho cây, khỏi tốn công tưới. Tôi lúc đó còn nhỏ xíu, ôm nhánh lục bình bằng hai tay đi lặc lè như ông say rượu, đám rễ quấn quanh chân, nước chảy tong tong mang theo cảm giác mát rượi. Lần nào xong việc, má cũng phải bắt tôi đi tắm kỳ cọ sạch sẽ ngay vì nước rớt ướt lem nhem, cả người dính dấp đầy phù sa.
 
Lục bình trong ký ức của tôi là người bạn thân thiết. Lục bình có mặt trong bữa ăn của những gia đình nghèo, mỗi lần má kêu đi tước ngó lục bình thì tôi biết bữa cơm chiều tôi được ăn những món ngon lành mà tôi thích. Nếu có mấy con cá đồng, má sẽ nấu canh chua, không thì má sẽ luộc, chấm mắm kho. Những bữa ăn như thế, tôi có thể ăn liền bốn chén cơm mà không thấy no.
 
3traigiac.jpg
Lục bình nấu canh chua cá

 

Còn đối với những đứa trẻ quê, thiếu thốn vật chất, lục bình trở thành món đồ chơi thú vị. Bọn con gái thường cắt thân lục bình để làm bánh mì bán hàng với nhau, bọn con trai thì dùng để đánh kiếm, bắn súng trong những lần chơi đánh trận giả...
 
Lục bình nở hoa, những cánh mỏng manh, tim tím nhẹ nhàng. Sắc tím mong manh ấy có thể dịu dàng đi sâu vào tiềm thức, gieo vào lòng những đứa con xa quê bàng bạc niềm thương nhớ. Ngày đó, chị Bình rất thích hoa lục bình. Lần nào anh Sinh qua thăm, hai anh chị cũng ngồi trước cái vạt tre trước nhà, ngó ra đám bông lục bình tím ngắt, nói chuyện xa xôi.
 
Má nói, yêu thì nói rằng yêu, không yêu thì cưới đứa khác, hai đứa bây cứ tình tang, thủng thà thủng thỉnh làm tao mắc mệt. Chị Bình cười xa xôi, người ta còn phải đi học, mà có ai đã nói gì đâu, má...
 
Vậy rồi, anh trở thành cánh chim. Bay về phía phồn hoa. Người ta nói anh có vợ ngoài phố, già hơn anh nhưng giàu lắm, có hẳn cái biệt thự, hai vợ chồng đang chuẩn bị xuất ngoại. Ngày anh cưới vợ, chị Bình một mình ngồi ngoài mé sông, nhìn từng đám lục bình bập bềnh trên sông nước. Chị đưa tay ngắt một bông lục bình tím, những cánh hoa mỏng manh khi vào tay chị thì bầm dập, rã rời, nát tan. Má đứng trong nhà ngó dáng chị thẫn thờ, lại thở dài xao xác...
 
Sau ngày đó, không ai nhắc gì tới anh. Chị Bình bắt xe lên phố huyện. Chẳng ai biết chị lên đó làm gì, hàng xóm cứ xì xầm bàn ra tán vào. Má lặng im. Tôi than thầm trong lòng mong lục bình trở lại khúc sông xưa. Chị về, ngay lập tức bắt tay vào chia sẻ với bà con cách làm công nghiệp mới. Chị nói trên đó, người ta chuộng những sản phẩm mỹ nghệ làm từ lục bình lắm. Nhánh lục bình đem phơi khô thì dẻo và dai, làm ra nhiều sản phẩm vừa bền vừa đẹp. Chị dẫn theo mấy doanh nghiệp về quê xem đám lục bình ken chặt dưới sông, ai cũng tấm tắc, trời ơi, của trời của trời.
 
Lục bình được tém vào lại sát mé bờ gọn gàng, người dân trong xóm cắt lục bình, đem phơi khô rồi bán. Chị Bình mướn thợ trên phố về dạy lại cho bà con cách đan những chiếc giỏ, chiếc ghế,... bằng lục bình rồi đem giao cho mối. Xóm nhỏ của tôi bỗng phất lên nhanh nhờ vào đám lục bình.
 
luc-binh.jpg
 
Chị Bình trở thành bà chủ nhỏ của xóm, tất tả lăng xăng. Chị vay tiền ngân hàng, xây thêm một cái nhà xưởng ở ngoài chợ, nhận thêm người đan lục bình. Chị cũng xây lại căn nhà cũ cho má, lo tiền cho tôi học đại học. Thấy chị làm ăn khấm khá, ai cũng mừng. Vậy mà, má cứ thở dài hoài, nhiều hơn cả lúc còn nhỏ, lúc cả nhà phải sống trong mái nhà thủng lỗ chỗ. Chị vẫn đi về lẻ bóng.
 
Nhánh lục bình đã chứng kiến bao thăng trầm của người dân quê tôi, của những nỗi lòng tha thiết. Để hôm nay, khi bắt gặp nhánh lục bình ngơ ngác giữa lòng Huế mộng mơ, tôi lại thấy như quê hương đang vẫy gọi ngày về...

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn