Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội và thách thức - Bài 2: Nữ doanh nhân và nỗi lo cạnh tranh

13:50 | 05/11/2024;
“Sự xuất hiện ngày càng nhiều sàn thương mại điện tử cung cấp hàng hóa với giá siêu rẻ vào thị trường Việt Nam báo hiệu nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ”, chị Nguyễn Minh Thảo (Công ty TNHH Minh Thảo, ở tỉnh Thái Nguyên) nhận định.

Tính đến thời điểm hiện tại, thương mại điện tử tại Việt Nam gần như bị chiếm lĩnh bởi các sàn ngoại, mà chủ yếu đến từ Trung Quốc. Cụ thể, sàn Shopee thuộc Tập đoàn SEA Limited, một tập đoàn công nghệ đa quốc gia có trụ sở tại Singapore nhưng cổ đông lớn nhất là Tencent đến từ Trung Quốc; 

TikTok Shop thuộc sở hữu của ByteDance (Trung Quốc); Lazada thuộc sở hữu của Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc). Ngoài ra, một số sàn nội địa Trung Quốc như Taobao, 1688, Pinduoduo hay JD đã cho phép hỗ trợ người Việt Nam nhập hàng trực tiếp. 

Cuộc đổ bộ của các nền tảng thương mại trực tuyến đang được nối dài bởi sự xuất hiện của Shein vào năm 2023 và Temu - một sàn nổi tiếng với các món đồ siêu rẻ - vừa mới ra mắt tại Việt Nam.

Nỗi lo về giá

Cuộc đổ bộ của các nền tảng thương mại trực tuyến được nhận định là sẽ tạo ra nhiều thách thức với các doanh nghiệp, nhà bán lẻ trong nước, đặc biệt là áp lực cạnh tranh về giá. 

Chị Nguyễn Ngọc Bích, đại diện thương hiệu thời trang For Ladies (Hà Nội), phân tích: "Tôi có so sánh một số mặt hàng và nhận thấy, các sản phẩm trên Temu và Shein thường rẻ hơn 20%-50% so với các sản phẩm tương tự của doanh nghiệp trong nước. 

Trong khi đó, người tiêu dùng luôn có xu hướng đón nhận và mua các sản phẩm được bán với giá thấp hơn. Điều này dẫn đến doanh thu của các nhà bán lẻ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị sụt giảm. 

Áp lực thứ hai mà các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt, đó là người tiêu dùng ngày càng ưu tiên mua sắm trực tuyến, dẫn đến việc giảm lượng khách hàng mua trực tiếp tại cửa hàng. 

Mặt khác, khi xu hướng mua sắm qua mạng xã hội và các nền tảng thương mại điện tử phát triển, chủ doanh nghiệp như tôi phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh, đưa hàng lên bán trên các nền tảng trực tuyến, đòi hỏi phải mất nhiều thời gian và chi phí cho đào tạo nhân sự, khoa học công nghệ".

Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội và thách thức - Bài 2: Nữ doanh nhân và nỗi lo cạnh tranh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Hiện nay, để gia nhập "sân chơi" thương mại xuyên biên giới, các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ đang có một số hạn chế, đặc biệt là về công nghệ. Trong đó, có khoảng 60% doanh nghiệp nhỏ, bao gồm cả những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chưa có nền tảng thương mại điện tử riêng hoặc không đủ nguồn lực để đầu tư vào marketing trực tuyến. 

Nhiều nữ chủ doanh nghiệp chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ mới và tối ưu hóa quy trình kinh doanh trực tuyến.

Thách thức từ "sân chơi" mở

"Cách đây vài năm, chắc ít ai nghĩ đến ngày nông sản từ vùng miền núi xa xôi, hải sản từ hải đảo có thể bán trực tiếp tới khách hàng mọi vùng miền. Nhưng với các nền tảng bán hàng trực tuyến và thương mại điện tử xuyên biên giới, người bán có thể kết nối với người mua trong và ngoài nước. 

Ngồi tại nhà, người tiêu dùng có thể dễ dàng đặt mua hàng hóa từ nhiều quốc gia. Với những nữ doanh nhân như tôi, thương mại điện tử xuyên biên giới là một sân chơi mở, tạo cơ hội để nâng cao kiến thức, kỹ năng và tiếp cận khách hàng mới", chị Nguyễn Bích Nga, Giám đốc điều hành Công ty Ngọc Sơn Handy Craft, chia sẻ.

Điều hành công ty chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, chị Nga đã nghiên cứu rất kỹ cách vận hành của các nền tảng như Temu và Shein. 

Chị Bích Nga cho biết: "Tôi nhận thấy, Temu và Shein đều là những nền tảng thương mại điện tử nổi bật trong việc cung cấp sản phẩm giá rẻ và luôn cập nhật xu hướng mới, đưa sản phẩm ra thị trường chỉ trong thời gian ngắn. Họ sử dụng công nghệ để theo dõi và phân tích xu hướng tiêu dùng, từ đó sản xuất và cung cấp sản phẩm kịp thời. 

Bên cạnh đó, họ sử dụng ảnh hưởng của mạng xã hội, của các "influencer" (người có ảnh hưởng trong cộng đồng - PV) để quảng bá sản phẩm, từ đó thu hút lượng lớn người tiêu dùng. 

Đó là điều mình có thể học hỏi để ứng dụng vào doanh nghiệp của mình, phát triển các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam bắt kịp với xu hướng tiêu dùng hiện đại và mở rộng kênh bán hàng trực tuyến".

"Hiện nay, với sự sáng tạo và nhạy bén, đội ngũ nữ doanh nhân đang dần bắt nhịp với chuyển đổi số. Các chị đã và đang ứng dụng công nghệ để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. 

Đồng hành cùng các doanh nhân, Chính phủ, các cấp Hội LHPN, các Hội, Hiệp hội nữ doanh nhân… cũng đang tổ chức nhiều chương trình, hỗ trợ nữ doanh nhân trong việc đào tạo, tiếp cận vốn, xây dựng mạng lưới kết nối… 

Điều này sẽ giúp chị em nắm bắt cơ hội, xây dựng nền tảng bán hàng trực tuyến, mở rộng thị trường", bà Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội, cho biết.

Bài sau: Thách thức trong quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn