Thưởng Tết: Cần quy định rõ tỷ lệ tiền và hiện vật

12:40 | 29/12/2020;
Gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, Thông tin doanh nghiệp được phép thưởng Tết không chỉ bằng tiền mà có thể là hiện vật khiến người lao động lo lắng.
"Không kỳ vọng thưởng Tết 2021 có thể cao hơn mọi năm"

Chị Nguyễn Thị Hồng, Tổ trưởng chất lượng, Công ty may H.G chi nhánh huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), cho biết: Chi nhánh công ty có hơn 600 cán bộ, công nhân may, trong đó hơn 83% là lao động nữ. Phần lớn chị em có hoàn cảnh khó khăn nên tiền thưởng Tết vẫn là một nguồn rất quan trọng. Những dịp cuối năm, chị em lại mong ngóng mức thưởng Tết để có thể cân đối chi tiêu cho dịp Tết đã cận kề.

Thưởng Tết: Cần quy định rõ tỷ lệ tiền và hiện vật - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Theo chị Hồng, thời gian qua, dịch Covid-19 đã tác động nhiều tới đời sống của người lao động. Đơn hàng sản xuất giảm nên thời gian tăng ca cũng giảm đi, tác động trực tiếp tới nguồn thu của người lao động. Đến thời điểm này, ban lãnh đạo công ty vẫn chưa có thông tin về việc thưởng Tết. Với chị em công nhân may, hiểu được tình hình khó khăn của doanh nghiệp nên cũng chỉ hi vọng mức thưởng Tết năm nay duy trì như các năm trước là thưởng Tết bằng tháng lương thứ 13. Người thấp nhất cũng được 5 triệu đồng, người cao khoảng 10 triệu đồng", chị Hồng chia sẻ.

Người lao động chỉ muốn thưởng Tết bằng tiền mặt để trang trải chi phí sinh hoạt, mua sắm Tết. Dù thưởng ít hay nhiều thì tiền thưởng Tết vẫn tạo sự khích lệ, động viên công nhân hơn và giúp họ cân đối chi tiêu. Người lao động có thể chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp nhưng thưởng Tết bằng sản phẩm, hiện vật thì gần như bị bỏ không, rất lãng phí”.

Chị Nguyễn Thị Hồng, Tổ trưởng chất lượng, Công ty may H.G chi nhánh tại huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa)

Còn chị Trần Thị Hảo, công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), cho biết: Đợt giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 vừa qua, toàn bộ xưởng sản xuất của chị nghỉ gần 2 tháng. Đến khi đi làm lại thì công việc cũng không nhiều như trước. Thời gian tăng ca không có nên nguồn thu của người lao động sụt giảm hẳn. Nhắc tới chuyện thưởng Tết 2021, giọng chị chùng xuống: "Thời điểm này mọi năm, chị em công nhân háo hức ngóng chờ thưởng Tết bởi cảm nhận được kết quả sản xuất kinh doanh khởi sắc nhưng năm nay không khí trầm lắng hẳn. Mặc dù chưa có thông tin chính thức mức thưởng Tết, ai cũng thấy được lượng công việc giảm đi, nhân lực bị cắt, thu nhập thực tế cũng giảm nên không kỳ vọng thưởng Tết có thể cao hơn mọi năm".

Còn việc thưởng Tết bằng hiện vật, theo chị Trần Thị Hảo, đa số lao động không muốn nhận thưởng Tết bằng sản phẩm, quà tặng. Dù quà tặng là quần áo, sản phẩm đồ gia dụng... do chính doanh nghiệp tự sản xuất được nhưng bản thân người lao động không dùng tới sẽ trở nên lãng phí. Trong khi, thưởng Tết bằng tiền vẫn là thu nhập có thể giúp người lao động có nguồn tiền để cân đối chi tiêu khi Tết về.

Cùng nhau chia sẻ để vượt qua khó khăn

Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Theo Khoản 1, Điều 104 của Bộ luật Lao động 2019 quy định về "thưởng" thay vì "tiền thưởng" như trước đây. Cụ thể, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc. Các doanh nghiệp thưởng Tết trong năm 2021 cho người lao động không chỉ là tiền mà còn có thể là hiện vật, hoặc hình thức khác như chuyến du lịch...

Quốc gia đang phát triển như nước ta, mức lương mới đáp ứng cơ bản nên việc doanh nghiệp, đơn vị thưởng tháng, thưởng Tết là để động viên người lao động, giữ người lao động và tạo sự gắn bó giữa 2 bên. Với ảnh hưởng của đại dịch, thiên tai, doanh nghiệp gặp khó khăn nên rất cần sự chia sẻ từ 2 phía: Chủ sử dụng lao động cần hết lòng vì người lao động để tạo ra sự ổn định và phát triển bền vững doanh nghiệp của mình; còn người lao động cần tin tưởng vào sự nhân văn của chủ doanh nghiệp, chia sẻ với chủ sử dụng để cùng vượt qua khó khăn”.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung, chuyên gia Văn hóa – xã hội

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, chuyên gia Văn hóa – xã hội, với quy định nêu trên cho phép chủ sử dụng lao động thưởng Tết bằng hiện vật, người lao động sẽ cảm thấy lo lắng có đảm bảo cuộc sống hay không, trong khi Tết về sẽ cần tới nhiều chi phí. Mặc dù quy định nêu trên có hướng mở cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cạnh dịch bệnh và khó khăn hiện nay nhưng cũng không loại trừ các trường hợp chủ doanh nghiệp sẽ lạm dụng và đẩy khó khăn về phía người lao động.

Thưởng Tết: Cần quy định rõ tỷ lệ tiền và hiện vật - Ảnh 4.

Dù ít hay nhiều, người lao động mong muốn được thưởng Tết bằng tiền mặt thay vì sản phẩm, quà tặng Ảnh: HH

Theo ông Phạm Ngọc Trung, tới đây, các cơ quan hữu trách sẽ cụ thể hóa những điều khoản trong Bộ luật Lao động bằng các văn bản dưới luật. Qua đó, rất cần cụ thể hóa các quy định để các doanh nghiệp nâng cao nhận thức, ý thức và có chế tài để hài hòa nhu cầu của người lao động về vấn đề thưởng Tết. Cụ thể, cần có quy định về tỷ lệ thưởng giữa tiền và hiện vật. Tỷ lệ này có thể hài hòa giữa 2 bên: người lao động thì chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp; còn doanh nghiệp đảm bảo được nhu cầu nhất định của người lao động để tránh gây ra các vấn đề bất đồng.

Nhận định vấn đề thưởng Tết năm nay, bà Tống Thị Minh, nguyên Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH), cho rằng: Dịch bệnh Covid-19 diễn ra suốt năm qua đã gây ảnh hưởng tiêu cực trên toàn thế giới cũng như nước ta, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, qua đó, tác động trực tiếp tới đời sống của người lao động. Trước bối cảnh đó, "mức lương thưởng Tết năm 2021 khó tăng so với năm 2020". Thực tế, không ít doanh nghiệp sẽ cố gắng giữ mức thưởng Tết như các năm trước để khuyến khích người lao động gắn bó với doanh nghiệp.

Bà Tống Thị Minh cho rằng: "Mức thưởng tết năm nay có thể giữ nguyên hoặc giảm. Đây là năm khó khăn chung của toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy, chủ doanh nghiệp cũng như người lao động cần cùng nhau chia sẻ để vượt qua khó khăn".

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới có văn bản yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh/thành chủ động phối hợp với Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, liên đoàn lao động và các cơ quan liên quan nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, đời sống công nhân lao động trong các doanh nghiệp. Qua đó, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn thực hiện đúng các chế độ chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật, nhất là trong dịp tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2021.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn