Thương trò, cô vượt non cao, gieo chữ trên đá...

15:53 | 19/11/2022;
Giữa những triền đá lởm chởm, xám lạnh; hình ảnh lớp học với bước chân các em nhỏ ríu rít cùng tiếng học bài ê a… là những gì khiến người ta tin vào một ngày mai tươi đẹp hơn với Cà Lò.

Có một Cà Lò vừa xa, vừa khó…

Thấy tôi có ý định lên với xóm Cà Lò (xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng), Trung tá Hoàng Hà, Chính trị viên Đồn Biên phòng Xuân Trường, BĐBP Cao Bằng e ngại: "Cà Lò là một trong những xóm giáp biên vô cùng khó khăn, xóm hiện có 34 hộ người Dao Tiền, tất cả đều là hộ nghèo. Lên với Cà Lò sẽ vất vả lắm đó… Nỗi vất vả mà Trung tá Hoàng Hà khuyến cáo, tôi chỉ thực sự "thấm" khi cùng các anh vượt núi lên với Cà Lò.

Mặc dù các anh cán bộ đồn Biên phòng đã chủ động đổi sang chiếc xe máy được cho là khoẻ nhất trong những xe hiện có ở Tổ công tác. Dù vậy nhưng cứ đi được vài chục mét, tôi lại phải xuống chạy bộ vì những đoạn dốc cao, lổn nhổn những đá và đá. Thi thoảng có đoạn đường đất thì lại khấp khểnh bởi sống trâu, sống bò. Tấm biển "Điểm trường Cà Lò" ở đầu xóm Cà Lò hiện ra cũng là lúc chúng tôi đi hết 9km đường đất đá trong tròn 1 giờ đồng hồ. Đôi bàn tay các anh đều đỏ lựng vì điều chỉnh tay ga; hai chân tôi như muốn khuỵ xuống vì rã rời, vì nắng nóng…

Thương trò, cô vượt non cao, gieo chữ trên đá... - Ảnh 1.

Những ngôi nhà nhuốm màu thời gian ở Cà Lò. Ảnh: Phương Tú

Trò chuyện cùng tôi trong căn nhà sàn khá rộng, vì không có bất kỳ đồ dùng gì, ngoài mấy cái nồi méo, bát sứt, thôn đội trưởng Chảo Vần Phỉn, cho hay: "Địa hình Cà Lò chủ yếu là núi đá. Để có đất trồng ngô, người dân Cà Lò phải đi xa bản hàng chục km. Lương thực chính của người dân Cà Lò đến nay vẫn chủ yếu là ngô – song vẫn bữa đói bữa no".

Nhìn thành quả vụ mùa vừa rồi nhà anh Phỉn là mấy bao tải ngô ít ỏi, kế bên là nồi ngô nghiền chuẩn bị cho bữa trưa, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Những đứa trẻ con anh Phỉn cũng giống như tất cả trẻ em trong xóm Cà Lò, tất cả chúng đều nhom nhem, nheo nhóc. Thấy khách lạ vào xóm là lũ lượt chạy theo đầy tò mò.

"Đường khó đi thế này, khi có công việc, liên lạc với nhau bằng cách nào?". Nghe tôi hỏi, anh Phỉn dẫn tôi ra ngoài hiên nhà sàn – nơi có chiếc điện thoại đen trắng đang gắn trên cột nhà, xung quanh bao nilon cẩn thận: "Có 1 vạch sóng, đứng đây nghe điện thoại được". Nhà anh Phỉn xem ra vẫn hơn nhiều hộ ở Cà Lò vì ở trên cao, nên vẫn còn vợt được chút sóng rơi vãi…

Thương trò, cô vượt non cao

Đường khó, điện không có và nước thì khan hiếm, song từ nhiều năm nay, thứ mà Cà Lò luôn có  và cũng là niềm vui, là hy vọng của Cà Lò; đó là sự có mặt của các giáo viên cắm bản. Đến nay, tại điểm trường Cà Lò đang có 4 cô giáo cắm bản, dạy học cho10 bé mầm non và 27 học sinh tiểu học, từ lớp 1 đến lớp 4.

Kiên trì, bền bỉ. Mùa xuân cũng như mùa đông. Trời mưa cũng như trời nắng: sáng thứ 2 các thầy cô có mặt rồi ở lại điểm trường dạy học cho đến hết chiều thứ 6. Quãng đường 9km đường đá mà tôi đã phải khổ sở để vượt qua, với các thầy cô ở điểm trường Cà Lò, từ lâu đã trở thành con đường quen thuộc.

"Đi mãi thành quen. Chuyện ngã xe, đổ xe vì đường trơn là bình thường.  Nhiều hôm giữa tuần có công việc ở trường, chúng em lại xuống núi, sáng hôm sau lại lên điểm trường. Mình vất đã đành, lại thêm xót xe, đi được 2-3 năm đã tàn tạ". Cô Lý Thanh Trầm, giáo viên phụ trách điểm trường Cà Lò chia sẻ.

Thương trò, cô vượt non cao, gieo chữ trên đá... - Ảnh 2.

Cô giáo Trầm trên đường vào điểm trường Cà Lò. Ảnh: Phương Tú

Được biết, ngoài cô Trầm, hiện điểm trường còn có cô Nông Phương Dung, Hoàng Thị Nga, Lục Thanh Tuyền, Hà Thị Hoa cũng đang là những giáo viên cắm bản. Trong đó, cô Nông Phương Dung đang ở tháng cuối thai kỳ song vẫn đi bộ lên, xuống điểm trường hàng tuần.

Cũng theo cô Trầm, ở lại Cà Lò, đồng nghĩa với việc các thầy cô cũng phải chịu chung nỗi khổ "không điện thắp sáng, không điện thoại, thiếu nước" y như người dân Cà Lò. Song trông mưa hứng nước, soạn giáo án trong ánh đèn mờ tỏ; ăn uống chủ yếu là đồ khô chế biến; học nói tiếng Dao… lại không phải là khó khăn thực sự với các cô giáo cắm bản. "Người dân Cà Lò chất phác, trẻ em ở đây cũng rất ngoan. Nhưng cái bụng còn đói, nên nói chuyện cái chữ không phải hộ nào cũng nghe, thành ra khó nhất vẫn là làm sao để trẻ em Cà Lò chuyên cần tới lớp". Cô Trầm bộc bạch.

Thương trò, cô vượt non cao, gieo chữ trên đá... - Ảnh 3.

Sẽ ra sao nếu những đứa trẻ ở Cà Lò không được đến lớp?. Ảnh: Phương Tú

Theo đó, năm 2018, lên với điểm trường Cà Lò, việc đầu tiên cô Trầm và các cô giáo ở điểm trường làm là duy trì bữa cơm trưa cho tất cả học sinh  tiểu học tại điểm trường. Theo quy định, học sinh người dân tộc thiểu số phải ở cách xa điểm trường hơn 1 km thì mới được hỗ trợ tiền ăn trưa. Cà Lò chỉ có hơn chục em có tiêu chuẩn này. Chính vì vậy, để tất cả các em có cơm trưa ăn, các cô giáo đã họp phụ huynh cả xóm lại, trao đổi về việc sẽ dùng số tiền ăn trưa được phát để mua thức ăn cho tất cả các học sinh khác cùng ăn.

Là xóm nhỏ sống quây quần, rất nhiều gia đình là họ hàng với nhau nên đề xuất của thầy cô đưa ra ngay lập tức được các phụ huynh đồng ý. Vậy là, với 225.000 đồng/ngày (17.000 đồng x 15 học sinh có tiêu chuẩn bán trú), các thầy cô cuối tuần về nhà lại mua gạo, rau lên điểm trường rồi kêu gọi phụ huynh góp củi lửa, nấu cơm trưa cho 27 học sinh tiểu học. Có được bữa trưa ấm bụng, dẫu chỉ là cơm rau với chút thức ăn khô, xong từ đây học sinh ở Cà Lò đi học rất đều đặn, đầy đủ.

Thương trò, cô vượt non cao, gieo chữ trên đá... - Ảnh 3.

Lớp học được xây dựng kiên cố – điểm sáng nơi xóm núi Cà Lò. Ảnh: Phương Tú

Được bà con ủng hộ về tinh thần, các cô giáo lại tranh thủ vận động bà con trong xóm, kêu gọi sự hỗ trợ của chính quyền và bộ đội biên phòng để tu sửa đường; khuyên thanh niên bản không kết hôn sớm, không kết hôn với anh em cùng huyết thống; hướng dẫn các gia đình ăn ở vệ sinh, sạch sẽ….

Cứ thế, "mưa dầm thấm lâu", nhờ sự chung sức của các thầy cô, mấy năm nay ở Cà Lò, chuyện thanh niên 15,16 tuổi kết hôn, anh em con chú, con bác lấy nhau đã giảm trông thấy, nhiều thanh niên ở Cà Lò nay đã bắt đầu ra ngoài đi làm thuê, làm bạn và kết hôn với đồng bào ở các xóm, xã khác…

Tùng! Tùng! Tùng!

Vừa dứt tiếng trống cô Trầm đánh, từ các con đường nhỏ ở xóm Cà Lò, lũ trẻ líu ríu chạy xuống điểm trường để lên lớp, tiếng cười nói xôn xao, tiếng gọi nhau rộn rã.

Trên đá, có những loài hoa vẫn mọc. Trong gian nan, hy vọng chính là ngọn đuốc dẫn đường để ước mơ đơm hoa. Bỏ qua những khó khăn thường ngày, niềm vui khi nhìn trẻ em Cà Lò biết đọc, biết viết, biết thưa gửi…đã trở thành động lực giản dị mà mạnh mẽ để các thầy cô kiên trì, bền bỉ gieo chữ nơi xóm núi Cà Lò.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn