Phát biểu tại toạ đàm, Uỷ viên Bộ chính trị, thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, hiện nay Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực về bình đẳng giới, công tác cán bộ nữ đã có nhiều tiến bộ.
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến 01/4/2021, dân số nữ của Việt Nam là 49.543.571 người (chiếm 50,4% tổng dân số), tỷ số giới tính 98,4 nam/100 nữ.
Về số liệu cán bộ nữ trong hệ thống chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII có 19 Uỷ viên Trung ương là nữ (đạt 9,5%), trong đó có 01 Ủy viên Bộ Chính trị, 02 Ủy viên Ban Bí thư. Khóa XII là 20/200, trong đó 03 Ủy viên Bộ Chính trị, 01 Ủy viên Ban Bí thư; khóa XI là 17/200, trong đó 02 Ủy viên Bộ Chính trị, 01 Ủy viên Ban Bí thư.
Có 35 tỉnh, thành phố có tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên, cao nhất là Tuyên Quang (29,2%), thấp nhất là Quảng Bình (6,1%). Đầu nhiệm kỳ 2020-2025, có 09 nữ Bí thư tỉnh ủy, đến thời điểm hiện nay có 06 nữ Bí thư tỉnh uỷ.
Việt Nam có 151 nữ đại biểu Quốc hội (30,26%). Tính đến 02/2023, Việt Nam xếp hạng thứ 64/193 quốc gia, cao hơn 10 bậc so với thời điểm tháng 12/2020 (74/193 quốc gia). Hiện Việt Nam có tỷ lệ 03/22 nữ bộ trưởng (13,64%).
"Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ nữ ở nước ta có sự tăng trưởng song tỷ lệ tăng chưa cao và thiếu tính bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và sự đóng góp to lớn của các tầng lớp phụ nữ", Thường trực Ban bí thư đánh giá.
Trong các văn kiện của Đảng cũng như quy định của nhà nước, công tác phụ nữ nói chung, công tác cán bộ ngũ nói riêng luôn được quan tâm. Nhiều văn bản đã đưa ra những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể nhằm thúc đẩy bình đẳng giới. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách giữa thực tế với mục tiêu đề ra. Thống kê cho thấy, số công chức, viên chức nữ trong hệ thống chính trị (tính đến ngày 31/12/2021) là 1.325.316 người. Số công chức nữ là 107.324 người, chiếm 43,32% tổng số công chức; số viên chức nữ là 1.217.992 người, chiếm tỷ lệ 68,06% tổng số viên chức.
Tuy nhiên, hiện nay trong số 22 bộ, cơ quan ngang bộ vẫn còn 11 bộ, cơ quan ngang bộ (50%) và 6/8 cơ quan thuộc Chính phủ (75%) không có nữ lãnh đạo chủ chốt.
12/63 tỉnh, thành phố (19,1%) không có nữ ở bất cứ vị trí lãnh đạo chủ chốt nào của cấp tỉnh, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung.
Quốc hội khóa XIV (nhiệm kỳ 2016 - 2021) có 03/63 tỉnh, thành phố (4,76%) không có nữ đại biểu (Tây Ninh, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế); Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021 - 2026) có 02/63 tỉnh, thành phố (3,2%) không có nữ đại biểu (Hải Phòng và Cà Mau).
Đề cập tới công tác cán bộ nữ thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhấn mạnh đến những vấn đề cần quan tâm trong công tác cán bộ thời gian tới.
Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu và hệ thống chính trị đối với việc thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chủ trương của Đảng đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và những mục tiêu, chương trình về bình đẳng giới.
Thứ hai, bổ sung, thực hiện có hiệu quả các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới sát với thực tiễn Việt Nam; có giải pháp khắc phục khó khăn, thách thức, hạn chế về: Chính sách, pháp luật; tính bền vững của kết quả đạt được; tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ; rút ngắn khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa cán bộ nam và cán bộ nữ…
Thứ ba, động viên đội ngũ cán bộ nữ phấn đấu, rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất, uy tín đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới.
Thứ tư, quan tâm phát hiện, tạo nguồn, bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch, luân chuyển, bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ nữ trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị; đảm bảo đạt được mục tiêu tỉ lệ nữ, trong cấp ủy, cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, doanh nghiệp,…
Thứ năm, tăng cường sự tham gia tích cực của cán bộ nam trong thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ nữ.
Tại buổi toạ đàm, nhiều đại biểu đến từ các bộ ngành, địa phương… đã cùng nhau thảo luận về những kết quả, kinh nghiệm trong công tác phát triển đội ngũ cán bộ nữ cũng như trao đổi, đề xuất những giải pháp để đạt được những mục tiêu trong công tác cán bộ nữ.
Thay mặt Đảng Đoàn, Thường trực Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam, Uỷ viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; cảm ơn Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương… đã góp ý nhằm xác định các nguyên nhân và đưa ra những giải pháp, kiến nghị để góp phần thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác cán bộ nữ.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khẳng định, TƯ Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp thu đầy đủ những chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai và những đóng góp của các đại biểu để có những đề xuất, kiến nghị góp phần thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác cán bộ nữ trong thời gian tới.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn