Chiều 14/12, tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo "Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới", Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết: "Tôi ghi nhận, đánh giá cao Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Phát huy vai trò của Phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới" nhằm tiếp tục đánh giá sâu sắc hơn việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng đối với công tác phụ nữ, nhất là Nghị quyết 11 (2007) về công tác phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Chỉ thị 21 (2018) về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới. Trên cơ sở đó nhìn nhận đầy đủ, sâu sắc, toàn diện về vai trò của phụ nữ Việt Nam và công tác phụ nữ trong thời đại mới, tiếp tục góp phần hiện thực hóa tốt hơn đường lối, chủ trương của Đảng, phát huy mạnh mẽ hơn vai trò của các tầng lớp phụ nữ trong đời sống xã hội, đóng góp cho các mục tiêu phát triển đất nước 2025, 2030, 2045".
Đồng chí Trương Thị Mai cho rằng, nhìn lại Nghị quyết 11, Chỉ thị 21 cho thấy những mặt đã đạt được, đó là kế thừa truyền thống tốt đẹp, các tầng lớp phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, tham gia tích cực, có hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ; nhiều tấm gương phụ nữ được xã hội ghi nhận, tôn vinh; nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ, bình đẳng giới ngày một tốt hơn, đội ngũ cán bộ phụ nữ ngày càng trưởng thành, có thêm nhiều kinh nghiệm trong công tác vận động, quan tâm chăm lo, hỗ trợ cho phụ nữ trong cuộc sống, nhất là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện, nhất là Luật Bình đẳng giới, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em được quan tâm lồng ghép trong nhiều đạo luật như: Bộ luật Lao động, Luật bầu cử, các luật về an ninh xã hội, Luật Hôn nhân và Gia đình, giáo dục, y tế...
Tuy nhiên, theo đồng chí Trương Thị Mai, còn những vấn đề cần phải quan tâm, đó là: dù đã qua hơn 10 năm nhưng một số chỉ tiêu của Nghị quyết 11 vẫn chưa đạt được như cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên (nhiệm kỳ 2020 - 2025, cấp tỉnh đạt 15,7%; cấp huyện đạt 17%; cấp cơ sở đạt 20,8%); nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35% đến 40% (nữ ĐBQH khóa XV đạt 30,26%; nữ ĐB HĐND cấp tỉnh đạt 29%; cấp huyện đạt 29,08%; cấp xã đạt 28,98%).
Bên cạnh đó, nơi này nơi khác, nhận thức về phụ nữ và công tác phụ nữ chưa sâu sắc, toàn diện; cơ hội bình đẳng cho phụ nữ, nhất là về việc làm, nghề nghiệp, tiền lương, vị trí trong xã hội, gia đình... khó khăn, còn định kiến giới và phân biệt đối xử; đội ngũ cán bộ nữ chưa tương xứng với yêu cầu tình hình mới; quá trình phát triển nảy sinh nhiều vấn đề mà người chịu hậu quả nhiều hơn vẫn là phụ nữ, trẻ em như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống; việc phát huy vai trò phụ nữ trong quá trình phát triển chưa toàn diện; một bộ phận phụ nữ còn gặp khó khăn trong cuộc sống.
Đồng chí Trương Thị Mai nhắc lại, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định "Thực hiện bình đẳng giới và hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ" là một trong những định hướng quan trọng của chính sách xã hội. Điều 26 Hiến pháp 2013 ghi nhận: "Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội". Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: "Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi".
Khi thảo luận để thông qua Chỉ thị 21, Ban Bí thư đã nhận thấy những mặt hạn chế, nhất là việc thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết 11 chưa đạt được yêu cầu đề ra, vì vậy giữ nguyên các chỉ tiêu này và nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trong thực hiện chủ trương của Đảng. Đồng chí Trương Thị Mai nhắc lại 6 nhiệm vụ của Chỉ thị 21, tuy ngắn gọn nhưng nếu quyết tâm làm, làm có hiệu quả thì chủ trương của Đảng mới đi vào cuộc sống, đó là: (1) Nâng cao nhận thức; (2) Hoàn thiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện, nhất là đối với nhóm phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; khuyến khích phụ nữ nâng cao trình độ, tham gia sâu hơn vào đời sống xã hội, quá trình phát triển; (3) Xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, nhất là nguồn nhân lực nữ chất lượng cao; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; (4) Trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong thực hiện chủ trương của Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ; (5) Vai trò Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; (6) Trách nhiệm tổ chức thực hiện của các cơ quan liên quan.
"Ngày 8/3/1965, nhân kỷ niệm 55 năm Ngày quốc tế phụ nữ (1910-1965), Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tặng phụ nữ Việt Nam bức trướng thêu 8 chữ vàng: "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang", tôi nghĩ nói về phụ nữ Việt Nam không thể chọn được từ ngữ nào hơn 8 chữ Bác Hồ đã tặng", đồng chí Trương Thị Mai khẳng định.
"Cuộc Hội thảo hôm nay diễn ra khi chúng ta đã đi qua nửa chặng đường của nhiệm kỳ Đại hội XIII. Với hơn 50% dân số, tôi tin tưởng rằng phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp to lớn không chỉ cho phát triển đất nước, mà còn cho sự trưởng thành, tiến bộ của sự nghiệp bình đẳng giới, của từng phụ nữ, từng gia đình Việt Nam. Chúng ta đã làm được nhiều việc có kết quả nhưng cũng còn nhiều việc đòi hỏi phải nỗ lực, đồng lòng, quyết tâm cao để đạt được kết quả như mong muốn, điều quan trọng đó là phụ nữ Việt Nam phải có cơ hội để được bình đẳng, được tham gia vào đời sống chính trị - xã hội một cách tốt nhất, phát huy được tiềm năng, sức mạnh để đóng góp tốt nhất cho đất nước, cho gia đình, cho giáo dục thế hệ trẻ", Thường trực Ban Bí thư khẳng định.
Đồng chí Trương Thị Mai đánh giá, vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ là rất quan trọng, được Đảng giao nhiệm vụ trực tiếp chăm lo cho phụ nữ, tham mưu chế độ chính sách, đường phối cho phụ nữ. Tiếp đó là trách nhiệm thực hiện của nhiều cơ quan. Trong thời đại mới, phụ nữ Việt Nam cần tiếp tục thực hiện 8 chữ vàng mà Bác Hồ tặng như thế nào để tiếp tục xứng đáng với truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang?
"Chúng ta đang chứng kiến thế giới, đất nước với nhiều sự thay đổi. Trước những sự thay đổi đó, người phụ nữ Việt Nam cũng phải hòa mình vào để tiếp tục phát triển, tiếp tục tiến bộ. Cuộc cách mạng 4.0 đưa thế giới bước vào thời đại chưa từng có và quá trình đó yêu cầu người phụ nữ phải tiến bộ, phát triển nhưng cũng chịu rủi ro tiềm ẩn, trí tuệ nhân tạo đảm đương nhiều công việc của phụ nữ thì vấn đề việc làm của phụ nữ sẽ thế nào?
Nhiều vấn đề xung quanh đặt ra và cần các đồng chí đề xuất các chính sách để hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em có thể có cơ hội tiếp tục phát triển, đồng hành cùng đất nước và thời đại", đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn