Ngày 3/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 13. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên họp.
Diễn ra từ ngày 3-6/9, Phiên họp sẽ thẩm tra và thảo luận các nội dung về Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019; Báo cáo công tác của ngành Kiểm sát, ngành Tòa án năm 2019; Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2019; Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019…
Tại phiên họp này, các đại biểu cũng thẩm tra 2 dự án Luật: Luật Giám định tư pháp và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đồng thời tiến hành giám sát việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự.
Kéo giảm nhiều loại tội phạm
Trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an - cho biết, trong năm 2019, lực lượng công an đã điều tra, làm rõ 33.470 vụ phạm pháp hình sự, đạt tỷ lệ 84,2% (án rất nghiêm trọng đạt 90,4%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,2%).
Về cơ bản, các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ, các vụ xâm hại trẻ em được điều tra, xử lý quyết liệt hơn, tổ chức tiếp nhận, giải cứu 137 nạn nhân bị mua bán trở về; triệt phá 2.167 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó trấn áp mạnh mẽ tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen.”
Đặc biệt, nhiều loại tội phạm được kéo giảm như án giết người giảm 11,67%; cướp tài sản giảm 8,7%; gây rối trật tự công cộng giảm 49,15%; đánh bạc, tổ chức đánh bạc giảm 28,28%...
Về kết quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, các lực lượng chức năng đã phát hiện 14.228 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (ít hơn 11,02% so với cùng kỳ 2018); 281 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ (ít hơn 0,35% so với cùng kỳ 2018).
“Đặc biệt, đã đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, bảo đảm đúng tiến độ, khắc phục được nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp hồ sơ, tài liệu, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, thu hồi tài sản,” Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết.
Công tác phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng ở địa phương có nhiều tiến bộ, từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh." Các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm góp phần răn đe vi phạm (điển hình là Công an Đắk Nông phát hiện vụ sản xuất xăng A95 giả quy mô lớn ở nhiều tỉnh phía Nam).
Tội phạm về trật tự xã hội vẫn diễn biến phức tạp
Theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, tình hình tội phạm về trật tự xã hội tuy đã được kiềm chế, giảm về số vụ nhưng vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Đáng lưu ý, nhiều vụ giết người với hành vi dã man, tàn bạo đã xảy ra; nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích do đối tượng bị bệnh tâm thần hoặc bị ảo giác do sử dụng ma túy tổng hợp gây ra, gây lo lắng trong nhân dân. Tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra nhiều; xuất hiện thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người dưới hình thức mang thai hộ, mua bán bào thai...
Tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế cũng diễn ra phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ thông tin, thiết bị công nghệ cao để phạm tội; sử dụng phần mềm gian lận doanh thu để trốn thuế, kéo dài thời gian thu phí tại các trạm thu phí BOT. "Tham nhũng vặt” trong giải quyết thủ tục hành chính công diễn ra tương đối phổ biến, nhất là ở cơ sở, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp...
Ngoài ra, tình hình vi phạm pháp luật trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai diễn ra phổ biến ở nhiều nơi gây bức xúc dư luận, được Chính phủ nhận định là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài và phát sinh "điểm nóng" về an ninh trật tự tại một số địa phương.
Tình trạng lừa đảo bán nhà, đất tại các dự án không có thật diễn ra phức tạp, điển hình là Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba môi giới bán nhiều dự án "ma" ở Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh...
Làm rõ động cơ nhận tiền làm sai lệch kết quả thi
Nhận định về Báo cáo của Chính phủ, thay mặt nhóm nghiên cứu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Pha cho biết, Ủy ban Tư pháp cơ bản đồng tình với những nhận định, đánh giá của Chính phủ về những kết quả của công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.
Tuy nhiên, mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế.
Theo đó, vi phạm pháp luật, tội phạm về tham nhũng vẫn rất phức tạp, nhất là “tham nhũng vặt” trong các cơ quan và nhân viên nhà nước khi thực thi công vụ có liên quan trực tiếp đến người dân.
Tham nhũng trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng gây bức xúc trong nhân dân, tuy nhiên việc phát hiện chưa nhiều và giảm (0,35%) so với cùng kỳ. Việc phát hiện các hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng còn nhiều hạn chế, có vụ làm xăng giả với quy mô lớn, tiêu thụ trên nhiều địa phương, kéo dài nhiều năm nhưng đến nay mới bị phát hiện xử lý.
Bên cạnh đó, tình trạng lợi dụng mạng viễn thông, internet, mạng xã hội để làm mất an ninh trật tự, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, bán hàng online... vẫn diễn ra tràn lan, chưa được kiểm soát và ngăn chặn hiệu quả. Trong đó, nổi lên là hiện tượng một số đối tượng có tiền án, tiền sự sử dụng mạng xã hội để đăng nhiều video cổ xúy cho lối sống lệch chuẩn, bạo lực, gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nhận thức xã hội, nhất là giới trẻ.
Điển hình như vụ Ngô Bá Khá tức “Khá Bảnh” trú tại Từ Sơn, Bắc Ninh bị khởi tố về hành vi "đánh bạc" và "tổ chức đánh bạc"; vụ Đỗ Văn Quang tức “Quang Rambo”, trú tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội cùng 4 đồng phạm bị khởi tố về tội danh “cưỡng đoạt tài sản.”
“Điều này cho thấy, công tác quản lý mạng xã hội, mạng viễn thông, mạng internet vẫn còn nhiều bất cập,” Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha đánh giá.
Ngoài ra, các vụ án liên quan đến tiêu cực trong tổ chức Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018 ở một số địa phương hiện nay đã được kết luận điều tra, có vụ đã được đưa ra xét xử. "Tuy nhiên, dư luận, cử tri còn băn khoăn và đề nghị làm rõ động cơ của việc nhận tiền để làm sai lệch kết quả thi," ông Pha cho hay.
Xử lý nghiêm minh đối tượng vi phạm pháp luật
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá Báo cáo của Chính phủ đã đánh giá được nhiều mặt của tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, chỉ ra những mặt đạt được, hạn chế, nguyên nhân của công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật, tội phạm năm 2019; đã đưa ra dự báo về tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm năm 2020, những kiến nghị cụ thể nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả của công tác này.
Qua nghiên cứu, đại biểu Nguyễn Duy Hữu - Ủy viên Ủy ban Tư pháp đánh giá, Báo cáo của Chính phủ về tình hình tội phạm thời gian qua, nguyên nhân, tính chất, mức độ phạm tội rất chính xác, đúng với thực tế tại các địa phương. Tỷ lệ điều tra xét xử đạt và vượt chỉ tiêu được giao.
Đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ thêm về tội phạm trong lĩnh vực môi trường bởi tội phạm trong lĩnh vực này để lại hậu quả dai dẳng, mất nhiều thời gian khắc phục nhưng mức xử lý chưa phù hợp. Việc xử lý tội phạm này mới chỉ xử lý hành chính, xử lý hình sự thấp.
Đại biểu Hoàng Văn Hùng - Ủy viên Ủy ban Tư pháp đánh giá, mặc dù tai nạn giao thông được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí (số vụ giảm 12,04%, số người chết giảm gần 10%, số người bị thương giảm 13,09% so với năm 2018) nhưng số người chết, bị thương vẫn rất lớn. Trung bình mỗi ngày có 22 người chết vì tai nạn giao thông. Tình trạng lái xe sử dụng ma túy, chất kích thích gây tai nạn nghiêm trọng vẫn diễn ra.
Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan đưa ra tiêu chí rõ ràng để đánh giá đúng bản chất tai nạn giao thông, từ đó đưa ra giải pháp phòng ngừa hiệu quả. Đồng thời, Chính phủ phải mạnh tay, nâng mức xử lý đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Trên cơ sở phân tích những vướng mắc, hạn chế, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ trong thời gian tới tiếp tục có những biện pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực trật tự xây dựng, thương mại, giao thông, công nghệ thông tin... để hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật, tội phạm và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh đối với những vi phạm pháp luật, tội phạm trên các lĩnh vực này…
Tại phiên họp, các đại biểu cũng thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo công tác của ngành Kiểm sát, ngành Tòa án năm 2019; Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2019./.