Thương về xứ Nghệ - Bài 1: Làng quê lay lắt chống hạn

07:50 | 02/07/2019;
nơi được ví là chiếc đòn gánh, gánh hai đầu đất nước, nơi ấy đang ngày đêm gồng mình chống chọi với cơn “đại hạn” nặng nhất trong hàng chục năm qua. 45 độ C, thậm chí có những địa phương vượt qua ngưỡng nhiệt ấy, khiến người dân nơi đây vật vã chống chọi.
 
Đại hạn chưa từng có
 
"Chưa có năm nào nắng nóng khó chịu như năm nay. Chẳng ai muốn làm việc gì, bởi thở cũng chẳng thở nổi. Trong nhà như lò lửa chưa nói gì đến ngoài đường ngoài ruộng. Người già lần lượt ra đi, trẻ con khoắc oáng lên bởi cái nóng", Bà Trần Thị Lâm (87 tuổi, trú xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương, Nghệ Anh) thở dài nói về đợt nắng nóng gay gắt đang diễn ra trên địa bàn.
 
Theo bà Lâm, Thanh Chương là một trong những huyện nằm trong vùng “chảo lửa” xứ Nghệ. Đây cũng là địa phương phải hứng chịu cơn gió Lào bỏng rát.
 
“Già như tôi chẳng đủ sức bước ra khỏi nhà nữa nên đến nhà lúc nào cũng gặp. Còn bọn trẻ, chỗ nào có các bụi cây, ống cống thoát nước là bọn nó tìm đến. Cơm nấu chẳng ai muốn ăn, đứa nào đứa nấy, như người mất hồn”, bà Lâm tâm sự.
 
Những cánh đồng lúa nứt nẻ do thiếu nước tưới tiêu
 
Để chống chọi với thời tiết nắng nóng khốc liệt, những người dân nơi đây đều tìm đến những bụi rậm để tránh nắng, tránh nóng. Gió Lào thổi rát mặt. Mùi đất từ cánh đồng khô cháy phía trước xộc vào mũi. Những cánh đồng rộng mênh mông, trước đây phủ một màu xanh của lúa, của ngô, nay bỗng trở nên khô trắng, nứt toác, xơ xác cả những gốc rạ. Bà Đặng Thị Thơ, người dân xã Võ Liệt lắc đầu chia sẻ: “Nắng khiếp như ri, chẳng ai muốn ra đồng, mà có ra đồng thì cũng chết cháy với lúa thôi”.
 
Những năm trước, mỗi lần về vùng vựa lúa huyện Yên Thành (Nghệ An), không khí ngày mùa rộn rã khắp đường làng, ngõ xóm. Trên các cánh đồng, bà con nông dân đang hối hả chăm bón cho vụ hè thu sắp tới. Thế nhưng, vùng vựa lúa năm này “đứng ngồi chẳng yên” khi tình hình thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài, nhiều địa phương nơi đây xảy ra tình trạng thiếu nước trầm trọng. 
 
Chị Phan Thị Thuận ở xóm Đông Phú, xã Khánh Thành cho hay: "Nắng nóng kéo dài, cái nắng quay quắt dội xuống ràn rạt, nguồn nước khan hiếm nên việc tưới tiêu cho cây lúa không đủ dẫn đến chết cháy. Người nông dân làm ruộng không biết làm gì để sinh sống nữa đây. Không mong gì cả, chỉ mong một cơn mưa… cứu vớt vùng vựa lúa này”.
 
Hàng nghìn héc ta lúa của người dân Nghệ An không có nước để tỉa dặm. Ảnh: Thúy Hằng
Đang tránh nóng tại lùm cây ven đường, chị Chu Thị Lam (27 tuổi, ở xóm 6, xã Viên Thành, huyện Yên Thành), sốt ruột nói: "Trước đây đã xuất hiện các đợt nắng nóng, khô hạn kết hợp với gió Lào, nhưng diễn ra ngắn hơn. Còn đợt nắng nóng quay quắt này kéo dài quá lâu, ban trưa không một bóng người, gần hai tháng nay vùng quê chúng tôi chưa có một hạt mưa nào. Ruộng đồng nứt toác, cỏ cây chết héo".
 
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết: “Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 15 ngàn héc ta lúa vụ Hè Thu và lúa vụ Mùa bị khô hạn nặng. Nếu trong vài ngày tới không có mưa, diện tích lúa chết có thể lên đến cả ngàn héc ta. Ngoài ra, nhiều diện tích chè, cây rau màu cũng thiệt hại nặng do nắng nóng”.
 
Chắt chiu từng giọt nước sinh hoạt
 
Gần 1 tháng nay, trên địa bàn huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) chưa từng được một trận mưa nào. Nắng nóng kéo dài nên lượng nước trên các khe suối, ao, hồ ở đây đang ở mức thấp và cạn kiệt dần. Cuộc sống của người dân ở nhiều địa phương của huyện hiện đang gặp khó khăn do thiếu nước sinh hoạt.
 
Do hạn hán kéo dài, nguồn nước sinh hoạt cạn kiệt, người dân xã Thạch Ngàn (huyện Con Cuông, Nghệ An) phải đi ra bờ suối để chở từng can nước về sử dụng
Theo thống kê, đến nay trên địa bàn huyện Con Cuông có hơn 1.442 hộ dân ở các xã Đôn Phục, Mậu Đức, Thạch Ngàn, Yên Khê, đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nguyên nhân là do, liên tiếp trong nhiều tháng qua, trên địa bàn mưa rất ít, thời tiết hanh khô kéo dài, các giếng nước của người dân đã bị khô trơ đáy, các khe suối cạn kiệt. 
 
Để khắc phục tình trạng trên, người dân buộc phải tìm kiếm nguồn nước từ khe suối để dùng. Có điều hiện nay, nguồn nước ở đây đang bị khô cạn, ô nhiễm nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
 
Riêng tại xã Mậu Đức, thời tiết nắng nóng gay gắt, kéo dài nhiều ngày qua đến nay  đã làm cho gần 1000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Xã Mậu Đức được huyện hỗ trợ đào 13 giếng nước ven khe suối với tổng số tiền gần 100 triệu đồng, bà con các bản ở đây hy vọng có được nguồn nước sạch, đảm bảo an toàn để sử dụng trong những ngày nắng hạn.
 
Tìm nguồn nước, đào giếng khơi là giải pháp trước mắt để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân của huyện Con Cuông (Nghệ An).
Hơn nửa tháng nay, cứ rạng sáng và xế chiều là gia đình bà Lang Thị Tần, trú bản Kẻ Sùng, xã Mậu Đức, huyện Con Cuông (Nghệ An), lại tranh thủ xách những chiếc can nhựa loại 20 lít ra bờ suối cách nhà 2km để lấy nước về phục vụ sinh hoạt của gia đình do nắng hạn kéo dài, giếng nước khô đáy. 
 
"Mặc dù nhà tôi có 2 cái giếng, mỗi giếng có độ sâu hơn 109m nhưng hơn nửa tháng nay giếng đã không còn giọt nước nào nữa. Cứ sáng sớm hoặc chiều tối, chúng tôi lại tranh thủ ra suối chắt nước về phục vụ sinh hoạt, nấu cơm ăn uống. Còn việc tắm rửa, giặt đồ thì chúng tôi phải ra suối. Nắng nóng kéo dài, chúng tôi đang lo ngại suối cũng cạn nước thì không biết lấy nước đâu để dùng”, bà Tần lắc đầu.
 
Bà Lang Thị Hòa ở xã Mậu Đức cho biết: Mặc dù gia đình có hai giếng nước nhưng đến nay đều đã khô cạn. Để có nước sinh hoạt hàng ngày, gia đình bà phải đi 2-3km để lấy nước khe về dùng. “Chúng tôi biết, lấy nước ở khe suối để dùng là không đảm bảo vệ sinh nhưng không lấy ở đó thì chúng tôi biết lấy ở đâu. Không biết chúng tôi phải chịu đựng cảnh thiếu nước sinh hoạt đến bao giờ…”, bà Hòa lo lắng.
 
Người dân đóng góp ngày công cùng chính quyền địa phương để làm giếng.
Ông Vy Văn Sơn- Chủ tịch UBND huyện Con Cuông( Nghệ An) cho biết: “Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân, huyện đã trích khẩn cấp kinh phí 295 triệu đồng hỗ trợ các xã, đào 32 giếng khơi dọc khe, điểm có nguồn nước ngầm cao; Hỗ trợ 6 tẹc nước 2000 lít dẫn nước từ công trình nước tự chảy, giếng khoan phục vụ 6 cụm dân cư; Hỗ trợ 2 tẹc 500 lít để làm bể thu và 2.200m đường ống để dẫn nước khe về 2 cụm dân cư, hỗ trợ bà con nhân dân có nước dùng”.
 
Hiện nay, trước tình trạng nắng nóng, khô hạn tiếp tục kéo dài, tỉnh Nghệ An đang yêu cầu ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các địa phương điều tiết nguồn nước hợp lý gắn với hướng dẫn nông dân sử dụng nước tiết kiệm. Tỉnh cũng cho phép một số địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những loại cây trồng ít sử dụng nước, có khả năng chịu hạn cao vào trồng trên đất lúa.
 
Các địa phương trong tỉnh cũng đang tập trung chỉ đạo nông dân thu hoạch nhanh gọn cây trồng vụ xuân và chuẩn bị đủ giống, phân bón cho sản xuất vụ Hè Thu – vụ Mùa năm 2019 đảm bảo kịp thời vụ. Riêng cây lúa, một số địa phương đưa ra phương án chỉ bố trí diện tích lúa Hè Thu trên những vùng đảm bảo nước tưới đến cuối vụ, nếu không đảm bảo được nguồn nước sẽ chuyển sang trồng cây hàng năm khác và chỉ đạo những vùng lũ gieo cấy sớm để thu hoạch trước ngày 30/8, tránh lũ sớm vào đầu tháng 9/2019. Ngoài ra, để chống hạn, UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các nhà máy thủy điện trên địa bàn phải phối hợp xả nước chống hạn. 
 
Ông Tạ Hữu Hùng, Phó giám đốc nhà máy thủy điện Bản Vẽ, cho biết, nhà máy đang xả với lưu lượng trên 100m3/s để đưa nước về sông Lam chống hạn cho hạ lưu. Dung tích hữu ích trong hồ còn hơn 40 triệu m3, chỉ cao hơn mực nước chết là 2m. Lưu lượng nước về chỉ đạt 25m3/s như hiện nay thì chỉ có thể xả được khoảng gần một tuần nữa là đến mực "nước chết".
 
Thủy điện Bản Vẽ nằm ở đầu nguồn sông Cả (Nghệ An) có công suất thiết kế 320MW; mực nước bình thường là 200m; dung tích hồ chứa nước 1,8 tỷ m3, lớn nhất Bắc Trung Bộ.
 
Theo ông Hùng, kể từ khi nhà máy đi vào vận hành năm 2010, đây là lần hồ cạn nhất. Trong nhiều ngày của tháng 6, lưu lượng nước về hồ chỉ 25m3/s, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 137m3/s của các năm trước.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn