Bổ sung chính sách cho vợ hoặc chồng liệt sỹ tái giá
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo Pháp lệnh cơ bản giữ nguyên phạm vi điều chỉnh như Pháp lệnh hiện hành và quy định 3 đối tượng áp dụng: Người có công với cách mạng; thân nhân người có công với cách mạng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.
Dự thảo kế thừa 12 đối tượng người có công với cách mạng của Pháp lệnh hiện hành. Theo đó, dự thảo đã làm rõ hơn điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công với cách mạng đối với công dân Việt Nam đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, có công với cách mạng trên lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam (chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, trong xây dựng đất nước); người Việt Nam có công với cách mạng đang thường trú hoặc tạm trú nước ngoài; bổ sung vợ hoặc chồng liệt sỹ đã tái giá đủ điều kiện và đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định của Nghị định hiện hành.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, quá trình soạn thảo dự án Pháp lệnh, các nội dung sửa đổi đã cơ bản nhận được sự đồng thuận của bộ, ngành, địa phương và nhân dân. Một số nội dung cụ thể được Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này gồm: Chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học; bổ sung chế độ đối với vợ hoặc chồng liệt sỹ đã tái giá; công nhận liệt sỹ thời kỳ đất nước hòa bình (thời bình); công nhận bệnh binh thời kỳ đất nước hòa bình (thời bình).
Đối với bổ sung chế độ đối với vợ hoặc chồng liệt sỹ đã tái giá, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung chế độ bảo hiểm y tế, chưa mở thêm chế độ trợ cấp mai táng và chính sách ưu đãi khác như người có vợ hoặc chồng liệt sỹ không tái giá; nếu có cũng chỉ tập trung vào những người thuộc diện hộ nghèo, đơn thân không nơi nương tựa.
Về công nhận liệt sỹ thời kỳ đất nước hòa bình (thời bình), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo quy định hiện hành, người dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân mà bị chết được xem xét công nhận liệt sỹ.
Chính phủ sửa đổi dự thảo Pháp lệnh theo hướng chỉ xem xét đối với những trường hợp chết do có hành động đặc biệt dũng cảm thực hiện các công việc đặc biệt nguy hiểm, cấp bách, để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, nhân dân; là những tấm gương, có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục và lan tỏa rộng rãi trong xã hội.
Những trường hợp khác hướng chuyển sang khen thưởng theo pháp luật thi đua khen thưởng (Huy chương, Huân chương) và thực hiện trợ cấp mai táng hoặc hưởng chính sách tử tuất theo Luật Bảo hiểm xã hội.
Rà soát chặt chẽ
Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc sửa đổi Pháp lệnh và cho rằng, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng nhằm thể chế hóa quan điểm “thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công với nước,” “không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công” cần được coi là nhiệm vụ ưu tiên trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, ưu đãi người có công là công việc cần thiết, lâu dài, thể hiện sự tri ân với những người có công với cách mạng. Từ đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Ban soạn thảo có thể tính toán thêm để nâng pháp lệnh lên thành luật.
Mặt khác, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, hai chữ “cách mạng” không chỉ là nói đến giai đoạn giành độc lập dân tộc, kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, mà còn là trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ hiện nay.
“Giai đoạn hiện nay xuất hiện nhiều gương điển hình, vì vậy nên rà soát, tính toán mở rộng. Tại sao không đặt vấn đề những anh hùng trong thời kỳ đổi mới? Những tấm gương dũng cảm, đặc biệt dũng cảm cũng có thể được công nhận là liệt sỹ, thương binh,” Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Về chế độ, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý, cần rà soát chặt chẽ bởi đây không chỉ là trợ cấp mà còn là tôn vinh, tôn vinh không đúng sẽ có tác động ngược trở lại. Chính phủ phải tính toán nếu tăng, trong tương lai nguồn lực ngân sách đáp ứng như thế nào?
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu băn khoăn việc dự thảo Pháp lệnh không quy định điều chỉnh chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là người nước ngoài. Trong khi đó, Pháp lệnh hiện nay không phân biệt người trong nước hay người nước ngoài, ai có công với cách mạng sẽ được tôn vinh, khen thưởng, hưởng chế độ ưu đãi.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong dự thảo phải có một điều khoản về vấn đề này. “Có thể giao Chính phủ quy định để sau này có cơ sở thực hiện nhất quán chính sách, không bỏ quên ai. Ai có công với đất nước, với cách mạng Việt Nam đều được ưu đãi,” Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phân tích.
Đảm bảo Mẹ Việt Nam Anh hùng sống đàng hoàng, sống tốt
Liên quan đến chế độ trợ cấp Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, dự án Pháp lệnh giữ quy định hiện hành. Theo đó, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được hưởng các chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sỹ, trong đó có chế độ trợ cấp tuất hàng tháng.
Tuy nhiên, khoản 3 Điều 16 dự thảo Pháp lệnh quy định chế độ trợ cấp tuất hàng tháng đối với thân nhân liệt sỹ được sửa đổi theo hướng tính từng liệt sỹ chứ không bị giới hạn không quá mức của 3 liệt sỹ như quy định của Pháp lệnh hiện hành.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh chỉ rõ, theo quy định này, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng có một con duy nhất là liệt sỹ sẽ có khoảng cách lớn về trợ cấp tuất hàng tháng so với bà mẹ có từ hai con liệt sỹ trở lên.
Trước ngày Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực thi hành (1/9/2012), tất cả Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đều có chung một mức trợ cấp tuất hàng tháng.
Về vấn đề này, cơ quan thẩm tra đưa ra 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần trợ cấp tuất hàng tháng tính theo số liệt sỹ như dự thảo. Loại ý kiến thứ hai đề nghị trợ cấp tuất hàng tháng tính theo số liệt sỹ, song, mức tối thiểu bằng mức Bà mẹ Việt Nam Anh hùng có 2 thân nhân là liệt sỹ. Đa số ý kiến trong Ủy ban thống nhất loại ý kiến thứ hai.
Không chọn loại ý kiến nào, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, với Mẹ Việt Nam Anh hùng, phải trợ cấp để sống được chứ không phải đếm số con đã hy sinh để trợ cấp. "Một con hy sinh cũng đau đớn lắm, phải xem xét mức trợ cấp để các mẹ sống đàng hoàng, sống tốt," Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn