Các triệu chứng liên quan tới tình trạng bị khô miệng khi ngủ vào ban đêm có thể bao gồm:
- Nước bọt đặc hơn, dớt hơn
- Hơi thở có mùi hôi
- Vị giác thay đổi
- Có thể khó nhai hoặc nuốt hơn bình thường
- Đau họng
- Lưỡi xuất hiện các rãnh sâu (grooved tongue)
- Sâu răng.
Ngoài ra, nếu miệng tiết quá ít nước bọt cũng có thể thúc đẩy hình thành các mảng bám, bệnh tưa miệng và nhiệt miệng.
Theo Medical News Today, dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến có thể khiến một người thường xuyên bị khô miệng về đêm:
- Sự thay đổi tự nhiên trong việc sản xuất nước bọt
Theo một báo cáo trên tạp chí Compendium, tuyến nước bọt của một người sẽ tiết ra ít nước bọt hơn vào ban đêm và kết quả là họ có thể nhận thấy miệng bị khô hơn vào buổi tối.
Để giải quyết tình trạng này bác sĩ có thể kê các loại nước súc miệng có tác dụng giúp miệng ẩm hơn và giảm cảm giác khô miệng khi ngủ. Cân nhắc tới việc chuẩn bị thêm một cốc nước để ở cạnh giường ngủ, uống một ít nước cũng giúp bạn giảm khô miệng khi tỉnh dậy.
- Lão hóa
The WebMD, cứ 5 người thì có 1 người lớn tuổi thức dậy với cổ họng và miệng bị khô. Người lớn tuổi thường bị khô miệng khi ngủ vào ban đêm do tình trạng mất nước hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc.
Ngoài ra, chế độ ăn uống kém dinh dưỡng và các vấn đề sức khỏe có liên quan tới tuổi tác cũng có thể dẫn tới khô miệng khi ngủ.
- Tác dụng phụ của thuốc
Khô miệng cũng có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc, tình trạng này có thể nghiêm trọng hơn vào ban đêm. Các loại thuốc đó có thể là: thuốc hạ huyết áp, thuốc kháng histamine, thuốc chống trầm cảm, thuốc lợi tiểu, một số loại thuốc kiểm soát bệnh Parkinson, tác dụng phụ của hóa - xạ trị trong điều trị ung thư.
Điều cần làm là nói chuyện với bác sĩ về các triệu chứng bất thường mà bạn gặp phải khi uống thuốc. Bác sĩ sẽ xem xét tới việc giảm liều hoặc điều chỉnh thời gian uống sớm hơn. Để giảm chứng khô miệng do uống thuốc, bạn cũng nên thử uống thuốc với nhiều nước hơn, nhai thêm kẹo cao su để tăng tiết nước bọt, sử dụng mát tạo độ ẩm để giảm bớt cảm giác khô miệng khi ngủ.
- Chứng ngưng thở khi ngủ
Đây là chứng rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng đến khả năng thở đúng cách khi bạn ngủ. Những người bị chứng ngưng thở khi ngủ thường có xu hướng ngủ há miệng và điều này dễ dàng khiến một người bị khô miệng khi ngủ vào ban đêm kèm theo ngáy to.
- Thở bằng miệng khi ngủ
Tương tự, nếu bạn gặp phải bất kì tình trạng y tế nào khiến bản thân phải thở bằng miệng khi ngủ cũng có thể dẫn tới khô miệng khi thức dậy, chẳng hạn như bị tắc nghẽn mũi, hen suyễn, nhiễm trùng đường hô hấp trên, cảm lạnh, viêm mũi dị ứng,...
- Hội chứng Sjogren
Hội chứng Sjogren là một rối loạn tự miễn dịch khiến cơ thể tấn công tuyến nước mắt và tuyến sản xuất nước bọt. Người mắc hội chứng Sjogren thường cảm thấy khô miệng và nặng hơn vào ban đêm khi tuyến nước bọt giảm tiết vào ban đêm.
Ngoài khô miệng thì hội chứng Sjogren có thể gây ra các triệu chứng khác như khó nuốt thức ăn khi không uống nước, đau miệng, vấn đề về giọng nói vào ban đêm, khô mắt, khô mũi, khô họng hoặc khô âm đạo.
- Tổn thương thần kinh
Chấn thương hoặc các phẫu thuật ở vùng đầu - cổ đôi khi có thể dẫn tới các tổn thương dây thần kinh và điều này có thể vô tình ảnh hưởng tới khả năng tiết nước bọt của bạn.
- Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản
Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản là tình trạng khiến axit dạ dày chảy ngược vào thực quản và những người này thường bị khô miệng, khô họng và có thể cảm thấy như có vật gì đó mắc kẹt trong cổ họng.
Nằm ngủ có thể làm cho các triệu chứng trào ngược trở nên tồi tệ hơn, đây cũng là lý do tại sao người bị trào ngược dạ dày - thực quản có thể cảm thấy khô miệng và khô họng vào ban đêm và khi thức dậy. Để giảm nhẹ điều này, hãy tránh ăn ít nhất khoảng 4 giờ trước khi đi ngủ và kê gối cao khi nằm.
- Bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng tới cách mà cơ thể sản xuất nước bọt. Một vài trường hợp mắc bệnh tiểu đường có thể bị mất nước và khô miệng khi ngủ do đi tiểu nhiều hoặc do bị viêm hay kích ứng miệng.
Dưới đây là một số điều bạn có thể làm tại nhà để giảm nhẹ tình trạng khô miệng vào ban đêm:
- Uống đủ nước và tránh ăn quá nhiều thức ăn mặn, đặc biệt là vào bữa tối.
- Chuẩn bị một cốc nước cạnh giường phòng trường hợp bạn tỉnh dậy vào ban đêm và miệng bị khô.
- Theo dõi lượng caffeine mà cơ thể nạp vào trong ngày, nếu có thể hãy thử giảm lượng caffeine tiêu thụ bởi caffeine có thể khiến tình trạng khô miệng trở nên nghiêm trọng hơn.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng vào ban đêm để giữ độ ẩm trong không khí khi ngủ.
- Cố gắng thở có ý thức bằng mũi chứ không phải bằng miệng.
- Thử nhai kẹo cao su không đường hoặc ngậm kẹo không đường để tăng sản xuất nước bọt.
- Cân nhắc sử dụng các sản phẩm như kem đánh răng trị khô miệng, nước bọt nhân tạo hoặc các loại viên ngậm kích thích tiết nước bọt.
- Đánh răng hai lần mỗi ngày và sử dụng nước súc miệng, điều này giúp bạn vệ sinh răng miệng sạch sẽ hơn và tránh sâu răng, hôi miệng.
- Tránh sử dụng các loại nước súc miệng có chứa cồn bởi cồn có thể khiến khoang miệng bị khô và dễ kích ứng.
- Thận trọng khi sử dụng thuốc kháng histamine hoặc thuốc thông mũi không kê đơn.
- Tránh hút thuốc lá và uống rượu.
Về thuốc điều trị khô miệng khi ngủ vào ban đêm, tùy từng nguyên nhân mà bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc hay không.
Nếu các biện pháp tại nhà không giúp giảm nhẹ tình trạng khô miệng khi ngủ vào ban đêm, bạn cần thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác. Đặc biệt nếu:
- Tình trạng khô miệng không thuyên giảm kể cả khi sử dụng thuốc không kê đơn.
- Gặp khó khăn trong ăn uống, nhai nuốt.
- Vị giác bị thay đổi kéo dài.
- Sâu răng.
- Hôi miệng không khỏi.
- Lở miệng, nhiệt miệng.
- Khô mắt.
- Đi tiểu thường xuyên hơn bình thường.
- Chất lượng giấc ngủ bị ảnh hưởng.
Nhìn chung, thỉnh thoảng khô miệng khi ngủ vào ban đêm thường không phải là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, trừ khi tình trạng này xảy ra thường xuyên. Lúc này bạn cần thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn