Thủy điện Mã Đồ Sơn của Trung Quốc ảnh hưởng thế nào đến lũ trên sông Hồng?

20:16 | 21/08/2020;
Ngày 20/8, Trung Quốc đã tiến hành xả lũ nhà máy thủy điện Mã Đồ Sơn nằm trên địa bàn tỉnh Vân Nam. Theo Tổng cục Phòng, Chống thiên tai, khi Trung Quốc xả lũ ở hồ chứa nước Mã Đồ Sơn, các tỉnh ở Việt Nam bị ảnh hưởng đầu tiên là Lào Cai, Yên Bái.

Cụ thể, nhà máy thủy điện Mã Đồ Sơn đã tiến hành xả lũ từ 9 giờ sáng đến 17 giờ chiều ngày 20/8. Lý do xả lũ là do ảnh hưởng của bão, gây mưa lớn ở lưu vực sông Hồng phía Trung Quốc, khiến mực nước sông Hồng tại đây lên cao, buộc nhà máy thủy điện Mã Đồ Sơn phải xả lũ để bảo đảm an toàn hồ chứa của nhà máy này.

Nhà máy thủy điện Mã Đồ Sơn nằm ở đâu?

Nhà máy thủy điện Mã Đồ Sơn vốn là một đập trọng lực được xây dựng trên sông Nguyên (Nguyên giang) ở Trung Quốc. Sông này khi chảy vào Việt Nam được gọi là sông Hồng. Khu vực xây dựng Đập Mã Đồ Sơn thuộc về châu tự trị dân tộc Cáp Nê, Di Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Thủy điện Mã Đồ Sơn xả lũ ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam? - Ảnh 1.

Nhà máy thủy điện Mã Đồ Sơn nằm trên địa bàn tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Tên của con đập bắt nguồn từ ngôi làng Mã Đồ Sơn gần đó, nằm ở tả ngạn sông phía thượng lưu của con đập. Làng Mã Đồ Sơn thuộc khu vực hành chính của thị trấn Mạn Hảo (chỉ cách hạ lưu đập Mã Đồ Sơn vài km), thành phố Cá Cựu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Đập Mã Đồ Sơn có hồ chứa nước cách biên giới Việt Nam 105km. Hồ thủy điện này có tổng dung tích là 551 triệu mét khối. Mục đích chính của đập Mã Đồ Sơn là sản xuất thủy điện và công suất nhà máy thủy điện ở đây là 300 MW (công suất Thủy điện Hòa Bình là 1.920MW, tức là gần bằng 1/6 công suất Thủy điện Hòa Bình). 

Việc xây dựng đập Mã Đồ Sơn được bắt đầu vào năm 2007 và các máy phát điện của đập đã được đưa vào vận hành vào năm 2011.

Nguy cơ khi lũ chồng lũ

Dung tích của hồ chứa nước Mã Đồ Sơn dưới 1 tỷ mét khối nước, chỉ ở mức 551 triệu mét khối, nên lượng nước về Việt Nam sẽ không quá nhiều để có thể gây tác động mạnh. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ, chúng ta lại không biết trước Trung Quốc xả lũ khi nào, cũng như các thông số cụ thể của việc xã lũ và phải đối mặt với nguy cơ lũ chồng lũ.

Trong thời gian tới, tình hình mưa lũ ở Trung Quốc vẫn phức tạp thì việc xả lũ tương tự có thể sẽ lại diễn ra, ảnh hưởng tới các khu vực sông Đà, sông Hồng... của Việt Nam. 

Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, Chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khi Trung Quốc xả lũ ở hồ chứa nước Mã Đồ Sơn, các tỉnh ở Việt Nam bị ảnh hưởng đầu tiên sẽ là Lào Cai, Yên Bái.

Thủy điện Mã Đồ Sơn xả lũ ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam? - Ảnh 2.

Tình hình mưa lũ ở Trung Quốc vẫn rất phức tạp. Ảnh: Tân Hoa Xã

Hiện nay, theo quy chế phối hợp giữa Việt Nam và Trung Quốc, 5 trạm quan trắc đặt bên Trung Quốc sẽ thông tin liên tục 3 lần/ngày để chúng ta nắm bắt và lên các phương án xử lý tình huống. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó, Phó Văn Phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống Thiên tai, 5 trạm này mới đáp ứng được những thông tin ở mức vừa phải.

Hiện, Việt Nam và Trung Quốc đang có những bàn bạc để nâng mức hợp tác một cách sâu rộng hơn nữa. Hy vọng trong thời gian tới chúng ta sẽ có thêm những thông tin để chủ động hơn trong việc thực hiện các biện pháp ứng phó.

Thủy điện Mã Đồ Sơn của Trung Quốc ảnh hưởng thế nào đến lũ trên sông Hồng? - Ảnh 3.

Hình ảnh lũ trên thượng nguồn sông Hồng ở thành phố Lào Cai lúc 8h sáng ngày 21/8. Ảnh: Phạm Ngọc Triển/Báo Dân trí

 

Gia cố hệ thống đê điều

Đê điều luôn đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống thiên tai. Hiện nay, Việt Nam có tổng số 9.080km đê (đê sông, đê cửa sông 6.890km; đê biển: 1.150km), trên 2.700 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt có nhiệm vụ bảo vệ diện tích lớn, dân số tập trung đông và nhiều khu vực trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng tập trung ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Các tuyến đê từ cấp III trở lên còn 399km đê thiếu cao trình; 683km đê mặt cắt còn nhỏ; 160km đê thường bị đùn sủi, thẩm lậu; 482 cống cũ, hư hỏng; 158km kè sạt lở, hư hỏng. 230 trọng điểm xung yếu, cần đặc biệt chú ý trong mùa lũ, bão. Trong đó, cần đặc biệt chú ý các cống lớn, đã từng xảy ra sự cố như: cống Cẩm Đình (K1+700 đê Vân Cốc, Hà Nội), cống Liên Mạc (K53+450 đê hữu Hồng, Hà Nội), cống Tắc Giang (K129+452 đê hữu Hồng, Hà Nam).

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống Thiên tai, do ảnh hưởng của bão số 4 và các đợt mưa lớn từ 16-21/8, thủy điện Mã Đồ Sơn của Trung Quốc xả lũ vào ngày 20/8, mực nước lũ sông Thao tại Yên Bái đã lên trên BĐ3, đạt đỉnh ở mức 33,01 (trên BĐ3: 1,01m, lúc 19h/19/8), tại Phú Thọ lên trên BĐ1 và đạt đỉnh ở mức: 17,52m (trên BĐ1: 0,02m, lúc 7h/20/8); mực nước sông Hồng tại Hà Nội đang lên (13h ngày 21/8 ở mức 5,72m); mực nước sông Văn Úc tại TTV Trung Trang lên trên BĐ1: 0,06m (lúc 19h/20/8); mực nước sông Trà Lý tại TTV Quyết Chiến lên trên BĐ1: 0,31m lúc 19h/20/8.

Để ứng phó hiệu quả với tình hình thời tiết phức tạp như hiện nay, các địa phương cần tổ chức lực lượng và nghiêm túc thực hiện việc tuần tra, canh gác bảo vệ hệ thống đê điều theo đúng quy định. Kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm để điều xung yếu theo phương châm 4 tại chỗ.

Tập trung xử lý dứt điểm các sự cố đê điều đã xảy ra (hiện trên tuyến đê sông Thao, tỉnh Phú Thọ đã xuất hiện một số sự cố do mưa, lũ). Tăng cường rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn