Indonesia đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nhựa nghiêm trọng khi mà quân đội đã được huy động để giúp đỡ. Nhà nghiên cứu Mỹ Jenna Jambeck cùng các đồng nghiệp cho biết, Indonesia là nước xả nhiều chất thải nhựa ra biển thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong khi công chúng hiện chỉ chú ý tới các loại rác thải có thể nhìn thấy bằng mắt thường như túi, chai nhựa mắc kẹt tại các con sông, kênh rạch, thì các nhà khoa học đang chuyển hướng quan tâm sang những tác động lâu dài của những mảnh nhựa nhỏ hơn, không thể nhìn thấy, cụ thể là các hạt nhựa.
Nhà khoa học thực phẩm Inneke Hantoro, đến từ Đại học Công giáo Soegijapranata, đã thực hiện một nghiên cứu tại thành phố cảng công nghiệp Semarang, phía bắc đảo Java của Indonesia nhằm trả lời các câu hỏi: Mức độ nhiễm hạt nhựa của thủy sản tại đây như thế nào? Người tiêu dùng đã tiêu thụ bao nhiêu hạt nhựa? Giới hạn an toàn trong việc tiêu thụ các hạt nhựa là bao nhiêu?
Bà Hantoro cho biết, hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy việc tiêu thụ thực phẩm có chứa hạt nhựa gây hại đến sức khỏe nhưng cũng không thể loại trừ các tác động tiềm ẩn và trì hoãn việc điều tra rủi ro. Cho đến khi có nhiều dữ liệu hơn thì rất khó để thiết lập một tiêu chuẩn an toàn cho việc tiêu thụ các sản phẩm nhiễm nhựa. Vì vậy bà hy vọng, nghiên cứu của mình sẽ tìm ra “hướng dẫn tạm thời”.
“Chúng tôi có thể đề xuất một tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nhằm loại bỏ hải sản có chứa hàm lượng hạt nhựa quá cao ra khỏi thị trường. Bởi chắc chắc không ai muốn mua bất kỳ loại thực phẩm nào chứa nhựa”, bà Hantoro nói thêm.
Trong giai đoạn đầu tiên của nghiên cứu, bà Hantoro đã thu thập 450 mẫu của 6 loại hải sản khác nhau từ các vùng biển địa phương, cũng như từ các khu vực xa hơn và sàng lọc chúng.
Kết quả sàng lọc cho thấy, tất cả các loại thủy hải sản được thử nghiệm đều chứa hạt nhựa. Trong đó, nghiêm trọng nhất là cá rô phi với 85% số mẫu chứa hạt nhựa và nhẹ nhất là sò với 52% số mẫu nhiễm nhựa.
Điều đáng nói hơn là những nghiên cứu tương tự tại Anh cũng cho kết quả như trên. Điều đó chứng tỏ thủy hải sản ô nhiễm nhựa là một vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm.
Ở giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu trên, bà Hantoro sẽ tiến hành theo dõi chế độ ăn của 2.000 tình nguyện viên trong khoảng thời gian từ 2 đến 4 tuần. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của giai đoạn này là tìm hiểu cách mọi người xử lý thực phẩm và liệu họ có thực hiện bất kỳ bước nào nhằm giảm thiểu nhựa trong thực phẩm hay không. Bởi lẽ có rất nhiều loại hải sản có thể ăn toàn bộ, chẳng hạn như cá sữa, người dân thường ăn cả ruột cá, nơi có khả năng tích lũy lượng lớn hạt nhựa.
Tuy nhiên, một đồng tác giả của nghiên cứu trên, nhà khoa học môi trường Hà Lan, Giáo sư Ad Ragas, thuộc Đại học Radboud, cũng cho rằng, trước khi có kết luận chính thức, người dân không nên quá bi quan trước những nguy cơ sức khỏe từ thủy hải sản nhiễm nhựa.