Mỗi đứa trẻ một câu chuyện… lặng người
Người phụ nữ đó lập gia đình, sinh con muộn, đứa trẻ 8 tuổi chưa biết nói, ngay cả chuyện đi vệ sinh cũng không thể tự chủ. Chuyện ăn uống đơn giản hàng ngày cũng cần đến bàn tay mẹ chăm sóc. “Hàng ngày, thằng bé thường xuyên đập đầu vào tường, trán đầy những vết chai”- Nhị kể với giọng xót xa.
Không chỉ hình ảnh người đàn bà dắt tay đứa bé 8 tuổi đến cầu cứu ám ảnh Nhị, mà còn có những người đưa con đi 12 năm đằng đẵng ở khắp các thành phố lớn trên đất nước Việt Nam mà con vẫn “dậm chân tại chỗ”. Bố mẹ của đứa trẻ đều là trí thức, nhưng lại mất quá nhiều thời gian cho đứa trẻ 12 năm phải đi can thiệp mà bây giờ vẫn không có khả năng ngôn ngữ, đôi khi không kiểm soát được hành vi- sẵn sàng đáp trả mẹ ngay tại trung tâm thương mại. Thậm chí lần đầu tiên đến gặp giáo viên, đứa trẻ còn đấm cô một phát đau điếng người, vì hiện tại mới 14 tuổi nhưng cậu bé nặng gần 80kg.
Dù học 4 năm ở khoa Giáo dục đặc biệt, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, sau này học tiếp thạc sĩ, tiếp xúc với trẻ khuyết tật, tự kỷ với nhiều hành trình trải nghiệm ở các trung tâm, trang trại trên khắp cả nước, nhưng mỗi lần gặp những đứa trẻ mặt mũi đờ đẫn, ánh mắt vô hồn, Nhị vẫn thấy lòng đau nhói. “Tôi còn đau lòng khi các nơi xua tay từ chối trẻ vì đã quá tuổi can thiệp, bố mẹ bé mới tìm đến mình, coi mình như tia hy vọng cuối cùng của gia đình họ”.
Biết đã qua giai đoạn vàng, cơ hội có thể giúp trẻ không nhiều, nhưng Nhị chưa bao giờ từ chối những đứa trẻ đến với cơ sở giáo dục chuyên biệt Bình Minh. Đứa trẻ 14 tuổi, sẵn sàng đấm giáo viên trong lần đầu gặp mặt, giờ đã gắn bó với cơ sở của Nhị được 1 năm. Ngay cả việc kiểm soát được em này cũng là bài toán vô cùng khó. Bằng sự yêu thương Nhị và các giáo viên đã giúp trẻ thuần tính hơn qua các bài tập yoga, hoạt động tích cực. “Gặp đứa trẻ này, tôi đã nghĩ không biết sẽ giúp em kiểu gì, bởi tìm được ngôn ngữ cho đứa trẻ là câu chuyện khó, nhưng tôi không muốn từ bỏ, còn nước còn tát”.
Đây là công việc cần rất nhiều tình yêu thương để giáo viên có thể trụ được với nghề bởi rất có thể trẻ đang hiền lành bỗng lấy đồ phang thẳng vào đầu cô giáo. Nhưng từng chút một, cơ sở Bình Minh muốn tạo cho trẻ môi trường an toàn. “Chúng tôi tôn trọng cách chơi riêng, dù đặc biệt của trẻ để có thể làm bạn và chơi cùng trẻ”, Nhị chia sẻ.
Ở cơ sở Bình Minh có nhiều trẻ khuyết tật trí tuệ, khuyết tật ngôn ngữ, rối loạn phổ tự kỷ, tăng động... Có những trẻ được chăm sóc, giáo dục miễn phí hoàn toàn bởi gia đình đã hoàn toàn khánh kiệt vì chạy chữa cho con suốt nhiều năm. Họ về lại Bắc Ninh khi đã quá nghèo, phải thuê trọ. Hay có gia đình cả hai con cùng bị, đứa trẻ thứ hai cũng được miễn phí hoàn toàn… Dù cơ sở phải tự hạch toán hoàn toàn, khó khăn chồng chất, nhưng Nhị vẫn muốn chia sẻ phần nào khó khăn với các gia đình. Nhị mồ côi mẹ từ nhỏ và đã lớn lên bằng rất nhiều yêu thương từ những người sống quanh cô… nên với Nhị, hết lòng với công việc hiện tại cũng là cách cô trả nghĩa với đời.
Từ chỗ chỉ có 8 học sinh (tháng 6/2016), đến tháng 11/2018, cơ sở chuyên biệt hiện có 62 trẻ theo học, với 16 giáo viên. Nhu cầu của phụ huynh ngày một đông, ai cũng muốn con nhanh chóng được can thiệp. Suốt 3 năm qua, Nhị đã trực tiếp hỗ trợ gần 200 trẻ (đến từ Lạng Sơn, Hòa Bình, Hạ Long…) và trong số đó đã có hơn 60 trẻ đã và đang học mầm non, tiểu học tại Bắc Ninh. “Đây là động lực lớn để tôi tiếp tục bền bỉ với hành trình mình đã chọn”, Nhị tâm sự.
Cha mẹ đừng thờ ơ
Không chỉ chăm sóc trẻ, Nhị còn là người hỗ trợ tích cực cho các phụ huynh. Có ngày, Nhị bắt đầu tư vấn từ 7h15 đến 19 giờ vẫn có phụ huynh ngồi chờ. Nhiều phụ huynh đùa ngỡ Nhị là siêu nhân bởi dù thời gian đã muộn, Nhị vẫn nhẹ nhàng với nụ cười như bông hoa gió trao gọn vào trái tim mỗi người mà cô tiếp xúc.
Theo thống kê, đã có gần 300 ông bố, bà mẹ vượt qua rào cản tâm lý khi khánh kiệt về tâm lý, sức lực nhận được sự hỗ trợ. Cơ sở chuyên biệt Bình Minh cũng tổ chức 14 đợt tập huấn trên toàn quốc; tạo thuận lợi cho các mẹ có hoàn cảnh khó khăn, công nhân lao động… khi hỗ trợ từ 30 đến 100% học phí; tặng 100% học bổng cho các gia đình khó khăn. Ngoài ra, Nhị còn tổ chức tập huấn miễn phí hoàn toàn trong 3 tháng cho 15 gia đình có trẻ khuyết tật trí tuệ.
Từ thực tế tiếp xúc với nhiều cha mẹ có con “đặc biệt”, Nhị xếp các phụ huynh thành 3 nhóm: Nhóm 1 là cha mẹ có con khuyết tật có nhận thức hạn chế bởi vì chính họ không vượt qua được rào cản tâm lý, có những người còn không chấp nhận là con mình khuyết tật, tự kỷ, họ cố kéo dài thời gian để chờ đợi với ý nghĩ “biết đâu không phải thế”. Giai đoạn vàng can thiệp cho con qua rồi, họ lại ân hận. “Đáng buồn khi nhiều phụ huynh là dân trí thức”. Nông dân thường để con 4-5 tuổi, thậm chí 6-7 tuổi mới tìm cô.
Nhóm thứ hai là những phụ huynh biết chấp nhận nhưng lại không chịu tìm hiểu bổ sung kiến thức, không chủ động đưa con đi thăm khám. Không điều tra xem nơi gửi con có uy tín, kinh nghiệm, phù hợp với con không? Con thuộc dạng khuyết tật gì cũng không biết. “Khi không được đánh giá chuẩn, nhận định sai thì can thiệp chông chênh, hồi kết sẽ đắng lắm”.
Thứ 3 là nhóm cha mẹ tích cực, chịu khó tìm hiểu, tra thông tin, hỏi khắp nơi. Sẵn sàng đồng hành cùng giáo viên. “Trong số 62 học trò đang theo học, cha mẹ tích cực chiếm khoảng 50%”.
Nhị kể, cô đã thăm quan gần 30 mô hình chuyên biệt ở Việt Nam và nhận thấy chưa có môi trường thực thụ dành cho trẻ khuyết tật, tự kỷ. “Bầu khí dành cho các bé rất quan trọng, chỉ cần môi trường an yên, trẻ sẽ thích nghi và phát triển được. Bên cạnh đó, là các giáo viên phải thật sự yêu các con”. Tình trạng bạo lực với trẻ ở Việt Nam còn nhiều cũng là lý do khiến cô giáo 9x đau đáu nỗi lo.
Nhị cũng chia sẻ, phương pháp giáo dục Montessori tưởng như 1 mô hình cho con nhà giàu nhưng thực ra phương pháp này sẽ vô cùng hiệu quả với trẻ khuyết tật. Tôi ước mong có thể áp dụng phổ biến phương pháp này cho trẻ khuyết tật, tự kỷ và trong tương lai có thể mở một nông trại nhỏ cho các bé.
“Khó khăn thì nhiều lắm, nhưng tôi nghĩ không nên nói nhiều mà hãy hành động, giống như hoa thơm sẽ tự tỏa hương, không cần đánh trống thật to. Rào cản ngôn ngữ không trở thành vấn đề khi yêu thương vượt mọi khoảng cách”, Nhị khẳng định.
Cơ sở chuyên biệt Bình Minh can thiệp sớm cho đối tượng khuyết tật trí tuệ, khuyết tật ngôn ngữ, rối loạn phổ tự kỷ, khiếm thính, tăng động giảm chú ý… từ 18 tháng đến 6 tuổi; can thiệp phục hồi chức năng cho trẻ từ 6 đến 13 tuổi và định hướng, dạy nghề cho trẻ từ 13 đến 15 tuổi. |