Có rất nhiều điều trong cuộc sống, từ những điều lớn lao nhất, cho đến những điều đơn giản và nhỏ bé nhất đều có thể khiến chúng ta cảm thấy lạc quan và vui vẻ. Từ một cuốn sách hay và một tách trà ấm, hoặc khoảng thời gian bên bạn bè, hay một giấc ngủ nướng vào sáng Chủ nhật cũng có thể khiến bạn thấy vui vẻ.
Những rung cảm và năng lượng tích cực khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn về bản thân mình và giúp chúng ta vượt qua được những thăng trầm trong cuộc sống. Hạnh phúc là một điều tuyệt vời để theo đuổi, nhưng khi bạn cố gắng quá mức, tích cực quá mức, nó có thể trở nên khá tai hại.
Khi bạn chỉ tập trung vào sự tích cực và duy trì sự tích cực trong cuộc sống của mình, thì nó sẽ trở thành sự tích cực độc hại.
"Hãy lạc quan lên!"
"Hãy vui lên!"
"Tích cực lên nào!"
"Chỉ đón nhận những rung cảm tích cực thôi!"
Mặc dù nghe có vẻ tốt, những những cụm từ này lại thể hiện sự quá mức của trạng thái lạc quan. Và tất nhiên, cái gì quá thì đều không tốt!
Sự tích cực độc hại dẫn đến việc giảm thiểu, phủ nhận và thậm chí làm mất tác dụng của những trải nghiệm thật của một người ở cấp độ cảm xúc và tinh thần. Đó là khi bạn chỉ tập trung vào những suy nghĩ tích cực và tránh tất cả mọi cảm xúc tiêu cực.
Hiểu rõ sự tích cực lành mạnh và sự tích cực độc hại là rất quan trọng. Khi bạn lạm dụng sự tích cực để "trói" những cảm xúc mà bạn đang thực sự cảm thấy bên trong mình, bạn đang làm hại chính bản thân. Bằng cách không thừa nhận những cảm xúc khó khăn, bạn đang kìm nén chúng và khiến chúng ngày một lớn hơn.
Chúng ta, là con người, và chẳng có ai là hoàn hảo. Chúng ta cảm thấy buồn bã, căng thẳng, lo âu, bực bội, tức giận, tham lam và ghen tỵ. Đó là điều bình thường.
Nhưng khi bạn chỉ đón nhận những rung cảm tích cực, bạn đang tự phủ nhận đi những trải nghiệm cảm xúc của bản thân. Và những cảm xúc không được xử lý đúng cách sẽ lớn dần lên, không sớm thì muộn, bạn sẽ tan vỡ và phải trải qua những cảm xúc không thể kiểm soát được.
Nếu bạn đang tự hỏi liệu mình có đang tích cực độc hại hay không, hãy kiểm tra những dấu hiệu này:
- Bạn bỏ qua hoặc che giấu cảm xúc thật của mình.
- Bạn cảm thấy xấu hổ hoặc tội lỗi vì những cảm xúc thật mà bạn thực sự cảm thấy.
- Bạn buộc bản thân phải tiến lên bằng cách gạt bỏ những cảm xúc tiêu cực.
- Bạn khuyến khích người khác tích cực lên.
- Chỉ trích hoặc chế giễu người khác vì những cảm xúc buồn, thất vọng hay đau khổ.
- Xem nhẹ cảm xúc của người khác.
- Không để lại bất kỳ khoảng trống nào cho bản thân thừa nhận hay trải qua nỗi đau.
- Có thái độ giả tạo.
- Tránh những cảm giác có thể làm ảnh hưởng hay làm phiền đến cảm xúc của bạn.
Ép bản thân vui vẻ và tạo áp lực để bản thân luôn lạc quan, dù là ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, có thể dẫn đến những bất hạnh.
Theo Brock Bastian, một nhà tâm lý học xã hội tại Melbourne, sự tích cực giả tạo có thể thay đổi cách một cá nhân quản lý những trải nghiệm và cảm xúc tiêu cực, và điều này có thể khiến họ cảm thấy tồi tệ hơn. Khi chúng ta coi trọng hạnh phúc quá mức và buộc bản thân phải trở nên hạnh phúc, có nghĩa là chúng ta đang nhận thức sai lầm về những trải nghiệm và cảm xúc tiêu cực của mình.
Hạnh phúc không chỉ là những trải nghiệm vui vẻ, thỏa mãn và tránh xa những điều tiêu cực. Hạnh phúc là những trải nghiệm sâu sắc, có giá trị và ý nghĩa mang đến đầy đủ cung bậc cảm xúc của con người.
Tùy thuộc vào bối cảnh, mọi cảm xúc đều có thể được coi là tích cực hay tiêu cực, cho dù bạn đang hài lòng hay đau khổ.
Nhà tâm lý học Brock Bastian tin rằng, việc chấp nhận những cảm xúc lộn xộn sẽ khiến cho sức khỏe tinh thần của bạn được cải thiện. Sự thật là cuộc sống sẽ luôn chứa đầy những thử thách, trở ngại và khó khăn nếu như chúng ta muốn đi đến thành công, hạnh phúc và sự thỏa mãn.
1. Khiến bản thân xấu hổ và tội lỗi
Xấu hổ và tội lỗi là những cảm giác vô cùng khó chịu và có thể làm tê liệt đáng kể sức khỏe tinh thần và cảm xúc của bạn. Việc ép bản thân trở nên tích cực khiến bạn cố kìm nén cảm xúc của mình và im lặng về những gì bạn đang đấu tranh trong nội tâm. Không ai trong chúng ta muốn mình trông yếu đuối, vì vậy chúng ta luôn giả vờ rằng cuộc sống của mình đang hoàn toàn tốt đẹp. Nhưng khi chúng ta phủ nhận và che giấu cảm xúc của mình, sự xấu hổ sẽ được nuôi dưỡng và nó chỉ khiến bạn yếu đuối thêm mà thôi.
2. Ngăn chặn cảm xúc thực sự
Việc phủ nhận và che giấu cảm xúc của bạn có thể gây thêm căng thẳng và lo âu. Thực tế là việc thể hiện cảm xúc qua lời nói hoặc thái độ có thể cho phép chúng ta kiểm soát sức khỏe tinh thần của mình tốt hơn. Nó giúp bạn có thể giải phóng được sự tiêu cực và tỉnh táo hơn.
3. Bị cô lập và khó tiếp cận
Khi bạn phủ nhận cảm xúc của mình, bạn trở nên giả tạo với bản thân và cả những người xung quanh. Bạn không còn kết nối được với nội tâm của mình và mất kết nối với những mối quan hệ thân thiết vì thiếu sự đồng cảm, sẻ chia.
Cho dù là bạn là người tích cực độc hại hay nhận được điều đó từ người khác, bước đầu tiên để đối phó với nó là nhận thức. Khi bạn nhận ra mình đang có những suy nghĩ tích cực độc hại, bạn có thể vượt qua nó bằng cách thừa nhận sự thật và cảm xúc của mình.
Chấp nhận cảm xúc và suy nghĩ của mình có nghĩ là quan sát những cảm giác không thoải mái và nhận ra rằng đó là một phần của cuộc sống. Không có lý do gì để chúng ta phủ nhận, sợ hãi hay chống lại chúng. Chúng ta chỉ cần thừa nhận và chấp nhận những cảm xúc của mình cho dù nó có tốt, xấu hay khó chịu thế nào.
Tất cả mọi cảm xúc của bạn đều cần sự quan tâm của bạn. Khi bạn chấp nhận và xác thực được cảm xúc của mình, bạn sẽ nâng cao khả năng đối mặt với thực tế. Chấp nhận con người thật của mình cho phép bạn có ý thức hơn về mặt tâm lý, tình cảm và tinh thần, đồng thời tiếp thêm sức mạnh để bạn xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính mình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn