Văn hóa ăn uống, cúng bái ngày Tết khiến bàn ăn lúc nào cũng đầy ắp. Trong khi đó, các món ăn dịp Tết thường được chế biến cầu kỳ, toàn “sơn hào hải vị” nên ăn không hết cũng khó lòng mà vứt bỏ. Cứ như vậy, tủ lạnh gia đình nào cũng chật kín đồ ăn thừa từ ngày này qua ngày khác.
Ảnh minh họa
Cùng tâm lý tiếc rẻ này, một người đàn ông ngoài 30 tuổi sống tại Giang Tây, Trung Quốc đã suýt mất mạng sau khi ăn đồ ăn thừa dịp Tết. Bác sĩ Khâu Cát là người trực tiếp điều trị cho anh, ông hiện đang là Trưởng khoa Tiêu hóa thuộc Bệnh viện Y học cổ truyền và Tây y tổng hợp tỉnh Giang Tây.
Theo lời kể của bác sĩ Khâu, vào nửa đêm ngày 24 tháng 1 (nhằm mùng 3 Tết) thì anh này nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội, nôn mửa nhiều và thậm chí nôn ra máu. Sau khi thăm khám xác định nguyên nhân ban đầu là do bị ngộ độc thực phẩm.
Người nhà bệnh nhân cho biết, dịp Tết vừa qua gia đình thường nấu nướng “mâm cao cỗ đầy” để cúng bái và mời khách 2 bữa một ngày. Do vậy nên lượng đồ ăn thừa tích trữ trong tủ lạnh ngày một nhiều. Bệnh nhân vốn có tính tiết kiệm nên ngay cả khi tủ lạnh chật kín, không có chỗ để thêm cũng không cho vứt bỏ. Cứ như vậy, anh ta ngày này qua ngày khác ăn lại đồ ăn thừa từ bữa trước.
Tối ngày 24 tháng 1, những người khác trong gia đình tới thăm một người họ hàng và được mời ở lại ăn tối. Bệnh nhân không đi cùng nên được dặn ở nhà tiếp khách đến chơi và tự lo cơm nước. Tuy nhiên, anh quyết định không nấu nướng mà chỉ ăn đồ ăn thừa trong tủ lạnh để bớt lãng phí. Anh cũng chỉ hâm nóng lại một vài món nhiều dầu mỡ hoặc món canh ở nhiệt độ vừa phải, còn các món rau và thịt cá thì chỉ để bớt lạnh rồi ăn. Bởi vì anh cho rằng hâm nhiều lần sẽ làm giảm dinh dưỡng của thức ăn.
Ăn xong khoảng 30 phút, anh bắt đầu thấy bụng âm ỉ khó chịu. Hai tiếng sau, anh lên cơn đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy và chóng mặt. Lúc đầu, anh chỉ nôn ra thức ăn nên cũng chỉ uống thuốc tiêu hóa, điện giải rồi lên giường nằm nghỉ. Sau đó, cơn đau bụng của anh trở nên dữ dội và nôn ra máu khiến người nhà sợ ‘xanh mặt”, lập tức gọi xe cấp cứu đưa anh đến bệnh viện giữa đêm mùng 3 Tết.
Kết quả kiểm tra tại bệnh viện cho thấy bệnh nhân đã ăn phải đồ ăn thừa bị hư hỏng, nhiễm khuẩn. Dẫn tới bị viêm dạ dày ruột cấp tính, gây nôn mửa dữ dội và khiến niêm mạc tim bị rách, chảy máu ồ ạt trong đường tiêu hóa.
Đồ ăn thừa mà bảo quản hoặc hâm nóng sai cách đều có thể gây hại cho sức khỏe (Ảnh minh họa)
May mắn là được cấp cứu kịp thời nên anh ta đã qua cơn nguy kịch. Hiện tại đang nằm điều trị tích cực tại Khoa Tiêu hóa thuộc Bệnh viện Y học cổ truyền và Tây y tổng hợp tỉnh Giang Tây.
Bác sĩ Khâu Cát cho biết, ngộ độc thực phẩm, viêm dạ dày ruột là những vấn đề sức khỏe cực kỳ phổ biến mỗi dịp lễ, Tết. Ngoài nam bệnh nhân vừa kể trên, bệnh viện của ông đã phải tiếp nhận ít nhất 10 trường hợp ngộ độc sau khi ăn đồ ăn thừa vào dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão vừa qua.
Ông nhắc nhở, tiết kiệm là đức tính tốt tuy nhiên phải đúng cách. Thay vì ăn đồ ăn thừa, chúng ta nên học cách cắt giảm các món ăn không cần thiết, chỉ nấu nướng vừa đủ và hạn chế các món không thể để qua đêm.
Theo ông, có 8 món ăn tuyệt đối không nên để qua đêm bao gồm: rau xanh, nấm, cá, hải sản, đậu phụ, trứng (nhất là trứng luộc), salad hoặc các món nộm, các món canh. Bởi vì chúng không chỉ bị thay đổi hương vị, mất chất dinh dưỡng mà còn là môi trường cho vi khuẩn phát triển, lên men, chuyển hóa thành các chất không tốt cho cơ thể. Từ đó gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc, thậm chí gây nguy hiểm tính mạng.
Ví dụ như trường hợp người đàn ông kể trên, anh ta đã ăn rất nhiều rau xanh để nhiều ngày trong tủ lạnh. Trong khi đó, rau xanh lá có hàm lượng nitrat rất cao. Khi để qua đêm sẽ sản sinh ra nitrit, là 1 chất đã được WHO công nhận là có khả năng gây ung thư. Đồng thời, rau xanh cũng rất giàu Folate, khi để lâu hoặc hâm nóng nhiều lần sẽ biến chất, gây ngộ độc cho cơ thể. Vì vậy, chỉ nên ăn rau xanh trong vòng 4 - 6 giờ sau khi chế biến và tuyệt đối không giữ lại để qua đêm dù là bọc kín bảo quản trong tủ lạnh.
Bác sĩ Khâu nhắc nhở, nếu muốn ăn đồ ăn thừa, trước hết chúng ta phải bảo quản đúng cách. Đầu tiên là cho vào hộp kín và đặt trong ngăn mát tủ lạnh, không đặt chung hoặc đặt gần thực phẩm sống. Tiếp theo, nên nhớ các quy tắc về thời gian bảo quản với từng loại thực phẩm. Ví dụ như với nộm và salad thì không ăn sau khi để quá 6 tiếng. Thời gian này là 8 tiếng với rau xanh, trứng, đậu phụ, nấm. Các món canh, hải sản có thể bảo quản trong tủ lạnh và ăn được trong vòng 10 - 12 giờ. Các món như thịt, cá thì tối đa là 16 tiếng.
Cuối cùng, trước khi ăn cần kiểm tra xem đồ ăn thừa có bị ôi thiu, hư hỏng hay có gì bất thường không. Nếu không có, hãy hâm nóng lại ở nhiệt độ trên 100 độ C rồi mới ăn. Cũng chỉ nên hâm nóng lại một lần duy nhất, nếu ăn không hết thì bỏ đi chứ tuyệt đối đừng hâm nóng nhiều lần kẻo tự rước bệnh tật vào thân.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn