Tiêm cồn Ethanol trị u giáp đa nhân lớn, tránh phẫu thuật

17:54 | 22/10/2018;
U giáp là bệnh hay gặp, đặc biệt là ở phụ nữ. Để điều trị hiệu quả căn bệnh này, BV Nội tiết Trung ương đã sử dụng biện pháp tiêm cồn mà không cần phẫu thuật.
photo1506070398951-1506070399453-0-0-255-411-crop-1506070454288.jpg
Ảnh minh họa

 

Từ đầu năm 2018 đến nay, tại khoa Bệnh lý tuyến giáp, BV Nội tiết Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 400 ca u nang tuyến giáp. Trong đó đa phần là bệnh nhân nữ, nhiều ca có khối u lớn, quá trình điều trị lâu dài.
 
Anh H. 42 tuổi, sinh sống tại huyện Nậm Bồ, tỉnh Điện Biên phát hiện vùng cổ của mình có dấu hiệu to lên bất thường. Anh H. có tới bệnh viện tỉnh Điện Biên khám. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán anh mắc bướu cổ và cho đơn thuốc về điều trị tại nhà.
 
 
Tuy nhiên bệnh không đỡ, vùng cổ có dấu hiệu ngày càng sưng to. Thời gian gần nửa năm trở lại đây, anh H. luôn trong tình trạng khó chịu, ban đầu chỉ cảm thấy hơi khó thở, nuốt khó nhưng về sau hiện tượng khó thở tăng lên, đặc biệt là vào ban đêm. Có những hôm anh H. gần như thức trắng đêm do sự chèn ép của khối u nang vùng cổ. Không chỉ gây cảm giác khó thở, việc ăn uống cũng luôn khiến anh cảm thấy khó khăn hơn trước.
 
Khoảng 3 tháng trước, anh H. có đi khám tại bệnh viện tỉnh Điện Biên và được chẩn đoán nang lớn thùy trái tuyến giáp, đã hút hơn 70ml dịch nhưng sau vài ngày vùng cổ của anh lại to trở lại, tức vướng, nuốt nghẹn, vùng đầu sau gáy đau nhức, cơ thể mệt mỏi. Anh được chuyển đến khoa Bệnh lý Tuyến giáp, BV Nội tiết Trung ương.
 
Kết quả khám cho thấy, tuyến giáp bên trái của anh to, có nhân di động, mật độ mềm, không đau; siêu âm thấy kích thước nhân 63x35mm. Hiện anh H. được xử trí bằng phương pháp hút dịch và tiêm Ethanol tuyệt đối qua da dưới hướng dẫn siêu âm.
 
Theo ThS Lê Thị Việt Hà, Trưởng khoa Bệnh lý Tuyến giáp, BV Nội tiết Trung ương, từ đầu năm đến nay tại khoa tiếp nhận khoảng 200 ca bệnh bướu giáp nhân giống như trường hợp của anh H. Điều đó cho thấy số lượng bệnh nhân mắc u nang giáp, bướu nhân tuyến giáp khá cao. Nhiều trường hợp khi nhập viện khối u đã quá lớn và bắt buộc phải tiến hành thủ thuật hút dịch kèm điều trị hỗ trợ nhiều lần để làm giảm sự phát triển của khối u nang.
 
Sau tiêm cồn, khối u sẽ nhỏ lại
ThS Hà cho biết, đến nay nguyên nhân gây ra nang giáp chưa rõ ràng. Người trên 60 tuổi, phụ nữ, người viêm giáp mạn tính gây suy giáp; thiếu i-ốt... có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
anh-suy-giap.jpg
Cán bộ y tế thực hiện hút dịch từ khối u, sau đó sẽ tiêm cồn để điều trị nang giáp cho bệnh nhân

 

Đối với trường hợp nang giáp thì phương pháp điều trị tốt nhất là tiêm cồn hoặc điều trị bằng sóng cao tần. Có khá nhiều quan niệm cho rằng, dùng thuốc hormone giáp có thể khiến khối u nhỏ đi nhưng thực tế thì chỉ khoảng 20% trong số đó giảm được khối u nang tuyến giáp do vậy việc dùng thuốc hầu như không có hiệu quả mà bắt buộc phải sử dụng thủ thuật để điều trị nang giáp.
 
Nói về tác dụng của việc tiêm cồn Ethanol, ThS Hà cho biết thêm: Sau khi tiêm cồn Ethanol, khối u sẽ nhỏ lại mà không cần phải phẫu thuật. Thông qua màn hình siêu âm, các kỹ thuật viên sẽ hút dịch sạch trong khoang khối u và sử dụng biện pháp tiêm cồn. Tuyến giáp sẽ hoàn toàn xẹp lại mà không cần phẫu thuật, giảm quá trình chảy máu, giảm chi phí điều trị.
 
Về trường hợp anh H., sau 3 tháng điều trị bằng phương pháp tiêm cồn, hiện tại khối nang giáp của anh đã giảm từ 60mm xuống còn 28mm. Anh H. cũng không còn cảm giác tức vướng, nuốt nghẹn, cơn đau đầu cũng giảm, đặc biệt cơ thể không còn mệt mỏi nữa.
 
Hiện nay, BV Nội tiết Trung ương là một trong những bệnh viện đầu tiên thực hiện phương pháp điều trị này. Đối với những bệnh nhân thể tích dịch 20-30ml trong nang giáp thì chỉ cần dùng thủ thuật hút 1 lần và tiêm cồn. Còn với bệnh nhân có thể tích dịch lớn hơn thì số lần hút dịch và tiêm cồn sẽ tăng lên 2-3 lần tùy theo mức độ bệnh của từng bệnh nhân. Thủ thuật hút dịch và tiêm cồn Ethanol sẽ giúp người bệnh giảm chi phí so với phẫu thuật.
 
Để phát hiện sớm và kịp thời điều trị nang giáp, người dân nên đi khám sàng lọc sớm, đặc biệt là khi trong gia đình có người mắc bệnh. Nếu phát hiện ra nhân tuyến giáp, cần tới ngay bệnh viện chuyên khoa Nội tiết và rối loạn chuyển hóa để được điều trị triệt để.
ThS Lê Thị Việt Hà, Trưởng khoa Bệnh lý Tuyến giáp, BV Nội tiết Trung ương

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn