Tiêm phòng vaccine bại liệt: Thời điểm, liều lượng và các phản ứng sau tiêm

13:41 | 22/05/2020;
Bại liệt là một căn bệnh nguy hiểm và rất dễ lây lan trong cộng đồng. Tiêm phòng vaccine bại liệt là cách hiệu quả nhất để tạo miễn dịch cho bé chống lại mầm bệnh khi chúng xâm nhập và tấn công cơ thể.

1. Vaccine bại liệt là gì?

Bệnh bại liệt là căn bệnh nguy hiểm do polio virus gây nên, lây lan nhanh chóng trong cộng đồng qua đường tiêu hóa. Virus sau khi xâm nhập sẽ tấn công vào hệ thần kinh trung ương gây nên các thương tổn nặng nề mà hậu quả là bệnh nhân bị bại liệt.

Vaccine bại liệt là sản phẩm được bào chế từ virus bại liệt, được sử dụng cho trẻ em trong chương trình tiêm chủng nhằm tạo miễn dịch chủ động với loại virus này. Nhờ vậy, khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với các mầm bệnh thực tế sẽ ngăn chặn khả năng mắc bệnh.

Tiêm phòng vacxin bại liệt: Thời điểm, liều lượng và các phản ứng sau tiêm - Ảnh 1.

Sử dụng Vaccine bại liệt là cách phòng bệnh bại liệt hiệu quả nhất (ảnh: internet)

2. Các loại Vaccine bại liệt đang được sử dụng hiện nay

Hiện nay, có hai loại Vaccine bại liệt đang được sử dụng trên thực tế bao gồm Vaccine đường uống (OPV) và Vaccine đường tiêm.

Tiêm phòng vaccine bại liệt: Thời điểm, liều lượng và các phản ứng sau tiêm - Ảnh 2.

- Vaccine bại liệt uống- OPV: Vaccine bại liệt đường uống được bào chế từ các virus sống giảm độc lực. Trước kia, các Vaccine bại liệt uống chứa đủ ba típ của virus bại liệt nên còn được gọi là Vaccine tOPV. Tuy nhiên, hiện nay tip bại liệt thứ 2 đã được thanh toán nên Vaccine uống chỉ còn chứa hai típ virus và được gọi là bOPV.

- Vaccine bại liệt tiêm - IPV: Vaccine bại liệt tiêm được bào chế từ các virus đã bị bất hoạt, chứa kháng nguyên cả ba típ 1,2,3 của bệnh bại liệt.

* Vì sao típ thứ 2 bệnh bại liệt đã được thanh toán nhưng vẫn cần có kháng nguyên trong Vaccine tiêm IPV?

Mặc dù típ bại liệt thứ 2 đã bị thanh toán trong cộng đồng, nhưng điều này không có nghĩa là chúng hoàn toàn biến mất mà trên thực tế chúng bị suy giảm đến một tỷ lệ rất thấp và cực kỳ hiếm gặp nên gần như có thể coi là thanh toán. Do đó, chúng ta vẫn cần phải tiêm phòng cho trẻ kháng nguyên của típ virus thứ 2 để đề phòng trường hợp típ virus này xuất hiện trở lại và gây bệnh.

3. Vaccine bại liệt bao gồm mấy liều

Theo quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng ở nước ta hiện nay, Vaccine bại liệt để đạt hiệu quả phòng bệnh tối ưu cần được sử dụng đủ 4 liều theo đúng thời gian quy định.

- Liều thứ nhất: Khi trẻ được 2 tháng.

- Liều thứ 2: Sau liều thứ nhất 1 tháng.

- Liều thứ 3: Sau liều thứ hai 1 tháng.

- Liều thứ 4: Sau liều thứ 3 một tháng.

* Khi nào trẻ nên hoãn sử dụng Vaccine bại liệt

Tiêm phòng vaccine bại liệt: Thời điểm, liều lượng và các phản ứng sau tiêm - Ảnh 3.

Theo quy định, tất cả các trẻ sinh ra trong độ tuổi đều phải được sử dụng Vaccine bại liệt. Nhưng trong một số trường hợp, nếu sức khỏe của trẻ không đảm bảo thì có thể hoãn sử dụng Vaccine bại liệt, quyết định cụ thể dựa vào nhân viên tiêm chủng sau khi đánh giá cụ thể tình trạng của bé. Những trường hợp trẻ có thể hoãn chủng ngừa Vaccine bại liệt bao gồm:

- Trẻ đang bị sốt, nôn, tiêu chảy.

- Trẻ có tiền sử dị ứng với Vaccine.

- Trẻ đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch.

- Trẻ bị các bệnh gây suy giảm miễn dịch như HIV, bệnh bạch cầu,...

4. Tiêm phòng bệnh bại liệt có tạo miễn dịch suốt đời được không?

Miễn dịch do mỗi một típ virus bại liệt gây ra đều là miễn dịch tồn tại suốt đời. Điều này có nghĩa, nếu trẻ đã có miễn dịch với một típ virus bại liệt thì sẽ không bao giờ mắc bệnh bại liệt do típ này gây ra nữa.

Do đó, nếu trẻ không được tiêm chủng Vaccine bại liệt đầy đủ thì vẫn có thể bị mắc bệnh do các tip virus chưa được chủng ngừa gây nên.

5. Các phản ứng sau tiêm Vaccine bại liệt

Nhìn chung, việc sử dụng Vaccine bại liệt là rất an toàn do Vaccine phải được trải qua rất nhiều khâu kiểm định và thử nghiệm trước khi đưa ra sử dụng trên thực tế. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, nguy cơ dị ứng vẫn có thể xảy ra.

Những phản ứng có thể xảy ra sau khi sử dụng Vaccine bại liệt như:

- Sốt nhẹ

- Sưng đau chỗ tiêm,..

- Nổi ban nhẹ sau tiêm

- Hiếm gặp hơn trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng bệnh bại liệt trong 30 ngày sau tiêm (chủ yếu gặp ở các trẻ bị suy giảm miễn dịch)

Một số phản ứng nặng sau tiêm mà cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất ngay nếu phát hiện:

- Trẻ khó thở, thở rít, thở khò khè

- Sốt cao hoặc quấy khóc liên tục nhiều giờ

- Trẻ tím tái, chân tay lạnh

- Trẻ co giật, lơ mơ, li bì, vật vã

Có thể thấy rằng, việc tiêm chủng Vaccine bại liệt cho trẻ là vô cùng quan trọng để dự phòng căn bệnh nguy hiểm này. Do đó, cha mẹ hãy cho trẻ đi tiêm chủng đúng lịch tại cơ sở y tế để giúp trẻ được tiêm phòng Vaccine bại liệt đầy đủ nhất.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn