Như PNVN đã phản ánh, sáng nay (24/2), lô vaccine AstraZeneca đầu tiên đã về tới Việt Nam. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, hiện nay muốn có miễn dịch cộng đồng thì phải "phủ" vaccine ở 60-70% dân số. Trong khi việc tiêm vaccine chưa hẳn đã có miễn dịch ngay sau khi tiêm hoặc đề phòng sự biến thể của virus không có tác dụng với vaccine vừa được tiêm. Thông thường, việc tiêm vaccine bình thường sau một thời gian mới có kháng thể để chống lại virus. Thường thì 15 ngày cơ thể sẽ có miễn dịch nhưng mức độ bảo vệ còn tùy thuộc vào loại vaccine, tùy vào từng đối tượng và sau tiêm một mũi hay sau tiêm mũi nhắc lại lần 2.
Bộ Y tế đã có kế hoạch triển khai rất cụ thể tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho các đối tượng. Trước mắt ưu tiên tiêm cho 11 đối tượng, bao gồm:
- Nhân viên y tế.
- Nhân viên tham gia phòng chống dịch (Ban chỉ đạo các cấp, nhân viên của các khu cách ly, phóng viên...).
- Nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.
- Lực lượng quân đội.
- Lực lượng công an.
- Giáo viên.
- Người trên 65 tuổi.
- Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...
- Những người mắc các bệnh mãn tính.
- Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.
- Người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ.
Đối với vaccine Covid-19 Việt Nam nhập khẩu của hãng AstraZeneca ngày 24/2 thì miễn dịch khoảng 60 - 70% và thực tế hiện nay người ta cũng chưa biết miễn dịch kéo dài được bao lâu. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, việc bảo quản vaccine này không đòi hỏi ở nhiệt độ âm 70 độ C cũng như giá thành thấp là phù hợp với Việt Nam.
Theo PGS. Trần Đắc Phu, quan điểm của Chính phủ là sẽ tiêm hết cho người dân. Tuy nhiên, trong điều kiện ban đầu chưa có đủ vaccine thì sẽ ưu tiên cho đối tượng người dân nguy cơ cao. Theo danh mục ở trên, những đối tượng là người dân có nguy cơ cao, người già, người có bệnh nền... cũng là đối tượng có nguy cơ cao nên mong người dân chấp hành theo đúng sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế. Do vậy, chúng ta vẫn phải áp dụng biện pháp phòng bệnh có hiệu quả như thực hiện nguyên tắc 5K. Một minh chứng cụ thể là Israel đã tiêm vaccine được 50% dân số thì chính phủ vẫn khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, khử khuẩn.
Về vấn đề vaccine, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam sẽ nhận vaccine từ các nguồn, gồm: Thứ nhất, nguồn của COVAX Facility viện trợ khoảng 30 triệu liều. Bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán để trong năm 2021 có đủ 30 triệu liều này. Thứ hai, nguồn vaccine của AstraZeneca và Công ty VNVC với 30 triệu liều, hiện đã về lô đầu tiên. Thứ ba, là vaccine của Pfizer. Bộ Y tế đang tiếp tục đàm phán, khả năng trong năm 2021, Pfizer sẽ cung ứng cho Việt Nam khoảng 30 triệu liều. Thứ tư, vaccine Sputnik V của Nga. Trong tuần này Bộ Y tế sẽ họp hội đồng cấp phép cho vaccine của Nga. Nhà sản xuất thông báo có thể cung ứng cho Việt Nam khoảng 60 triệu liều.
Ngoài ra, Bộ Y tế, các tập đoàn, công ty khác không kinh doanh trong lĩnh vực y tế cũng đang thúc đẩy đàm phán với các nhà sản xuất vaccine khác. Đối với vaccine trong nước, các công đoạn vẫn đang theo đúng tiến độ. Trong đó, vaccine của Nanogen sẽ thử nghiệm giai đoạn 2 trong tuần này và vaccine của IVAC có hiệu quả rất tốt. Dự kiến đến năm 2022, Việt Nam sẽ sản xuất được vaccine. "Bộ Y tế đang chuẩn bị khẩn trương các kịch bản, huy động tất cả đơn vị trong ngành y tế và ngoài ngành tham gia vào quá trình tiêm, để đẩy nhanh tiến độ tiêm, đảm bảo độ bao phủ", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn