Tiêm vaccine sởi-rubella miễn phí cho phụ nữ

11:00 | 11/08/2015;
Trong quý IV/2015 và đầu năm 2016, trên 2 triệu phụ nữ từ 16 đến 35 tuổi sẽ được tiêm miễn phí vaccine sởi-rubella.

Theo TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ, ở các tỉnh biên giới, vùng có nguy cơ cao mắc bệnh sởi, vùng từng có ổ dịch sởi, có biến động dân cư lớn, đối tượng tiêm từ 16 đến 17 tuổi.

Còn tại các khu, cụm công nghiệp, sẽ tiêm cho phụ nữ nhóm tuổi từ 16 đến 35.

Khi triển khai chiến dịch, những phụ nữ đang mang thai không được tiêm vaccine này. Chị em nên tiêm trước khi có thai 3 tháng.

TS Dương Thị Hồng cho rằng, khác với trẻ em, phải tiêm nhắc lại, với người lớn, mỗi người chỉ cần tiêm 1 mũi sởi-rubella là đã có tác dụng phòng bệnh.

Chị em nên tiêm vaccine sởi-rubella trước khi có thai 3 tháng. Ảnh minh họa: Internet

Nhiều nghiên cứu cho thấy, mẹ nhiễm rubella, nhất là trong những tháng đầu thai kỳ, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi.  Theo đó, phụ nữ đang mang thai ở những tháng đầu thai kỳ (đặc biệt 3 tháng đầu) mà không may bị mắc rubella thì đa phần thai phụ được chỉ định bỏ thai bởi virus rubella có thể gây các dị tật nguy hiểm cho thai nhi, khiến trẻ sinh ra bị điếc, tim bẩm sinh, đục thủy tinh thể, chậm phát triển vận động, bệnh xương thủy tinh...

TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết, từ tháng 5/2016, ngành y tế sẽ sử dụng thêm 2 loại vaccine mới trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Đó là vaccine bại liệt bất hoạt dạng tiêm (IPV), thay cho vaccine bại liệt đường uống OPV hiện nay và vaccine ngừa tiêu chảy do virus rota được sản xuất tại Việt Nam.

Theo TS Đặng Đức Anh, vaccine bại liệt dạng uống thải virus sống giảm độc lực ra ngoài môi trường. Khi gặp điều kiện thuận lợi, virus này có thể quay trở lại và gây bệnh cho trẻ. Vì vậy, Bộ Y tế đã quyết định chuyển sang vaccine dạng tiêm để đảm bảo an toàn. Trong thời gian đầu, chương trình vẫn sử dụng song song 2 loại vaccine trên, rồi dần dần thay thế bằng dạng tiêm.

Theo TS Trần Đắc Phu, trong khoảng 7 tháng thực hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng, gần 20 triệu trẻ từ 1 đến 14 tuổi đã được tiêm vaccine sởi-rubella, trong đó chỉ có 2 trường hợp phản ứng nặng và được xử lý kịp thời nên đã hồi phục.

TS Phu cho rằng, chiến dịch này thành công đã góp phần vào việc khống chế dịch sởi tại Việt Nam trong năm 2015, tiến tới loại trừ bệnh sởi vào năm 2017 và khống chế bệnh Rubella. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm nay, cả nước chỉ ghi nhận 80 ca sởi rải rác tại 37 tỉnh/thành; không ghi nhận ổ dịch sởi nào. Trước đó, dịch sởi đã xuất hiện ở hầu hết tỉnh/thành trong nước, làm hàng nghìn trẻ mắc và hơn 100 trẻ tử vong.

Bộ Y tế khuyến cáo để duy trì thành quả của chiến dịch này, cha mẹ cần cho con đi tiêm chủng đúng lịch.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn