'Tiền bồi thường cần dùng cho phát triển lâu dài'

18:39 | 01/07/2016;
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, bên cạnh việc khôi phục môi trường và hỗ trợ trực tiếp, tiền bồi thường cần đầu tư cho đánh bắt hải sản xa bờ.
tt-nguyen-xuan-phuc.jpg
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Tại buổi họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 6 ngày 1/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho ý kiến chỉ đạo việc sử dụng khoản tiền tương đương 11.500 tỷ đồng phía Formosa đã cam kết đền bù thiệt hại. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, khoản tiền đền bù không phải để chi trực tiếp ngay các việc trước mắt, mà quan trọng nhất phải dành cho phát triển lâu dài.

Đề cập việc hỗ trợ lâu dài về sinh kế cho ngư dân, Thủ tướng lưu ý chú trọng hỗ trợ theo hướng đầu tư cho chương trình đánh bắt xa bờ để mang lại hiệu quả dài lâu, bền vững, dùng khoản tiền này để giúp hạ lãi suất cho vay với người dân đầu tư tàu để đánh bắt xa bờ chỉ còn khoảng 1 đến 1,5%.

Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo phân về Quỹ hỗ trợ môi trường để khôi phục môi trường biển đã bị xâm hại; tính toán một phần để hỗ trợ trực tiếp cho những người dân bị thiệt hại qua sự cố. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tập hợp báo cáo gửi lại Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch sử dụng tiền đền bù để trình lên Chính phủ.

Cạnh đó, Thủ tướng lưu ý thêm, yêu cầu quan trọng nhất sau việc này là Formosa phải cam kết không tái diễn hành vi vi phạm, nếu tái diễn sẽ kiên quyết đóng cửa. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh quan điểm, không thể phát triển kinh tế, vì thu hút đầu tư mà bỏ qua môi trường, nhất là môi trường sống của người dân.

ho-tro-danh-bat-xa-bo.jpg
 Hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ (ảnh minh họa)

Cũng tại phiên họp này, nêu những kiến nghị của người dân miền Trung, ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBTƯ MTTQVN, cho biết, những người đánh bắt gần bờ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm lần này cũng mong muốn được hỗ trợ.

Việc hỗ trợ thời gian qua chủ yếu tập cho ngư dân, còn người làm dịch vụ ăn uống, buôn bán, làm du lịch gắn với kinh tế biển thì chưa được hỗ trợ. Cạnh đó, người dân cũng kiến nghị ngành giáo dục giảm các khoản đóng góp của con em người dân bị ảnh hưởng do hải sản chết hàng loạt.

Đặc biệt, ngư dân kiến nghị Nhà nước công bố ngư trường đánh bắt không an toàn. Qua đó, ngư dân có thể đánh bắt ở những vùng biển an toàn và có giấy chứng nhận an toàn để thuận lợi cho việc tiêu thụ hải sản.

Nêu khó khăn trong chuyển đổi nghề cho ngư dân, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho rằng: Nhiều địa phương ven biển, sau lưng là núi, không có đất sản xuất; vì vậy cần có chính sách hỗ trợ người dân đóng tàu, chuyển sang đánh bắt xa bờ hoặc đào tạo nghề khác để xuất khẩu lao động, giảm bớt khó khăn hiện tại.

Về lĩnh vực du lịch, theo ông Nguyễn Văn Cao, nhiều nhà đầu tư vừa làm xong khách sạn, resort ven biển thì khách du lịch bỏ hết. Lãnh đạo tỉnh này đề nghị hỗ trợ về chính sách tín dụng, thực hiện giãn hoãn, giảm thuế để các nhà đầu tư về du lịch vượt qua khó khăn.

MTTQVN và đoàn thể chính trị - xã hội đã tổ chức 4 đoàn giám sát các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ người dân miền Trung ảnh hưởng do hải sản chết hàng loạt. Đến nay các tỉnh cơ bản hoàn thành việc phát 300 tấn gạo tới hơn 40 ngàn hộ dân bị ảnh hưởng. Hỗ trợ hộ nuôi thủy sản bị thiệt hại với hơn 9.800 tỷ đồng. Đặc biệt hỗ trợ hơn 8.100 chủ tàu thuyền ngừng khai thác với giá trị hơn 53 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương cũng bổ sung chính sách hỗ trợ người dân ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBTƯ MTTQVN

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn