Tiền bồi thường thấp, núi rác thì quá cao

13:35 | 13/06/2016;
Chủ tịch TP. Hà Nội tăng tiền hỗ trợ ảnh hưởng môi trường cho người dân sống gần khu xử lý rác thải Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) với mức tăng từ 3.000 đến 17.000 đồng mỗi người.

"Tăng vài nghìn thì tăng làm gì"

Sau khi tiếp xúc với người dân khu vực bãi rác Nam Sơn, hôm 04/6, Chủ tịch TP. Hà Nội ra quyết định số 2877/QĐ-UBND nâng mức hỗ trợ ô nhiễm môi trường do bãi rác. Theo đó, mức hỗ trợ trong phạm vi 0-500m tính từ bãi rác không được tăng. Mức hỗ trợ của người dân trong phạm vi 500–600m được nâng lên 35.000 đồng/người/tháng (mức cũ 32.000 đồng, tăng 3.000 đồng); phạm vi 600–800m là 30.000 đồng/người/tháng (mức cũ 23.000 đồng, tăng 7.000 đồng); phạm vi 800–1.000m là 25.000 đồng (mức cũ 8.000 đồng, tăng 17.000 đồng).

Bên cạnh việc tăng tiền hỗ trợ, Sở Y tế đã kết hợp với một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội tổ chức đoàn công tác về xã Nam Sơn khám bệnh cho người dân. Theo báo cáo, gần 1.000 người dân đã được khám bệnh miễn phí.

ong-chung.jpg
Ông Nguyễn Đức Chung tại buổi đối thoại với người dân xã Nam Sơn.

Cả hai việc tăng tiền hỗ trợ và khám bệnh đều không làm người dân xã Nam Sơn hài lòng. Anh Nguyễn Văn Chính, đội 17, thôn Đông Hạ, cho biết: “Tăng hỗ trợ mà được vài nghìn thì tăng làm gì. Còn đoàn công tác về đây khám bệnh nhưng theo kiểu… khám cho có. Máy móc thiết bị không đủ. Nhiều người đang bị bệnh nhưng khi đi khám lại được kết luận là bình thường”.

Ông Nguyễn Văn Thơm, đội 16, thôn Đông Hạ, nói: “Tôi đang bị ung thư dạ dày, muốn kiểm tra nhưng họ không có máy nội soi. Tôi cũng bị viêm họng mãn tính họ lại bảo họng tốt. Tôi thấy, cách khám bệnh rất qua loa, khám như thế thì chẳng có kết quả gì”.

2.JPG
Ông Thơm phản ánh đoàn khám chữa bệnh làm việc qua loa, không có kết quả.

"Nước sạch bẩn hơn nước ngầm"

Từ trước, Hà Nội đã xây dựng một nhà máy nước sạch để hỗ trợ người dân trong vùng bị ảnh hưởng, nhưng do nhà máy nhỏ nên chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu. Theo đó, mỗi hộ dân được dùng miễn phí 8m3 nước mỗi tháng. Mới đây, Chủ tịch thành phố đã quyết định hỗ trợ hoàn toàn nước sạch, không khống chế số lượng như trước.

Tuy nhiên, người dân cho biết, nước sạch tại xã Nam Sơn còn… bẩn hơn cả nguồn nước ngầm. Dù đã có nước sạch nhưng người dân vẫn sinh hoạt bằng nguồn nước ngầm được lọc qua bể. “Nếu nấu cơm bằng nước sạch đó, cơm toàn mùi thuốc tẩy không thể ăn nổi. Do đó, chúng tôi vẫn hoàn toàn đun nấu bằng nước ngầm. Nước sạch chỉ dùng để tưới cây”, anh Nguyễn Văn Tài, thôn Đông Hạ chia sẻ.

3.JPG
Nước sạch ở xã Nam Sơn bẩn hơn cả nước ngầm?

Cũng theo anh Tài, việc phải dùng nguồn nước ngầm để sinh hoạt là việc “cực chẳng đã”. Anh Tài cho rằng, ngoài không khí bị ô nhiễm, hệ thống nước ngầm ở xã Nam Sơn cũng đã bị ảnh hưởng nặng nề từ bãi rác Nam Sơn. Nguyên nhân là do việc xử lý không tốt, dẫn đến việc nước bẩn tràn ra ngoài, ngấm xuống đất.

Chỉ lên núi rác, anh Tài khẳng định, núi rác đó đã vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Riêng bể chứa nước thải, dù đã được trải một lớp bạt phía dưới nhưng nhiều chỗ vẫn ngấm và chảy ra ngoài. Một phần được bơm trở lại vào hồ chứa, một phần chảy tuột ra kênh.

33.jpg
Người dân chỉ nơi nước thải bãi rác tràn ra ngoài

“Không biết nguồn nước ngầm có bị ảnh hưởng hay không nhưng mùi hôi thối từ núi rác, từ hồ nước thải bốc lên khủng khiếp. Vào những ngày trái nắng trở trời, thối kinh khủng”, ông Nguyễn Ngọc Oanh – Phó chủ tịch UBND xã Nam Sơn chia sẻ.

Ông Oanh cũng nói rằng: “Quy định trước đây, cốt của núi rác là dương 21m. Tuy nhiên, nhìn bằng mắt thường hiện tại, núi rác đã cao gấp đôi. Không rõ quy định mới có được phép cao hơn hay không nhưng là lãnh đạo địa phương tôi chưa từng thấy có quy định mới nào cả”.

Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn) ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ (Sóc Sơn, Hà Nội) trong đó xã Nam Sơn bị nặng nhất. Trước đây, TP. Hà Nội cũng đã có quyết định hỗ trợ cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, người dân cho rằng mức hỗ trợ từ 8 nghìn đến 70 nghìn/người/tháng là quá thấp.

Bức xúc trước số tiền ít ít ỏi được hỗ trợ trong khi bãi rác vẫn gây ô nhiễm nghiêm trọng, người dân đã tụ tập phản đối. Cụ thể, từ ngày 26-28/5/2016, người dân xã Nam Sơn đã chặn đường xe chở rác vào nhà máy. Hậu quả của sự việc này khiến hàng trăm xe chở rác bị dồn ứ, xếp dài hàng km và rác không có chỗ đổ. Sự việc căng thẳng khiến Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phải trực tiếp về xã Nam Sơn đối thoại với người dân.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn