Thời điểm này hàng năm, nơi đây thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông bởi lượng người chở vải thiều đến bán cho thương lái đông nghịt. Tuy nhiên, do năm nay vải thiều mất mùa, sản lượng giảm nên không còn cảnh ùn tắc.
Ghi nhận của chúng tôi vào sáng ngày 15/6, tại chợ Chũ (huyện Lục Ngạn), một trong những chợ thu mua vải lớn nhất trong huyện, người dân chở vải đến bán cho thương lái không nhiều.
Chính vì vậy, việc thu mua của các thương lái trở lên khó khăn hơn khi số lượng vải ngày càng một ít. Tuy nhiên, các chủ cơ sở thu mua vải vẫn thường xuyên phải thuê các "cửu vạn" làm việc thời vụ để bốc vác vải liên tục suốt thời vụ cho kịp các chuyến hàng vận chuyển đi nơi khác.
Tại cơ sở thu mua và đóng gói của cô Nguyễn Thị Hòa (42 tuổi) ở Lục Ngạn có hơn 10 công nhân đang tất bật kiểm tra vải, ướp đá, đóng thùng xốp… cho đến bốc vác các thùng xốp vải lên các xe chở hàng để vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ.
Theo đó, các "cửu vạn" được trả 1,4 triệu đồng cho mỗi tấn vải thành phẩm. Tùy vào khối lượng công việc mỗi ngày, nếu nhiều hàng, mỗi người có thể sẽ thu nhập khoảng 1 đến 2 triệu đồng/ngày.
Vải thiều sau khi được ướp lạnh sẽ được loại bỏ râu, đóng gói vào thùng xốp cẩn thận
Chia sẻ với chúng tôi, cô Hòa cho biết, năm nay các công nhân ít việc hơn bởi nguồn hàng khan hiếm.
"Những năm trước, vải được mùa nên mỗi ngày chúng tôi thu mua và đóng gói được khoảng 2 xe hàng. Mỗi xe khoảng 10 tấn, mọi người sẽ đóng gói và bốc hàng liên tục để kịp chuyến xe mang xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng năm nay do vải thiều mất mùa nên phải 2 ngày chúng tôi mới thu mua và đóng gói được 10 tấn vải", cô Hòa cho hay.
Cô Hòa chia sẻ thêm, những người được thuê làm các công việc nhẹ hơn như cắt tỉa cành, loại bỏ quả hỏng,… được thuê với giá 30.000 đến 50.000 đồng/tiếng hoặc 250.000 đồng/xe.
Do phải làm việc liên tục lên người ông Hào luôn trong tình trạng mồ hôi ướt đẫm
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Hào (48 tuổi, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) cho biết, bản thân ông đã làm công việc bốc vác vải này khoảng 10 năm nay.
"Nhà tôi không có vải thiều nên cứ hễ đến vụ vải là tôi lại tranh thủ tới đây bốc vác. Nhóm của tôi hơn 10 người, mỗi người một việc, ai quen làm việc gì thì vào làm việc ấy, như vậy mới nhanh được.
Tùy vào khối lượng công việc, mình làm nhiều ăn nhiều, làm ít thì ăn ít. Mọi người ai nấy cũng đều cố gắng bốc được càng nhiều hàng lên xe sẽ càng có nhiều tiền", ông Hào chia sẻ.
Cũng theo ông Hào, do tiền lương được trả theo số lượng nên giờ giấc làm việc không cố định. "Trước có những đợt chúng tôi làm thông nhiều ngày vì hàng nhiều. Nhưng đợt này 2 ngày mới được 1 xe nên tôi cũng thấy bình thường, không vất lắm", ông Hào cho hay.
Theo đó, với số lượng hàng 2 ngày thu mua về được hơn 10 tấn, trung bình mỗi ngày ông Luận kiếm được khoảng 700.000 đến 800.000 đồng.
Làm ở vị trí nhẹ nhàng hơn, chị Chu Thị Chuyên (37 tuổi, trú Lục Ngạn, Bắc Giang) cho biết: "Công việc của tôi là cắt râu, loại bỏ quả vải hỏng. Hôm nào nhiều hàng thì họ trả theo tiếng, mỗi tiếng khoảng 30 đến 40 nghìn đồng/giờ. Nếu chỉ có 1 xe thì tính theo xe, khoảng 250.000 đến 300.000 đồng/xe".
Cũng theo một số "cửu vạn" cho hay, làm việc bốc vác mất nhiều sức, thời điểm hàng về nhiều phải làm liên tục không được nghỉ, cùng với thời tiết khắc nghiệt của hè, người nào không quen không làm được công việc này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn