Ngày 3/8, thông tin về an sinh xã hội tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: việc triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo các Nghị quyết số 68/NQ-CP, số 116/NQ-CP, số 126/NQ-CP, từ năm 2021 đến nay, trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí gần 82 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ gần 728.500 lượt người sử dụng lao động và trên 49,7 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.
Về thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà tại các khu vực công nghiệp, khu chế xuất, ông Đào Ngọc Dung cho biết: Đến nay, cơ quan bảo hiểm xã hội đã xác nhận cho 3,14 triệu người lao động để nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Có 29 địa phương chưa thực hiện giải ngân kinh phí hỗ trợ. Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp so với tổng kinh phí dự kiến ban đầu như: Ninh Bình (0,28%); Nghệ An (0,21%); Quảng Nam (0,06%); Quảng Ngãi (0,03%); Bình Định (0,13%); An Giang (0,07%),…
Đặc biệt một số địa phương có số lượng dự kiến đối tượng lớn nhưng kinh phí giải ngân đến nay vẫn rất thấp như Quảng Ninh; Hải Phòng, Bắc Ninh; Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang…
Cùng với đó, UBND cấp tỉnh, cấp huyện tại 51/63 địa phương đã phê duyệt hồ sơ của 17.356 doanh nghiệp với gần 1,2 triệu người lao động (chiếm 67% số lao động đã nộp đề nghị hỗ trợ), kinh phí hỗ trợ trên 760 tỷ đồng. Có 31 địa phương đã giải ngân hỗ trợ 356 tỷ đồng cho trên 620 nghìn lao động (mới chỉ được 5,4% so với dự kiến nhu cầu hỗ trợ).
Một số địa phương đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ nhiều người lao động hiện nay là TP.Hồ Chí Minh (112,4 tỷ đồng); Đồng Nai (72,3 tỷ đồng); Bình Dương (74 tỷ đồng); Bắc Giang (55 tỷ đồng); Hà Nội (45,3 tỷ đồng); Long An (31,4 tỷ đồng),...
Lý giải nguyên nhân giải ngân chậm, theo Trưởng ngành lao động, là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mực, còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo tham mưu và còn lúng túng trong việc bố trí, sử dụng kinh phí để hỗ trợ.
Bên cạnh đó, người sử dụng lao động, chủ cơ sở cho thuê, cho trọ sợ trách nhiệm, không dám xác nhận, lập hồ sơ đề nghị cho người lao động. Bản thân người lao động chưa nắm hết thông tin để chủ động làm thủ tục đề nghị hỗ trợ. Bộ LĐ-TB&XH đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đôn đốc triển khai bảo đảm nguyên tắc kịp thời, đúng ý nghĩa của chính sách này...
Ông Đào Ngọc Dung bày tỏ sự sốt ruột trước tiến độ của các địa phương và được Thủ tướng chia sẻ, yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh cần đôn đốc vào cuộc xác nhận, giải ngân kinh phí thuê nhà cho người lao động.
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Chính sách đã có, kinh phí đã có, không thể chậm trễ khi Thủ tướng đã có Công điện đôn đốc, nhắc nhở".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn