Về vấn đề này, luật sư Phạm Thanh Hữu (THƯ VIỆN PHÁP LUẬT) tư vấn như sau:
Trước đây, tại điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định 90/2019/NĐ-CP, tiền lương của người lao động làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
Kể từ ngày 1/7/2022, Nghị định 38/2022/NĐ-CP không còn quy định về tiền lương tối thiểu của người đã qua học nghề, đào tạo nghề mà chỉ quy định về mức lương thấp nhất mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo tháng, theo giờ. Tuy nhiên, tại Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 về quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế chưa kịp sửa đổi, bổ sung quy định này cho phù hợp với Nghị định 38/2022/NĐ-CP.
Do đó, trên thực tế phát sinh vướng mắc, nhiều người còn nhầm tưởng "tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề vẫn phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng".
Ngày 5/6/2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Quyết định 948/QĐ-BHXH và sửa đổi, bổ sung Quyết định 595/QĐ-BHXH cho phù hợp với Nghị định 38/2022/NĐ-CP. Cụ thể, bãi bỏ hai nội dung sau đây của Quyết định 595/QĐ-BHXH:
- Người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
- Người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn