Tiền lương khu vực công sẽ tính bằng 5 bảng lương

17:56 | 18/05/2018;
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng tiền lương ở 2 khu vực hành chính sự nghiệp và khu vực tư (có quan hệ lao động) còn nhiều bất cập làm giảm động lực làm việc và thu hút nhân lực về lâu dài trong khu vực công.

Tại hội nghị tập huấn nghiệp vụ BHXH, BHYT mới đây do BHXH Việt Nam tổ chức, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết việc trả lương cho người lao động ở 2 khu vực hành chính sự nghiệp và khu vực tư hiện nay có nhiều bất cập. Lương ở khu vực doanh nghiệp thì tính theo tiền lương tối thiểu vùng; còn khu vực hành chính sực nghiệp gọi là tiền lương cơ sở.

ong-bui-sy-loi.jpg
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội

 

Lương của khu vực hành chính, sự nghiệp hiện nay có mức thấp hơn nhiều so với lương tối thiểu vùng của khu vực sản xuất, kinh doanh. Với khu vực công, cách tính lương là tiền lương cơ sở 1,3 triệu đồng nhân (x) với hệ số cộng ( ) với phụ cấp (hiện có khoảng 20 loại phụ cấp). Còn khu vực tư đang được tính với lương tối thiểu vùng từ 2,7 triệu đến 3,9 triệu đồng/tháng.

Ông Bùi Sỹ Lợi nói: “Tiền lương là giá trị của sức lao động; giá trị sức lao động đều như nhau ở cả khu vực công hay tư. Vì vậy, không có lý gì duy trì một khoảng cách lớn về tiền lương giữa 2 khu vực này, giữa một bên khu vực công chỉ là 1,3 triệu đồng; một bên là khu vực tư từ 2,7 đến 3,9 đồng”.

Theo ông Lợi, "chính sách tiền lương hiện hành còn nhiều bất cập, chưa tạo được động lực làm việc cho công chức, viên chức và người lao động. Thực tế bất cập này là một trong các nguyên nhân làm giảm động lực làm việc và thu hút nhân lực về lâu dài trong khu vực công”.

Thông tin thêm về Đề án cải cách tiền lương tại Hội nghị Trung ương 7 Khoá XII vừa qua, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, định hướng tiền lương tối thiểu của khu vực công phải tiệm cận với tiền lương của khu vực tư. Mức thấp nhất của tiền lương khu vực công phải bằng tiền lương tối thiểu của vùng 1, sau đó từng bước vươn tới bằng bình quân của 4 vùng lương. Qua đó thu hút được người tài, nguồn nhân lực chất lượng cao vào khu vực nhà nước, tránh chảy máu chất xám.

Ông Lợi cho biết: Theo Đề án cải cách chính sách tiền lương, sẽ chỉ còn 5 bảng lương. Bảng lương được tính theo chức vụ, vị trí việc làm chứ không theo thâm niên như hiện nay.

Trong đó, thứ nhất là Bảng lương chức vụ lãnh đạo với mức lương khởi điểm 5 triệu đồng; cứ tái cử 5 năm được cộng thêm 10%.

Thứ 2 là Bản lương không giữ chức vụ lãnh đạo chuyên môn nghiệp vụ, vẫn xếp theo bậc lương nhưng không còn hệ số, sẽ có khởi điểm là 4,1 triệu đồng và 3 năm tăng 1 bậc lương.

Ngoài ra có 3 bảng lương của lực lượng vũ trang gồm lương sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp và công nhân nhân quốc phòng.

cong-chuc-hanh-chinh.jpg
Cải cách chính sách tiền lương nhằm đảm bảo công chức, viên chức, người lao động có thể "sống được bằng lương"

 

Muốn cải cách chính sách tiền lương, Hội nghị  trung ương đưa ra 7 giải pháp, trong đó phải đổi mới cải cách sự nghiệp công lập và cải cách bộ máy hành chính, tinh giảm biên chế; các đơn vị sự nghiệp công lập cần chuyển sang việc thực hiện khoán kết quả đầu ra.

 Giải đáp băn khoăn của báo chí về việc tiền lương sẽ được trả theo vị trí việc làm, nhưng cùng 1 vị trí việc làm giữa người mới ra trường và người làm việc lâu năm, liệu có sự khác biệt? Ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định rằng: Chắc chắn sẽ vẫn phải xem xét tới yếu tố thâm niên, vì cùng 1 vị trí nhưng người đã làm việc 5 năm, có kinh nghiệm, chắc chắn phải khác với người mới làm việc 1 năm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn