Trong những năm gần đây, ăn chay đang trở thành xu hướng của nhiều người, nhiều gia đình, nhất là với những người đang bị mắc các bệnh liên quan tới cholesterol như mỡ máu,... Ăn chay tuy tốt nhưng vẫn có hại nếu như ăn chay không khoa học.
Một trong những phương pháp ăn chay phổ biến hiện nay là ăn chay trường, hay còn gọi là ăn chay không ngắt quãng. Nói cách khác, ăn chay trường là ăn chay không có thức ăn mặn như thịt, cá. Trong bữa ăn thường có 4 nhóm chất bao gồm:
- Bột đường (Cơm)
- Chất đạm (đậu phụ, sữa đậu nành, lạc hay còn gọi là đậu phộng, muối mè, nấm, đậu xanh,...
- Dầu
- Chất xơ (rau, trái cây).
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, thực tế việc ăn chay không xấu. Nếu như ăn chay khoa học có thể đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khoẻ bởi trong chế độ ăn chay có nhiều rau củ và các loại thực phẩm giàu vitamin các nhóm A và B, lại ít cholesterol.
Những thành phần trong món chay có các tác dụng chủ yếu như:
- Giải độc
- Giảm cân
- Hỗ trợ điều trị và phòng ngừa những bệnh lý mãn tính có liên quan chặt chẽ với chế độ ăn uống không lành mạnh như béo phì, bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, các bệnh về tim mạch hay tai biến, người bị loãng xương, bị táo bón,...
Tiến sĩ Hưng cho biết, có nhiều người đang hiểu sai về cách ăn chay để cơ thể khoẻ mạnh. Nhiều người áp dụng không đúng cách hoặc cho rằng ăn chay trường sẽ đạt hiệu quả cao hơn mà lại không hề có kiến thức về việc thiếu hụt dinh dưỡng!
Ông cho biết, có rất nhiều trường hợp nhập viện bị thiếu chất, bị thiếu máu do áp dụng chế độ ăn chay trường, các chất dinh dưỡng không được cân đối. Đặc biệt, trong số các ca mà bác sĩ điều trị còn có các trường hợp bị suy nhược cơ thể trầm trọng, liên tục bị ngất xỉu trước khi được can thiệp y tế.
Có rất nhiều người cho rằng, bữa ăn chay chỉ bao gồm cơm và rau quả
Một bữa ăn chay cần đảm bảo cung cấp đủ cho cơ thể năng lượng cần thiết phục vụ cho các hoạt động thường ngày chứ không thể chỉ thuần tinh bột và chất xơ được. Nếu chế độ ăn thiếu chất đạm kéo dài có thể gây ra các biểu hiện như cơ bị nhão, cơ thể dễ bị nhiễm trùng hay chán ăn,...
Hoặc ngược lại, một chế độ ăn quá nhiều tinh bột, đường hay chất béo - đây là những nhóm dinh dưỡng năng lượng cao thì vẫn có thể khiến bạn bị tăng cân dẫn tới béo phì như nhóm người ăn mặn khác.
Do vậy, Tiến sĩ Hưng khuyến cáo, người ăn chay cần ăn đa dạng thực phẩm để tránh thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng.
Ăn chay trường chưa chắc đã khoẻ mạnh
Đây là quan điểm của Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Huy Cường của Phòng khám nội tiết Thái Hà. Bác sĩ cho biết, nếu như ăn chay xen kẽ - nghĩa là thỉnh thoảng ăn thì có thể tốt cho cơ thể chứ ăn chay trường mà khoẻ mạnh hoàn toàn thì anh chưa thấy ai, kể cả có chữa được bệnh nhưng lại gặp vấn đề liên quan tới cơ thể thiếu chất.
Bác sĩ Cương cũng nói thêm, việc ăn chay trường có nghĩa là chỉ ăn thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Nhưng dù rau củ quả có được chọn lọc tốt như thế nào thì khó có thể bù lấp được khoảng trống do thiếu hụt chất dinh dưỡng bao gồm chất đạm, chất béo, nhóm sắt và vitamin B12 có nguồn gốc từ động vật gây ra.
Hơn nữa, vitamin B12 lại có nhiều ở nhóm thịt động vật, nhất là thịt bò. Những loại thực phẩm khác cũng có, nhưng hàm lượng nghèo nàn hơn và cũng khó hấp thụ hơn.
Tương tự như vitamin B12 thì 8 loại axit amin thiết yếu của cơ thể đều có nhiều trong các thực phẩm nguồn gốc động vật, nhất là omega-3 có trong cá. Mặc dù bạn có thể tìm thấy omega-3 ở các loại hạt nhưng lại không đủ. Về lâu dài sẽ gây thiếu hụt chất dinh dưỡng cho cơ thể, dẫn tới suy nhược.
Do vậy, bác sĩ Cường khuyên rằng, thực phẩm đa dạng và phong phú vẫn là lời khuyên về dinh dưỡng tốt nhất cho cơ thể bởi mỗi một loại thực phẩm đều có vai trò khác nhau.
Ăn chay giả ăn mặn
Dưới sự phát triển của ngành công nghệ thực phẩm, nhiều sản phẩm ăn chay giả thức ăn mặn đã được đưa vào phổ biến trên các bàn ăn gia đình. Tuy nhiên, bác sĩ Cường cho hay, các sản phẩm này có chứa các chất phụ gia, chứa hoá chất và cả chất bảo quản nên nếu không được kiểm soát chặt chẽ thì ăn phải còn nguy hại hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn