Để hạn chế dịch bệnh lây lan thì việc hiểu rõ thông tin về loại virus corona để từ đó có hành động phù hợp cũng quan trọng không kém. Tuy nhiên, trên mạng xã hội hiện đang có nhiều thông tin về cách phòng chống chưa được kiểm chứng. Trong đó, nhiều người lan truyền thông tin chỉ cần sử dụng khẩu trang N95 (với giá khoảng 300.000 đồng/chiếc) để ngăn nhiễm virus corona.
Theo TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư (City of Hope, California, USA) dịch virus Corona bùng nổ thì thị trường khẩu trang cũng trở nên nóng hổi không kém. Mọi người đổ xô đi mua khẩu trang từ đơn giản như khẩu trang y tế đến đặc biệt hơn và đắt tiền hơn là khẩu trang N95. Loại khẩu trang này được cho là có thể lọc bụi có đường kính từ 300-750 nano mét. Tuy nhiên, virus có cấu trúc rất đơn giản và có kích thước rất nhỏ, trung bình khoảng 100 nanô mét. Với kích thước này chuyện virus lọt qua khẩu trang N95 là chuyện bình thường.
Theo TS. Vũ, mục đích thực sự của khẩu trang trong việc ngăn ngừa việc truyền nhiễm bệnh là ngăn ngừa các hạt nước (droplet) có chứa virus văng ra từ người bệnh qua việc hắt xì hoặc ho.
Theo một nghiên cứu năm 2013 thì các hạt dịch này có kích thước từ khoảng 75 đến 360 micro mét (1 micro mét = 1.000 nano mét). Do đó, có thể dễ dàng bị giữ lại bởi các khẩu trang y tế thông thường với khả năng lọc hiệu quả các hạt có kích thước trên 5 micro mét trở lên.
Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2016 về "hiệu quả của khẩu trang N95 so với khẩu trang y tế trong việc bảo vệ nhân viên y tế khỏi nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính" cho thấy "không đủ dữ liệu để chứng minh N95 tốt hơn".
TS. Vũ cho rằng, người dân không nên tốn tiền chạy mua khẩu trang N95 (nếu khả năng kinh tế và tình hình thực tế không cho phép). Người dân có thể sử dụng khẩu trang y tế đúng cách (che hết nửa mặt từ trên mũi và đến cằm, sử dụng 1 lần) là cũng đã rất hiệu quả. Nếu người dân có thể mang thêm mắt kính (bất cứ loại nào) nữa thì càng tốt.
Về câu hỏi có nên dừng các hoạt động du lịch của người dân Trung Quốc Trung (ít nhất là những người từ Vũ Hán) ở Việt Nam, TS. Nguyễn Hồng Vũ cho khẳng định là "rất cần thiết".
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 27/1, dịch viêm phổi cấp tại Vũ Hán (Trung Quốc) đã có 2.761 người Trung Quốc nhiễm virus corona. Trong đó, 80 trường hợp đã tử vong, hầu hết là người ở TP. Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Ngoài ra, 40 người ở các nước khác như Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản,… cũng đã có bệnh nhân mắc chủng virus mới này.
Tại Mỹ, chỉ trong vòng chưa đến 24 tiếng đã có thêm 3 người mới được phát hiện nhiễm virus corona từ Vũ Hán. Trong đó, 2 người ở bang California, 1 người ở bang Arizona, nâng tổng số người bị nhiễm ở Mỹ lên con số 5.
TS. Vũ cho biết, việc dập dịch hiệu quả nhất hiện nay là "cô lập người nhiễm bệnh" để điều trị, không cho virus có cơ hội truyền nhiễm tiếp sang người khác và khiến virus chết trong vùng cô lập. Trung Quốc đã nhận ra điều này và đã có những động thái mạnh như cô lập TP. Vũ Hán từ ngày 22/1 và hàng loạt các TP. khác; khẩn trương xây cấp tốc các BV với hàng ngàn giường bệnh; chuẩn bị đổ hàng ngàn nhân viên y tế (chủ yếu là quân y) đến các vùng dịch để chiến đấu; hủy các buổi lễ chào mừng Tết cổ truyền, các nhà chùa đóng cửa, Tử Cấm Thành ngưng hoạt động và cả khu vui chơi nổi tiếng Disneyland ở Thượng Hải,…Với những động thái trên dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát ở Trung Quốc trong thời gian tới.
Cho đến nay, hầu hết những người phát hiện mang virus ở ngoài Trung Quốc là những người xuất phát từ Vũ Hán (đi du lịch hoặc trở về nhà sau chuyến du lịch). Do vậy, TS. Vũ cho rằng việc "dừng các hoạt động du lịch của người dân Trung Quốc (ít nhất là những người từ Vũ Hán) ở Việt Nam" là cần thiết để ngăn chặn cơ hội lây lan của dịch bệnh. Điển hình cho việc phòng ngừa này đã được thực hiện ở các nước như Bắc Hàn đã đóng cửa biên giới từ rất sớm và gần đây vào ngày 24/1. Các quan chức Philippines xác nhận rằng ước tính khoảng 500 khách du lịch Trung Quốc mới đến từ Vũ Hán đã được hồi hương do lo sợ về dịch virus Corona đang diễn ra dù rằng tại thời điểm đó không có hành khách nào thể hiện các triệu chứng của căn bệnh này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn